(Tổ Quốc) - Trong xã hội Ấn Độ, đàn ông luôn đứng đầu và phụ nữ luôn thấp hơn dù họ là ai. Chính vì lẽ đó nên người phụ nữ làm gì cũng sai, kể cả lúc bị hiếp dâm, họ cũng bị đổ lỗi chính là người gây ra vụ việc làm tổn hại đến bản thân.
Câu chuyện này được đăng tải lần đầu tiên vào ngày 7/4/2018. The Quint chia sẻ lại nó sau khi khi nổ ra tranh cãi về việc người phụ nữ phải ăn mặc thế nào để không bị tấn công tình dục. Tranh cãi này đến từ tin tức một người phụ nữ lớn tuổi cáo buộc nhóm cô gái trẻ "xứng đáng bị cưỡng bức" vì mặc váy quá ngắn tại thành phố Gurunam, Ấn Độ.
Vấn nạn hiếp dâm ở Ấn Độ: Khi người phụ nữ làm gì cũng sai, tự bản thân làm mình bị cưỡng bức và đàn ông thì không có lỗi
Tháng 1/2018, 10 vụ cưỡng bức xảy ra chỉ trong vòng 10 ngày ở bang Haryana, Ấn Độ, khiến dư luận thế giới không khỏi sốc. Một lần nữa, mọi người lại đặt câu hỏi: "Tại sao lại xảy ra quá nhiều vụ cưỡng bức như vậy?".
Các phóng viên của The Quint đã tìm đến Haryana để tìm câu trả lời và đáng ngạc nhiên hơn, tất cả mọi người ở đây đều có thể là câu trả lời.
"Điều đầu tiên chúng tôi nhận thấy là mọi người quan niệm cưỡng bức là một hành vi được thực hiện dựa trên sự đồng thuận của 2 bên và người phụ nữ còn bị xã hội đổ lỗi vì 'là nạn nhân của vụ xâm hại tình dục'. Nhưng khoan đã, điều này có nghĩa là họ thậm chí còn không có định nghĩa về nạn nhân. Xã hội nơi đây không gọi một người phụ nữ là nạn nhân bị cưỡng bức nếu như 'cô ấy muốn như vậy'" - phóng viên của The Quint nói.
Những điều trên không chỉ là những sự thật lạ lùng của xã hội ở Haryana mà nó còn được mọi người ở đây chấp nhận như điều hiển nhiên. Chính vì nó phổ biến đến nỗi người ta phải đặt ra khái niệm mới mang tên rape culture khi nói đến vấn nạn này ở Ấn Độ.
Rape culture (danh từ): Xã hội hoặc môi trường phổ biến với việc bình thường hóa tấn công và lạm dụng tình dục.
Xã hội ngày càng bình thường hóa chuyện hiếp dâm? Trong chuyến đi của The Quint đi đến các quận Jind, Rohtak, Bhiwani, Charkhi Dadri và họ đã tìm được rất nhiều câu trả lời.
Điều đầu tiên về vấn nạn cưỡng bức này là "đổ lỗi cho nạn nhân". Từ những người già ở làng quê cho đến người trẻ ở thành thị, hoặc thậm chí là cảnh sát đi tuần ra trên đường, tất cả đều không xa lạ với việc nạn nhân tất nhiên là có lỗi.
"Đối với một người con gái đã được 14-15 thì bạn không thể gọi đó là hiếp dâm được. Nó lúc nào cũng có sự đồng thuận của 2 bên" - 1 cụ già sống ở làng Mankawas, quận Charkhi Dadri.
"Cô gái đó chắc phải làm điều gì sai trái nên mới bị cưỡng bức như vậy" - 1 nam sinh 8 tuổi ở Bhiwani.
"Cả người nam và người nữ đều sai. Vậy thì tại sao chỉ có người nam phải chịu trách nhiệm? Người nữ được ở nhà trong khi người nam phỉa đi tù. Đạo luật gì thế này?"- người mẹ có con trai từng bị cáo buộc hiếp dâm ở quận Charkhi Dadri. Nạn nhân của vụ việc này là một thiếu nữ 17 tuổi. Kể cả sau khi điều trị chấn thương ở bệnh viện, cô lại bị hàng xóm nghi ngờ về nhân cách và đổ lỗi cho cô vì để bị người khác hãm hiếp.
Về phía cảnh sát, họ nói rằng trong việc này, cả kẻ hiếp dâm và nạn nhân đều có lỗi. "Nếu tôi không biết bạn thì làm sao tôi có thể nói chuyện với bạn?. Sẽ không ai làm gì nếu như họ không quen biết bạn. Nếu bạn không đồng ý thì chẳng ai có thể bắt chuyện được với bạn" - một viên cảnh sát nói.
Đối với câu hỏi "Sẽ ra sao nếu như kẻ hiếp dâm bắt cóc nạn nhân" thì người này trả lời: "Một người bình thường thì có thể bắt cóc người khác thế nào chứ?".
Thế nhưng, sự thật là gì? Bang Haryana từng xảy ra vụ án 4 người đàn ông bắt cóc và cưỡng bức tập thể 1 cô gái 23 tuổi ở thành phố Faridabad hay sinh viên đại học từng bị bắt cóc và xâm hại tình dục ngay trong xe ô tô đang chạy trên đường ở Gurunam. Trong vụ này, điều tra ban đầu cho thấy nạn nhân bị bắt cóc từ nhà trong đêm trước khi bị cưỡng hiếp dã man. Sau đó, người ta tìm thấy cô trong tình trạng đã chết trong rừng với một thanh gỗ đâm vào vùng kín.
Vậy thì lời nói của viên cảnh sát kia có xứng đáng với 1 cú tát thật mạnh hay không? Đúng rồi, nhưng phóng viên không thể thực hiện điều mình muốn được bởi vì người dân Haryana thường so sánh hành động vỗ tay với vụ cưỡng hiếp.
"Không thể vỗ tay chỉ bằng một bàn tay. Chỉ khi người con trai và con gái cùng thực hiện thì mới có thể vỗ tay được" - một người đàn ông sống ở đây cho hay.
Phụ nữ Ấn Độ xuống đường biểu tình yêu cầu chính phủ xử phạt những kẻ cưỡng bức.
Danh dự của chúng tôi nằm ở âm đạo của bạn
Đây là quan niệm kế tiếp trong "nền văn hóa" hiếp dâm tại Haryna, danh dự có thể khiến con người làm ra những chuyện phi lý như giết cả gia đình mình.
Ở thành phố Sonepat, Ấn Độ, từng xảy ra vụ giết người vì danh dự. Pradeep, Sushila đã sống 4 năm trong lo sợ vì anh trai của cô nói đe đọa sẽ giết cô. Haryana từng chứng kiến 3 vụ giết người vì danh dự chỉ trong 2 ngày, một cô gái đã bị sát hại và đổ xi măng lên thi thể ở Bahadurgah hay vụ án nam sinh lớp 11 đã bị bạn gái của anh trai đánh cho đến chết cũng xảy ra ở tiểu bang Haryana.
Tìm đến một ngôi nhà ở Haryna, phóng viên The Quint đã trò chuyện với 1 cặp đôi cùng nhau bỏ nhà ra đi để được kết hôn với nhau về vấn đề danh dự.
"Danh dự của gia đình nằm ở người con gái. Nếu con trai làm gì đó không đúng, gia đình chỉ la mắng anh ấy. Thế nhưng, khi đến lượt con gái thì cả nhà coi như sẽ bị hủy hoại hoàn toàn" - người chồng nói.
- "Nhưng việc người con gái yêu ai và lựa chọn ai không phải là quyền tự do của cô ấy hay sao?".
- "Mọi người không nghĩ vậy đâu. Họ cho rằng con trai có thể làm điều mình muốn nhưng khi con gái hành xử tương tự thì đó là sai trái. Ý kiến của anh em lúc nào cũng quan trọng hơn quan điểm của tôi. Chẳng ai chịu nghe ý kiến của tôi cũng như tất cả mọi điều tôi nói. Nếu tôi lên tiếng, gia đình sẽ nhắc tôi rằng ý kiến của những người khác là quan trọng nhất và không ai hơn được" - người vợ trả lời.
Về cơ bản, "danh dự" chỉ là một cái cớ để điều khiển người phụ nữ. Trên danh nghĩa bảo vệ gia đình, người đàn ông có thể làm tất cả mọi thứ, đưa ra quyết định và làm chủ cuộc đời mình.
"Phụ nữ nghĩ họ yếu đuối hơn đàn ông 'Nếu danh dự của mình bị làm cho ô uế trong xã hội thì gia đình mình và gia đình chồng sẽ mắng chửi mình'. Cô gái cố hết sức giữ cho bản thân được an toàn và điều đó tước đi rất nhiều quyền lợi cơ bản nhất của cô ấy" - một người phụ nữ nói.
Không chỉ người lớn mà trẻ em ở Haryana cũng có quan niệm tương tự về sự khác biệt giữa 2 phái. "Con gái không nên ra ngoài trừ khi họ có việc và con trai thì được đi làm, đi học bình thường" - 1 nam sinh lớp 8 nghĩ rằng phụ nữ thì tốt nhất là nên ở nhà.
"Trong xã hội này, đàn ông có vị thế cao nhất và phụ nữ được xếp ở dưới bất kể họ là ai, thậm chí là người có học thức" - 1 người đàn ông nói nhưng anh lại không trả lời được câu hỏi của phóng viên "Vậy khi nào thì có công bằng xã hội?".
Bài học mà họ được dạy
Vào năm 2013, một tổ chức cộng đồng có thể đại diện cho chính quyền đã ra điều luật yêu cầu nữ giới trên 10 tuổi không được mặc quần jeans và dùng điện thoại di động. Lý do họ đưa ra là mặc những "trang phục khiêu khích" như quần jeans có thể gây sự chú ý và từ đó đẫn đến hành vi hiếp dâm.
"Tôi nghĩ giới trẻ bây giờ đang bị ảnh hưởng xấu bởi phim ảnh. Theo tôi, con gái nên kết hôn vào năm 16 tuổi để có thể giải quyết nhu cầu sinh lý với chồng và không cần phải đi đâu bên ngoài. Bằng cách này, các vụ hiếp dâm sẽ không sẽ xảy ra" - 1 thành viên trong hội đồng già làng ở Haryana nói. Đây cũng chính là những gì họ dạy và những đứa trẻ cũng như thế hệ sau sẽ học được.
"Đúng vậy, phụ nữ sẽ bị đổ lỗi trong các vụ hiếp dâm. Những người này được kết bạn và sau đó họ sẽ bị đổ lỗi rằng bản thân đã chọn sai bạn mà chơi" - nữ sinh học lớp 8 ở Bhiwani cho biết.
"Giáo viên của chúng em nói rằng con gái luôn có lỗi trong các vụ hiếp dâm. Lỗi của chúng em là kết bạn với nam giới và sau đó, họ sẽ lợi dụng tình bạn mà làm nên những hành vi cưỡng bức" - một nữ sinh khác chia sẻ.
Đến cả chính phủ Quốc hội, ông Dharamvir Goyat, cũng cho rằng hầu hết các vụ hiếp dâm ở Haryana đều là đồng thuận. 90% phụ nữ tự mình đi ra ngoài để rồi đối mặt với những người đàn ông thì chuyện cưỡng bức xảy ra cũng là điều dễ hiểu.
Đây là hiện thực của một xã hội nơi mà nạn nhân luôn bị đổ lỗi, phụ nữ bị kiểm soát, lời đồng thuận bị phớt lờ, sự lựa chọn bị từ chối, nơi truyền thống phá vỡ luật lệ và chúng ta dạy điều đó cho bọn trẻ thì liệu còn ai thấy bất ngờ khi người ta nói "Hiếp dâm là sự đồng thuận".
Đáng nói hơn, vấn nạn này không chỉ tồn tại ở Haryana mà ở tất cả mọi nơi khắp Ấn Độ. Ở Maharashtra, nạn nhân bị đổ lỗi. Ở Tamil Nadu thì xảy ra các vụ giết người vì danh dự còn ở Uttar Pradesh thì chịu sự cai trị của già làng nơi mà lãnh đạo thường hay đưa ra những câu hỏi và phát biểu không thể hiểu nổi như "Con trai mắc lỗi nhưng sao lại treo cổ họ?", "Hiếp dâm xảy ra bởi vì đàn ông và phụ nữ được tự do tiếp xúc với nhau", "Đường thì dụ kiến, phụ nữ bị cưỡng bức bởi trang phục mà họ mặc trên người"...
Vấn nạn hiếp dâm vẫn sẽ tiếp tục được phổ biến và truyền từ đời này sang đời khác. Và lần sau, nếu bạn có thắc mắc vì sao lại có nhiều vụ cưỡng bức xảy ra như vậy thì hãy nhớ rằng câu hỏi có ở khắp mọi nơi, rành rành trước mắt bạn.
Cuối đoạn clip, phóng viên đã hỏi 1 người phụ nữ Ấn Độ rằng họ sợ gì nhất, câu trả lời khiến người ta phải suy ngẫm rất nhiều: "Tôi sợ hãi cả thế giới này".
(Nguồn: The Quint)
Imacho