(Tổ Quốc) - Câu nói của Thư trong tập 47 "Về nhà đi con" khiến ông Sơn sốc nặng, không thốt nên lời.
Đoạn preview 2, giới thiệu tập 47 Về nhà đi con lên sóng tối nay đã hé lộ nhiều hơn về cuộc trò chuyện của Thư (Bảo Thanh) với ông Sơn, xoay quanh chủ đề "tình mới của bố". Như mọi khi, Thư có thái độ khá cực đoan khi nói về điều này. Cô không thể chấp nhận chuyện bố đến với một người phụ nữ khác dù mẹ mình đã mất rất nhiều năm. Thế nên trước mặt bố, Thư đã nói ra nhiều điều không phải, khiến ông Sơn bị tổn thương nặng nề.
Thấy ông Sơn cầm bó hoa về nhà, Thư chất vấn: "Bố vừa nói chuyện với ai ở ngoài chợ? Con nhìn thấy hết rồi đấy. Bố đừng nói với con là bố mua hoa của bà ta để về thắp hương cho mẹ con nhé!".
Ông Sơn im lặng, Thư càng làm tới: "Bố đã nói gì với bọn con bố quên rồi à? Rằng nếu như phải lựa chọn giữa mong muốn của bản thân và bọn con, thì bố sẽ chọn bọn con cơ mà? Sao bố nhanh quên thế?".
Chứng kiến thái độ căng thẳng của Thư dành cho bố, Huệ xen vào nhắc nhở: "Em nói chuyện với bố kiểu gì thế?" thì Thư hét lên: "Bố vừa nói chuyện với gái ở ngoài chợ ấy!". Nghe từ "gái" thốt lên từ miệng Thư, ông Sơn bàng hoàng, câm nín, vừa tổn thương lại vừa đau khổ. Không nói một câu, ông lập tức bỏ đi và khán giả được chứng kiến sự thất vọng, giận dữ trong đôi mắt ông.
Thấy bố như vậy, Thư vẫn không tha mà hét lên: "Bố!". Đến đây thì Huệ cũng không chấp nhận nổi Thư nữa, cô mắng em: "Em đã vừa lòng chưa? Bố nói chuyện, gặp gỡ ai là chuyện của bố. Em có thể ra ngoài kia, làm quen với người này người khác, rồi em yêu đương em lấy chồng, bố không bao giờ can thiệp!".
Nhưng Thư vẫn không nhận ra sự vô lý của mình, cô tuyên bố với chị gái: "Em khác, bố khác!".
Xem clip này, nhiều khán giả bày tỏ sự phẫn nộ, trách cứ Thư. Đa phần các bình luận đều cho rằng Thư quá ích kỷ, chỉ biết nghĩ cho bản thân mình. Cách nói chuyện của cô với ông Sơn cũng thật hỗn hào, khó nghe.
Cư dân mạng nhận định: "Khôn khéo với cả thiên hạ nhưng mà với chính người nhà ruột thịt là toàn ích kỷ, vay tiền dưỡng già của ông bà còn chưa thấy trả, cả tiền đấu game của tomboyloichoi, tiền cọc nhà của Huệ... Bố một mình nuôi 3 đứa con gái sau đi lấy chồng hết cũng không định để bố tìm ai chăm sóc đỡ đần"; "Sao Thư có thể dùng từ 'gái' để nói về người ta như vậy? Vừa không tôn trọng người phụ nữ kia vừa không tôn trọng bố. Tóm lại Thư trong trường hợp này quá ích kỷ, trước kia phản đối bà Xuyến thì thôi ok vì có thể không thích tính bà ấy, chứ cô này hiền lành chân chất mà Thư lại nói thế. Chẳng biết giữ bố cho mình hay cho người mẹ đã mất nhưng nói với giọng như thế cũng thật hỗn hào. Bố vất vả một mình gà trống nuôi con 20 năm trời mà đến giờ vẫn không chấp nhận bố đến với người khác, tuổi già cô đơn không ai bầu bạn. 3 cô con gái có ở mãi với bố được không?".
Thế nhưng bên cạnh đó, cũng có những bình luận bênh vực cô nàng "Xính Lao": "Không phải Thư ích kỷ muốn giữ bố cho riêng mình, mà là Thư muốn giữ bố cho người mẹ đã mất của mình mà thôi. Việc tự dưng xuất hiện 1 người phụ nữ khác trong gia đình rồi người phụ nữ đó sẽ thay thế mẹ mình là 1 việc rất khó chấp nhận. Bản thân mẹ Thư vì sinh khó mà mất, và cái chết của mẹ có liên quan tới bố, tự dưng ngày xưa mẹ mình khổ cực nay người khác lại về thế chỗ mẹ mình hưởng phước à? Chưa kể nếu bố lấy phải loại người như bà Xuyến, thì gia đình Thư loạn lên, rồi không khéo bố con, chị em bất hòa cũng nên. Nói lấy vợ về để chăm sóc, bầu bạn với bố nhưng ai biết được về rồi có chăm sóc bố không? Hay còn hại cả bố nữa. Khác máu tanh lòng là vậy. Biên kịch xây dựng hình ảnh cô bán hoa giống mẹ Thư, chính là 1 cách để khiến Thư dễ chấp nhận hơn".
"Thấy nhiều người hùa vào chửi Thư trong khi mấy tập trước khen lấy khen để. Đúng là lúc này Thư ích kỷ thật nhưng vẫn thương thư nhé, đúng hơn là đồng cảm. Nếu bố Sơn có lấy cô bán hoa thật, khi về nhà nhìn thấy hình mẹ Thư thì liệu cô ấy có vui vẻ không khi biết ông Sơn chỉ tìm kiếm hình ảnh vợ cũ qua cô ấy mà thôi. Rồi còn thằng con trời đánh của cô ấy nữa, lại một mớ bòng bong cho xem!"...
Về nhà đi con tiếp tục lên sóng VTV1 vào tối thứ Hai đến thứ Sáu hàng tuần.
Thanh Nguyên