(Tổ Quốc) - “Định Yên có vựa chiếu to – Lấy chồng xứ Định khỏi lo chiếu nằm”. Men theo câu ca dao mộc mạc nhưng tràn đầy lòng tự hào ấy, tôi tìm về với làng chiếu Định Yên trong những ngày cuối năm. Từ đầu ngõ, tiếng lạch cạch của khung dệt đã rộn ràng.
Nằm nép mình bên dòng sông Hậu hiền hòa, làng nghề dệt chiếu Định Yên (Lấp Vò, Đồng Tháp) nức tiếng gần xa với những đôi chiếu hoa được làm từ lác nước. Không ai biết rõ làng chiếu có từ bao giờ, chỉ nhớ ngày nhỏ khi chạy chơi cùng bè bạn, tiếng khung dệt đã lạch cạch khắp xóm. Còn các cụ cao niên thì bảo rằng, nghề dệt nơi đây lưu truyền theo kiểu “cha truyền con nối”, nhà nào cũng qua mấy đời dệt chiếu, già truyền cho trẻ, ngót nghét cả trăm năm.
Một làng chiếu nức tiếng khắp Nam Kỳ Lục tỉnh
Thời còn hưng thịnh, chiếu Định Yên theo các ghe thương hồ, tỏa ra khắp ngã sông miệt đồng bằng sông Cửu Long, sang tận xứ Campuchia. Hiện nay nghề dệt chiếu chỉ còn tập trung chủ yếu ở hai xã Định An và Định Yên, nhất là xã Định Yên, nơi mà khoảng 80% hộ dân theo nghề làm chiếu, Năm 2013, nghề dệt chiếu ở xã Định Yên, huyện Lấp Vò, Đồng Tháp được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.
Chiếu xanh chiếu đỏ trải khắp từ cổng vào trong làng
Trên đường làng, những bó lác, những chiếc chiếu thành phẩm phơi khắp mọi nơi tạo nên một không gian đầm ấm, tràn đầy màu sắc vui tươi. Sắc xanh, đỏ, tím, vàng của những bó lác được trải phơi như những cánh bướm sặc sỡ, điểm tô cho dáng vóc của vùng đất thanh bình. Những nồi thuốc nhuộm lên khói trắng, những người thợ, người làng nghề không ngơi tay, chăm chỉ và lành nghề: phụ nữ thì miệt mài ngồi bên máy dệt, tỉ mẩn chuồi lác, đàn ông thì mang những bó lạc vừa nhuộm xong đi phơi dưới nắng.
Để làm ra một chiếc chiếu, phải qua rất nhiều công đoạn: lác mua về tuốt, giũ sạch, nhuộm, phân loại, phơi khô rồi mới bắt đầu dệt. Chiếu Định Yên xưa được dệt thủ công bằng tay: phải có hai người, một người dập và một người chuồi lác. Tuy nhiên, ngày nay hầu hết đã được dệt bằng máy, nhanh và đa dạng hơn về hoa văn, màu sắc.
“Nếu dệt tay, hai người mất cả ngày để tạo ra 4 đến 6 lá chiếu, thu nhập chỉ từ 30.000 – 40.000 đồng. Dệt bằng máy chỉ mất một nhân công mà một ngày lại có thể tạo ra 20 chiếc chiếu, thu nhập cũng tăng lên gấp 4, gấp 5 lần”, anh Trần Tấn Hưng (47 tuổi), một người dân trong làng giải thích. Sau khi dệt xong phải cột mối chỉ, hớt bìa, may viền chiếu… rồi mới giao thương lái.
Dệt chiếu là một công việc vất vả
Chiếu Định Yên có nhiều loại với đa dạng mẫu mã, màu sắc như chiếu trắng, chiếu hoa, chiếu con cờ, vảy ốc, trà niên,... Trong đó, chiếu hoa và chiếu vảy ốc là công phu nhất bởi nó đòi hỏi sự phân bố, bắt chữ sao cho đẹp và tinh xảo. Tùy là chiếu trắng, chiếu hoa hay chiếu vảy ốc mà giá bán khác nhau, rơi vào khoảng từ 70.000 – 150.000 đồng/chiếc. Những tháng cận Tết, thương lái tìm mua chiếu nhiều hơn, bà con làng nghề cũng vô cùng phấn khởi.
Một thời “chợ ma” vang bóng
Nghe rợn người nhưng “chợ ma” hay “chợ âm phủ” lại là đẹp văn hóa truyền thống của bà con làng chiếu. Đây là khu chợ chuyên để bán chiếu và được nhóm vào ban đêm. Người bán chiếu bất luận giờ nào, cứ hễ dệt xong vài đôi chiếu lại tranh thủ đem đến “chợ ma” bán ngay. Thời điểm 2 - 3 giờ sáng là đông nhất, tấp nập nhất. Trên bờ, ánh đèn dầu như càng khiến cho những đôi chiếu hoa thêm rực rỡ, dưới bến thì ghe, xuồng đậu san sát, cũng đèn đuốc sáng trưng.
Trên gò đất cao trong khuôn viên chùa An Khánh, việc mua bán chiếu cứ nhộn nhịp. Đặc biệt, ở “chợ ma” người mua thì ngồi tại chỗ còn người bán thì di chuyển. Họ vác chiếu trên vai đến điểm thương lái neo ghe mà chào mời, ngã giá. “Chợ không có bất cứ một mái lều, bàn ghế, sạp hàng gì. Tất cả mọi người đều đứng. Người mua có nghề chỉ cần vuốt qua mặt chiếu là trả giá, mua liền.”, chị Huỳnh Thị Quen (45 tuổi) nhớ lại những ngày còn đội chiếu ra “chợ ma”.
Những gia đình còn giữ nghề như nhà chị Quen giờ không còn nhiều
Lý giải nguyên nhân chợ chiếu chỉ bán ban đêm, bà Trần Thị Hương (63 tuổi) cho biết. Trước đây do ban ngày bà con bận bịu việc đồng áng hoặc miệt mài dệt chiếu nên đến tối mới rảnh rỗi và có chiếu bán. Thương lái ban ngày buôn bán nơi khác, tối về buông sào neo lại để mua.
Tuy nhiên, “chợ ma” giờ đây chỉ còn trong ký ức của mỗi người, trở thành một phần kỷ niệm khó quên. Ngày nay, hệ thống giao thông nông thôn đã được đầu tư xây dựng, thương lái có thể đi xe tải vào sâu tận thôn, xóm để thu mua chiếu một cách nhanh chóng và tiện lợi. Những phiên chợ chiếu đêm vì thế cũng không còn.
“Tiếc lắm chứ vì đó là nét văn hóa, nét đặc biệt của làng chiếu. Mà đâu phải bà con ở đây tiếc thôi đâu, nhiều khách du lịch về đây tham quan, vẫn hỏi thăm chợ ma. Khi nghe nói chợ dẹp rồi, họ thất vọng lắm”, bà Hương tâm sự.
Hơn một thế kỷ trôi qua, người dân Định Yên không chỉ cần mẫn dệt từng đôi chiếu mà còn kiên trì dệt nên tên đất, tên làng. Nghề dệt chiếu đã nuôi sống biết bao gia đình nên với mỗi người nơi đây, dệt chiếu không chỉ vì miếng cơm manh áo mà còn vì trách nhiệm. Và cứ thế, lớp này qua lớp khác, thế hệ này sang thế hệ khác, âm thầm gìn giữ nghề truyền thống của cha ông.
Mỹ Ngọc