(Tổ Quốc) - Nghĩ cả đời chỉ có 1 lần cưới, phải làm cho tươm tất song bản thân lại không có vốn tích lũy, đôi vợ chồng trẻ này chấp nhận vay ngân hàng lo chi phí cưới hỏi. Tiếc rằng mọi thứ không đúng theo dự liệu nên sau cưới gần 2 năm, họ vẫn còng lưng lo trả nợ ngân hàng.
Đó là câu chuyện của vợ chồng chị Thu – anh Hải ở Hoàng Mai, Hà Nội. Chị Thu chia sẻ, chị làm văn phòng lương tháng được 8 triệu, chồng chị làm kế toán lương 11 triệu.
Thời điểm tổ chức đám cưới là tháng 12 năm 2018, khi đó anh chị mới đi làm được hơn 2 năm. Cả hai còn trẻ, lương lậu không cao nên không tích lũy, tiết kiệm được là mấy:
"Nói thật, lúc vợ chồng mình cưới hai đứa dồn tiền lại được đúng 30 triệu, chỉ đủ cho 1 gói chụp ảnh cưới ngoài trời. Bố mẹ hai bên cũng không có điều kiện, họ động viên chúng mình nên gói ghém đơn giản song cả hai vợ chồng mình đều nghĩ, cả đời chỉ có 1 lần cưới hỏi nên quyết vay mượn lo cho đám cưới được đàng hoàng", chị Thu kể.
Theo như chị Thu chia sẻ, chồng chị làm thủ tục vay ngân hàng theo sổ lương được 110 triệu với lãi suất 11%, vay trong 2 năm. Tính ra một tháng anh chị phải trả cả gốc lẫn lãi là 5.6 triệu.
Còn chị cũng ứng trước 5 tháng lương của công ty được 40 triệu. Hai vợ chồng cộng lại được 150 triệu 30 triệu tiết kiệm = 180 triệu để lo đám cưới với các khoản chi tiêu cụ thể như sau:
Phòng cưới: Giường, đệm, tủ quần áo, bàn trang điểm: 20 triệu
Nhẫn cưới: 10 triệu
Gói ảnh cưới thuê váy trang điểm cô dâu 2 ngày ăn hỏi, cưới: 25 triệu
Trang trí nhà phông rạp nhà cô câu chú rể 2 ngày cưới và ăn hỏi: 10 triệu
Cỗ cưới: 280 triệu (trong đó bố mẹ hai bên cho 200 triệu, vợ chồng anh chị thêm vào 80 triệu. Đặt 56 mâm, mỗi mâm 5 triệu/10 người)
Chi phí cho tuần trăng mật 5 ngày 4 đêm ở Singapore: 20 triệu
Tổng số tiền anh chị bỏ ra là: 165 triệu đồng
Vợ chồng chị Thu tính sau cưới sẽ dồn tiền mừng cưới lại để trả tiền cỗ, số còn dư thì để trả bớt ngân hàng. Song mọi chuyện lại không được đúng theo dự liệu. Hôm cưới, khách đến không đầy đủ khiến cỗ bàn bị thừa lại.
Những người không tới gửi phong bì mừng ít hơn, có người không gửi thành ra nguyên tiền cỗ cưới thu được là 240 triệu, so với 280 triệu tiền cỗ đã bỏ ra vợ chồng chị lỗ 40 triệu. Chưa kể các khoản đã bù ra vợ chồng chị đều trông vào tiền mừng để bù lại phần nào gần như đã "tan thành mây khói"
Vậy là kết thúc đám cưới anh chị gánh trên vai khoản nợ 110 triệu ngân hàng/2 năm, chị Thu đi làm 17 tháng nhận 70% do đã ứng trước để lo đám cưới.
Sau cưới, do nhà chồng chật chội, vợ chồng chị lại ra ngoài thuê trọ nên áp lực kinh tế của anh chị càng thêm nặng nề.
"Sau cưới, vợ chồng mình bắt đầu còng lưng lo kiếm tiền trả nợ. Đủ mọi thứ phải lo, trong khi toàn khoản trả nợ ngân hàng, tiền thuê trọ đã mất nguyên khoản lương của 1 người, thành thử kinh tế của vợ chồng mình khá chật vật", chị Thu than thở.
Chi phí 1 tháng của vợ chồng chị Thu như sau:
Tiền nhà điện nước: 4.2 triệu
Tiền ăn: 4 triệu
Xăng xe đi lại: 300k
Trả nợ ngân hàng: 5.6 triệu
Đối nội đối ngoại: 1.5 triệu
Cưới hỏi, sinh nhật bạn bè: 1 triệu
Tổng chi tiêu 1 tháng của gia đình chị Thu là: 16.600 triệu đồng.
Những khoản chi cố định của vợ chồng chị Thu hàng tháng sẽ dao động trong tầm 13 – 14 triệu như trên. Trong khi đó, lương của chị do đã ứng trước 5 tháng, công ty tạo điều kiện cho trả nợ dần, mỗi tháng trừ 30% lương trong vòng 17 tháng mới hết nợ. Như vậy, mỗi tháng chị Thu chỉ được nhận về 5.6 triệu. Tổng thu nhập của vợ chồng chị thực nhận sẽ là 16.6 triệu.
Chị Thu cho biết, với thu nhập không dư giả gì lại gánh trên vai 1 khoản nợ ngân hàng như thế, vợ chồng chị lúc nào cũng phải đề cao tiết kiệm, thắt chặt chi tiêu mới có thể đủ chi tiêu tiêu trong tháng. Thậm chí tuy đã cưới được gần 2 năm nhưng anh chị vẫn chưa dám nghĩ tới chuyện sinh nở. Anh chị dự định khi nào trả xong nợ ngân hàng mới tính tới chuyện sinh con.
"Áp lực chuyện tiền nong khiến vợ chồng mình lúc nào cũng phải cố. Nhiều khi mệt mỏi, vợ chồng lại ngồi than vãn với nhau bảo biết thế ngày trước tổ chức cưới hỏi đơn giản, đúng với thực lực kinh tế của mình, có sao làm thế thì bây giờ đỡ vất vả", chị Thu tâm sự.
Giờ đây khi chỉ còn vài tháng nữa là trả xong món nợ ngân hàng, chị Thu mới bình tâm và có một lời khuyên cho các bạn sắp cưới, đó là: Hãy tổ chức đám cưới trên chi phí mà mình có thể tự chi trả, đừng đi vay mượn để tổ chức đám cưới vượt quá khả năng rồi tính toán các khoản nằm ngoài dự tính để bù lỗ. Hơn tất cả cuộc sống hôn nhân của hai bạn mới là điều quan trọng.
Giang Nguyễn