(Tổ Quốc) - Trước thời nhà Hán, nữ nhân Trung Hoa không được phép mặc nội y. Mãi đến Hán triều họ mới được mặc những chiếc quần ống rộng nhưng không có đáy.
Theo ghi chép lịch sử, phụ nữ Trung Quốc thời cổ đại không mặc nội y, họ chỉ mặc một lớp trang phục lót bên trong váy tương đương với quần lót, váy lót ở thời hiện đại.
Trên thực tế, không chỉ ở Trung Quốc mà còn ở nhiều nước khác, phụ nữ thời cổ đại đều không mặc nội y, bởi vì bên ngoài họ mặc những bộ quần áo quá dài và quá dày. Khi nhìn trực tiếp cũng sẽ không nhìn thấy được cơ thể họ, cho nên có mặc nội y hay không cũng không quan trọng.
Theo nhiều tài liệu lịch sử, chiếc quần chỉ xuất hiện vào thời kỳ Xuân Thu. Khi vừa xuất hiện, chiếc quần là đặc quyền của nam giới, phụ nữ vẫn mặc váy dài hoặc những chiếc áo khoác dài rộng.
Trong hơn 2 nghìn năm theo chế độ phong kiến, phụ nữ Trung Quốc mặc quần dài đã là một chuyện đại nghịch bất đạo, nói chi đến mặc nội y. Người xưa tin rằng, một người phụ nữ sau khi mặc quần, 2 chân tách ra ở mỗi ống quần là một vấn đề không đứng đắn. Thậm chí, một số người mang nặng tư tưởng Nho giáo còn cho rằng, phụ nữ mặc quần và vận mệnh của đất nước có liên quan đến nhau. Phụ nữ cổ đại luôn phải khép 2 chân gần nhau, cho nên quần dài 2 ống bị xếp sang một góc tủ và cũng không có ai dám mặc những chiếc quần như thế.
Thời cổ đại, địa vị của nữ nhân rất thấp vì thế nam nhân nói gì thì họ cũng phải làm theo, không có quyền bác bỏ. Các nhà Nho giáo nghĩ rằng người phụ nữ nên kín cổng cao tường, phải mặc váy áo vừa rộng vừa dài, những đặc trưng của nữ giới không được lộ ra ngoài.
Mặc dù phụ nữ cổ đại không mặc nội y nhưng họ mặc nhiều lớp trang phục hơn chúng ta hiện nay. Thậm chí có người còn mặc 3 lớp bên trong, 3 lớp bên ngoài, chắc chắn không có một tia sáng nào có thể chiếu vào bên trong cơ thể.
Sau này, vào thời nhà Hán, phụ nữ mới bắt đầu mặc quần nhưng chỉ là những chiếc quần đặc biệt với 2 ống quần rộng nhưng không có đáy. Trên thực tế, ngoài việc giữ ấm đôi chân trong ngày có gió lạnh thì mặc những kiểu quần như thế là để thuận tiện trong quá trình sử dụng nhà vệ sinh.
Chiếc quần dần phổ biến nhưng điều thú vị là, tầng lớp thượng lưu không thích loại y phục này, mà chỉ có những kẻ ở tận cùng xã hội mới thích chiếc quần như thế vì nó thuận tiện cho các hoạt động tay chân và di chuyển. Một thời gian sau, có người đã trêu rằng, đó là những chiếc "quần nhà nghèo".
Sau đó, nhiều phụ nữ khi đến kỳ kinh nguyệt đã mặc thêm một chiếc quần cũ bên trong với chủ ý sẽ thuận tiện cho quá trình làm vệ sinh. Mặt khác như thế cũng sẽ tránh làm bẩn y phục mặc bên ngoài.
Và điều đặc biệt hơn, ngay sau đó những người đàn ông cũng nhận ra cách sử dụng quần như thế rất tiện lợi. Họ đã bắt chước theo, cứ thế nguyên mẫu của nội y hiện đại đã xuất hiện. Tuy nhiên, lúc đó chúng vẫn rất rộng và không ôm sát cơ thể.
Nội y đúng nghĩa được công chúng chấp nhận và mặc thường xuyên là từ thời Trung Hoa Dân Quốc.
Nguồn: Toutiao, KKnews
HY LI