(Tổ Quốc) - Không chỉ mệt mỏi vì bế Myla đã nặng tới 12-13kg trên tay mà siêu mẫu Hà Anh còn mệt nhoài với cảnh con lục sục dậy bú đêm, sáng thì dậy sớm.
Là mẫu phụ nữ hiện đại nên khi sinh con, siêu mẫu Hà Anh cũng áp dụng nhiều kiến thức khoa học trong việc chăm sóc và nuôi nấng bé Myla. Ấy thế nhưng, từ khi con chào đời, cảm giác được ôm ấp bồng bế con, cho con bú rồi ngắm con chìm vào giấc ngủ an lành... khiến người đẹp Hà thành không nỡ đánh đổi để luyện ngủ cho con ngay từ những tháng mới lọt lòng.
Đến khi Myla 11 tháng tuổi, siêu mẫu Hà Anh mới quyết tâm luyện ngủ cho con. Chia sẻ về lý do, Hà Anh cho biết: "11 tháng rồi, Myla nặng tới 12, 13 cân, tôi và ngay cả bố bé cũng không thể tiếp tục vác bé trên tay, trên vai để đu qua đu lại quá 10 phút. Vai và lưng tôi lúc nào cũng mỏi nhức, Myla không ngủ được xuyên qua đêm, đêm nào cũng lục sục dậy bú để ngủ nên mẹ cũng mệt nhoài mà bé cũng mệt nhoài. Sáng nào bé cũng dậy lúc 4h30 sáng, cả mẹ và bé lại lôi nhau ra phòng khách ngồi khi trời con tối mịt. Mẹ mệt mỏi vô cùng vì thiếu giấc ngủ. Và thế là một buổi tối nọ mẹ quyết định thả Myla nằm xuống cũi, tắt đèn và bước ra khỏi phòng".
Dưới đây là công cuộc siêu mẫu Hà Anh đã luyện ngủ cho con thành công, dù bắt đầu khá muộn, lại gặp một số trở ngại như không dứt khoát trong quá trình thực hiện:
Luyện con ngủ bằng cách ra tín hiệu đơn giản, rõ ràng, lặp lại
Khi tôi luyện ngủ cho Myla, hai vợ chồng ngồi trong im lặng nghe tiếng khóc của con. Tôi mở sách luyện ngủ cho con ra đọc, đọc để được trấn an trong khi lòng như lửa đốt.
Tôi cũng có thử phương pháp “Khi con khóc, không vào luôn, chờ 5 phút sau, vào xoa con nhè nhẹ vỗ về an ủi, không bế lên rồi lại đi ra. Khoảng 10 phút sau con mà còn khóc lại đi vào lặp lại an ủi vỗ về”. Mục đích của phương pháp này là để cho bé biết mẹ vẫn ở gần bên cho bé yên tâm… Nhưng nói thực mỗi lần tôi vào tôi thấy còn tệ hơn, Myla tưởng được mẹ vào bế lên, thấy mẹ đi ra càng khóc tợn. Lúc này còn xen lẫn sự hờn giận vì đánh lừa bé. Vậy nên tôi quyết là dứt hẳn luôn.
Cách hiệu quả nhất đối với Myla đó là tín hiệu rõ ràng, đơn giản, lặp lại giống nhau: Bé chuẩn bị các bước trước khi ngủ, thay đồ, đọc sách nhẹ nhàng, bé buồn ngủ thả vào cũi, phòng tối, mẹ chào bé và đi ra!
Trải qua 8, 9 ngày mới luyện ngủ thành công
Ban đầu, lúc mới luyện ngủ, tôi cũng lo lắm. Bé khóc 2 tiếng dai dẳng, khản cả giọng, toát cả mồ hôi, có hôm còn ị đùn. Nếu bé ị, hoặc trớ, mẹ có thể nhanh chóng lau, thay tã/quần áo cho bé, không trò chuyện, mở đèn to, rồi lại thả bé vào cũ, lặp lại thông điệp “Ngủ ngon nhé!”.
Sáng ra Myla ngủ dậy, cực kỳ tươi vui nhanh nhẹn, khoẻ khoắn bình thường, tôi mới hết lo là bé tổn thương tinh thần. Từ khi luyện ngủ thành công, cho Myla vào phòng đóng cửa lai, bé xoay người ôm bạn gà bông nằm chờ đến khi chìm vào giấc ngủ. Dù có lúc xoay qua xoay lại đến 15, 20 phút giấc ngủ mới ập tới, bé cũng không đòi, mà nằm rất ngoan thư giãn. Khi bé ngủ dậy cũng rất ngoan, vui vẻ không khóc quấy gì, tự nằm chơi khoảng 20 phút mới gọi mẹ bế ra.
Do không dứt khoát từ đầu nên việc luyện ngủ cho Myla kéo dài tới 8, 9 ngày mới thành công.
Khó nhất khi luyện ngủ là gì?
Là lúc bé dậy giữa đêm khóc đòi mà bạn vẫn phải kiên quyết để cho bé tự chìm vào giấc ngủ lại. Thú thực một đôi lần tôi không chịu nổi phải ra đứng vỗ vỗ bé. Mà vỗ thì bé im mà dừng lại bé lại thức giấc và khóc. Mình lại càng mệt hơn khi đứng cạnh cũi bé vào giữa đêm.
Chính vì vậy, khi bé thức dậy giữa đêm và khóc, bạn phải xác định tư tưởng và kiên quyết, không chạy lại luôn vỗ về bé, để bé tự khóc 5,10 phút, bé sẽ tự quay về giấc ngủ. Chỉ qua 2,3 đêm thế này, bé sẽ có kỹ năng tự ru ngủ vĩnh viễn, cả nhà sẽ khoẻ re!
Cô bé bụ bẫm, xinh xắn, ai nhìn cũng yêu.
Việc bú đêm khi luyện ngủ thế nào?
Ở thời điểm Myla 11 tháng, Myla đã cai bú mẹ nhưng vẫn bú bình ban đêm. Một cữ lúc 12 giờ đêm, một cữ 2 giờ sáng… xong 4h30 sùng sục dậy chơi, chơi chán đến 6h30 sáng lại bú rồi ngủ. Nói chung rất mệt và em rất là to béo.
Lúc này thực sự mẹ muốn cai cho em bú đêm nhưng lại lo em to béo thế này em không ăn sẽ đói không chịu được.
Đang trăn trở thì luyện ngủ. Kỳ diệu thay sau vài ngày luyện ngủ, giấc em ngủ sâu hơn, em bỏ cữ 12 giờ đêm, mẹ vẫn cho em bú cữ 2 giờ sáng, nhưng thấy em không mặn mà (mẹ cho ít ml dần), được vài ngày mẹ cho em dừng hẳn và em ngủ ngon đến sáng.
Tự ngủ được rồi em tự bỏ sữa luôn. Giờ em ngủ từ 7h30-8 giờ tối đến 6h30-7 giờ sáng, mẹ hân hoan lắm. Em ngủ ngon ngoan và vui vẻ, mẹ ngủ ngon cũng khoẻ mạnh, da dẻ đẹp hẳn lên và tươi trẻ trở lại.
Nghĩ thời quần quật bú và ru ngủ đêm hôm với em suốt 11 tháng trời thật sợ! Mẹ cứ chặc lưỡi “Biết vậy luyện sớm hơn!”.
5 - 7 tháng là thời điểm luyện ngủ thích hợp nhất
Qua tổng hợp thông tin từ nhiều nguồn tham khảo trên internet và quan điểm bản thân, siêu mẫu Hà Anh cho rằng 5-7 tháng là thời điểm lý tưởng để luyện ngủ.
"Thời điểm từ 1 - 3, 4 tháng đầu đời là quãng thời gian tập thích nghi với cuộc sống bên ngoài của bé. Vai trò của người mẹ lúc này là ôm ấp con, cho con bú, nhẹ nhàng ve vuốt trò chuyện với con, trao cho con tình yêu, cho con biết rằng con an toàn khi ở bên mẹ. Cùng lúc đó, những tháng đầu bú mẹ thật kỳ diệu, mẹ và con có thể kết nối thật tình cảm, cùng nằm cạnh nhau, mẹ đưa con vào giấc ngủ… Đối với cá nhân tôi, đây là trải nghiệm thực sự tuyệt vời nên tôi sẽ không dễ dàng từ bỏ để luyện cho con ngủ độc lập. Nếu có em bé nữa, tôi sẽ tập cho em ngủ lúc tầm 5-7 tháng, tuỳ thể chất con và cảm xúc của bản thân mẹ", chân dài Hà thành cho biết.
BN