(Tổ Quốc) - Biến cố đầu tiên của cuộc đời lại là thử thách quá sức tưởng tượng với cô bé 14 tuổi và cả gia đình em.
“Mẹ ơi, con đau!”
“Mẹ ơi, con đau!” là tiếng gọi “xé lòng” của cô bé Minh Anh (sinh năm 2008, Sơn La) bị ung thư phần mềm vùng hàm mặt khi lên 11 tuổi. Em nằm trên giường, đôi mắt rưng rưng, tay ôm mặt mếu máo gọi mẹ.
Trước đó, dấu hiệu về căn bệnh ung thư quái ác này của em chỉ là những cơn đau răng thông thường đã được bác sĩ ở phòng khám chẩn đoán.
Điều đó khiến Minh Anh và gia đình tưởng rằng, căn bệnh đau răng là một điều tất lẽ dĩ ngẫu ở hầu hết trẻ em nên chỉ cần vệ sinh sạch sẽ là khỏi. Theo thời gian, những cơn đau răng của em vẫn không thuyên giảm mà còn âm ỉ và kéo dài hơn.
Nhận thấy biểu hiện bất thường, chị Sầm Thị Liên (sinh năm 1981) đưa con đi khám ở bệnh viện huyện Mường La, Sơn La. Lần này, Minh Anh được chẩn đoán bị viêm tai.
Không yên tâm, cuối năm 2019, chị Liên “chạy vạy” đưa con lên bệnh viện tỉnh khám và tiếp tục nhận kết quả khác 2 lần trước: Chẩn đoán con bị viêm hạch. Dẫu đưa con đi khám hết bệnh viện nhỏ đến lớn trong tỉnh, gia đình chị Liên vẫn chưa thể biết được chính xác con bị bệnh gì. Trong lòng người mẹ khi ấy nóng như “lửa đốt”!
Đầu năm 2020, vợ chồng chị Liên quyết định đưa con xuống Hà Nội kiểm tra với hy vọng sớm tìm ra bệnh và phương pháp điều trị để con không phải chịu những cơn đau kéo dài. Nhưng, những hy vọng của người mẹ thấp thỏm lo âu ấy đã nhận lại kết quả từ Bệnh viện K Tân Triều - Minh Anh mắc sarcoma nền sọ (dạng u xương ác tính).
Nhận tin dữ… chị Liên đứng không vững, hai tay vội lau nước mắt nhìn Minh Anh. Nhưng, cô bé hồn nhiên ấy vẫn tỏ ra “bình thường”!
Minh Anh và mẹ trong những ngày đầu chống chọi lại căn bệnh ung thư.
Ngay sau khi nhận kết luận chính thức, chị Liên và chồng trằn trọc hàng đêm với nỗi lo về tiền chữa trị, truyền hóa chất cho con. “Mình có khóc nhiều cũng không giải quyết được gì, phải giữ sức để xoay sở đưa con đi điều trị càng sớm càng tốt”, chị nghẹn ngào.
Từ tháng 3/2020, Minh Anh bắt đầu quá trình điều trị với đợt truyền hóa chất liên tục 4 tháng, xạ trị 2 tháng, sau đó tiếp tục truyền hóa chất thêm 3 tháng. Nhớ lại những đêm ở viện chăm con, chị Liên rưng rưng: "Thi thoảng con lại gọi: Mẹ ơi, con đau! Dần tiếng gọi này trở thành câu nói khiến tôi ám ảnh và chết lặng vì thương con nhưng không thể chịu đau cùng con”.
“Shipper nhí” của mẹ
Thời gian đầu quá trình điều trị, hai mẹ con kiên trì đi xe khách hàng tuần từ Sơn La xuống Hà Nội. Chị Liên cũng vì thế mà phải gián đoạn công việc, không đảm bảo đủ ngày công nên phải tạm thời xin nghỉ. Đi đi về về khoảng 300km, chị Liên sợ sức khỏe Minh Anh bị ảnh hưởng cộng với chi phí tốn kém nên đã quyết định chuyển cả nhà xuống Hà Nội thuê trọ ở.
Tháng 10/2020, gia đình Minh Anh sống tối giản nhất có thể ở căn phòng trọ gần bệnh viện. Bố em tìm việc khắp nơi, mẹ thì phải dành thời gian chăm em nên chưa thể đi làm. “Nhiều năm làm ăn tích cóp, vợ chồng tôi mua được mảnh đất nhỏ ở quê nhưng cũng phải bán hết để chữa trị cho con. Bây giờ, muốn mua đồ dùng gì mới cũng phải nghĩ xem nó có thật sự cần thiết không”, người mẹ tần tảo chia sẻ.
Hàng ngày, Minh Anh đều dậy sớm phụ mẹ đi ship rau tại các căn hộ
Sau gần 1 năm sống ở căn phòng trọ chật hẹp không có đủ tiện nghi, gia đình chị may mắn được người quen ở quê cho ở nhờ nhà dưới Hà Nội. Mỗi tháng, vợ chồng chị Liên phải gồng gánh lo khoảng 15-20 triệu để mua thuốc cho con. Trước đó, chị Liên cũng đã thử để con áp dụng thuốc tiêm truyền để hạn chế chi phí nhưng Minh Anh đều bị “cháy ven”, hoại tử da tay.
Chị Liên tay cầm chặt hộp thuốc và tâm sự: “Mỗi viên thuốc Minh Anh uống đã khoảng 1 triệu đồng. Một mình chồng tôi đi làm vẫn không đủ. Tôi thì thường xuyên phải đưa con vào bệnh viện nên khó kiếm công việc ổn định. Vì thế, tôi đã bắt đầu đi bán rau khoảng vài tháng trước. Tuy mỗi ngày chỉ thu được 100 nghìn đồng nhưng cũng có đồng ra đồng vào…”
Chị Liên nhờ bạn bè, người thân ở Sơn La gửi nông sản sạch xuống Hà Nội để bán cho những gia đình xung quanh và khách hàng đặt qua mạng. Đều đặn 2 rưỡi sáng mỗi ngày, vợ chồng chị chạy ra điểm dừng xe lấy hàng rồi bắt đầu phân loại, đóng gói.
Minh Anh:“Em muốn phụ mẹ những việc nhỏ như nấu cơm, quét nhà, đi ship rau. Em không thấy mệt”
Chị Liên nói vui: “Cả gia đình đều làm shipper, Minh Anh và em Tít (em trai của Minh Anh) sẽ được phân nhiệm vụ đi giao rau cho hàng xóm. Còn những địa chỉ xa hơn thì tôi và chồng phụ trách”.
Nhìn trộm ánh mắt của Minh Anh khi đi giao hàng cho mẹ, em vẫn hồn nhiên và cảm thấy hào hứng khi được mẹ giao việc. Công việc của em khá đơn giản, bố mẹ đóng gói rau và đồ ăn kèm tờ giấy ghi số địa chỉ nhà cụ thể rồi em sẽ làm nhiệm vụ đi ship hàng. “Em muốn phụ mẹ những việc nhỏ như nấu cơm, quét nhà, đi ship rau. Em không thấy mệt”, Minh Anh tươi cười nói.
Em vẫn mơ, giấc mơ làm bác sĩ
“Minh Anh hồn nhiên lắm, không nghĩ gì đến bệnh tật, lúc nào cũng chỉ thích học. Mỗi lần truyền hóa chất đều mệt rũ, nôn và không ăn được gì nhưng hễ nghỉ truyền là con xin đi học”, chị Liên kể.
Biết tin Minh Anh mắc bệnh ung thư, thầy cô và bạn bè ở trường cũ không tin rằng đây là sự thật. Suốt từ năm lớp 1 đến lớp 7, em đều đạt danh hiệu học sinh giỏi và tích cực tham gia các cuộc thi của trường.
Cô bé kiên cường đang ngày ngày chống chọi những cơn đau hành hạ
Chia sẻ với PV, cô giáo Nguyễn Thị Minh Tâm (42 tuổi, giáo viên chủ nhiệm lớp 6,7 của Minh Anh) bày tỏ: “Em ấy là một học trò ngoan, có tinh thần hiếu học. Năm lớp 6, em còn đạt giải Nhất cuộc thi Rung chuông vàng của trường. Biết tin em bị bệnh, tôi cùng các em học sinh khác trong lớp rất thương em và thi thoảng cũng hỏi thăm, động viên để Minh Anh có thêm tinh thần điều trị”.
Hiện tại, em học ở trường THCS Đền Lừ, quận Hoàng Mai, Hà Nội để vừa thuận tiện cho quá trình điều trị mà vẫn duy trì được việc học. Tuy thích học và giao tiếp với bạn bè nhưng Minh Anh vẫn tự ti và đôi lúc “sợ” đến lớp bởi khuôn mặt em bị lệch sau cuộc phẫu thuật lấy u đầu năm 2021.
Ở trường mới, Minh Anh ít bạn, mỗi lần đến trường em đều trong trang phục “kín mít” để che vết mổ ở cổ, đeo khẩu trang để che đi vết mổ trên mặt. Điều này cũng dễ hiểu với một cô bé đang tuổi lớn và nhạy cảm trước những lời nói của bạn bè.
“Kể cả các bạn ở trường cũ cũng ít người biết con có khuôn mặt như vậy vì từ khi phẫu thuật xong, con toàn đeo khẩu trang ra ngoài. Tôi cũng cầu mong cho con ổn định về sức khỏe, để khi có điều kiện sẽ đi tạo hình lại cho con”.
So với bạn bè khác, Minh Anh trưởng thành hơn bởi em đang phải trải qua một thử thách đầu đời quá sức tưởng tượng. Có những sở thích hồn nhiên em buộc phải thay đổi. Trước đây, em thích ăn gà rán, em thích mặc váy nhưng nay, em không được ăn nữa, không mặc váy nữa vì không có tóc…
Có lần, 2 mẹ con chị Liên bật khóc khi Minh Anh nói: “Lúc con muốn ăn thì mẹ không cho, giờ con không ăn được mẹ lại ép”. Câu nói ấy đã khiến chị Liên nhớ mãi bởi trước đây đã có thời điểm, chị hãm ăn cho Minh Anh để duy trì cân nặng. Khi bị bệnh, em không ăn uống được gì, chị phải ép ăn từng tí một.
Nhưng Minh Anh không buồn vì không được ăn gà rán hay mặc váy, em chỉ buồn mỗi khi nhớ lại những khoảnh khắc bố mẹ vất vả thức khuya dậy sớm vì em. Vừa thương bố mẹ, em vừa nói:
“Trước đây, em rất thích làm luật sư. Nhưng sau một thời gian mắc bệnh, em đã bắt đầu có hứng thú hơn với môn Sinh học vì được khám phá, tìm hiểu về các bộ phận trên cơ thể người. Hơn nữa, em ước được làm bác sĩ để được giúp đỡ lại những hoàn cảnh khó khăn như em hiện tại. Và để… bố mẹ sẽ được tự hào về em!”.
Khánh Linh - Thùy Linh