Từng thất bại thảm hại, nữ giám đốc “bật dậy” đưa rau củ Đà Lạt lên Amazon

(Tổ Quốc) - Bỏ qua rào cản về lạ lẫm về công việc làm nông nghiệp và thất bại tay trắng, chị Nguyễn Thị Huyền Trân đã đưa thành công rau của Đà Lạt lên trang thương mại điện tử Amazon khiến nhiều người nể phục.

Chị Nguyễn Thị Huyền Trâm, CEO Dalahouse được biết đến là người "làm mới" nông sản vùng rau xã Lạc Lâm, huyện Đơn Dương Lâm.

Kể về những ngày đầu thành lập công ty, chị Trâm cho biết, từ khi mới 25 tuổi chị bắt đầu mở ra công ty đầu tiên từ năm 2014. Lúc đó chưa có xu hướng về quê làm nông nghiệp hay mở nhà máy như bây giờ.

TẠI SAO VÙNG RAU LỚN NHẤT NHÌ ĐẤT NƯỚC MÀ NÔNG DÂN VẪN LAM LŨ, KHÓ KHĂN?

Nói về lí do khởi nghiệp với nghề nông nghiệp, chị Nguyễn Thị Huyền Trâm cho hay, xuất phát từ việc chị thấy được những khó khăn của gia đình cũng như hàng xóm phải hứng chịu bão lũ triền miên nên rau củ hư hỏng nhiều và buôn bán cũng khó khăn.

"Từ những khó khăn đó tôi đã tự đặt ra câu hỏi tại sao một vùng rau lớn nhất, nhì cả nước được ưu đãi về khí hậu, đất đai, rau củ xanh tốt quanh năm như Đà Lạt mà người nông dân vẫn lam lũ, sản phẩm luôn gặp khó trong khâu tiêu thụ", chị Trâm chia sẻ.

Từng thất bại thảm hại, nữ giám đốc “bật dậy” đưa rau củ Đà Lạt lên Amazon - Ảnh 1.

Từ đó, chị Trâm và người bạn của mình đã chung nhau mở công ty chỉ với ý định là thu mua và bao tiêu nông sản sạch tại quê để bán lại vào các công ty sản xuất mỳ tôm, tương cà… ở Việt Nam, Campuchia và Hàn Quốc.

Công ty được đặt là Dalahouse, trong đó Dala là viết tắt của quê hương Đà Lạt và "house" là ngôi nhà.

"Tôi muốn biến mong ước có một ngôi nhà với khu vườn nhỏ tại Đà Lạt để có thể thỏa thích ăn rau củ quả tươi ngon hàng ngày của mọi người thành hiện thực bằng cách đưa các sản phẩm rau củ quả tươi ngon mang đi sấy lạnh", chị Trâm cho hay.

Ban đầu, vốn thành lập công ty chỉ đủ duy trì công ty trong khoảng 1 - 2 tháng. Cả nhóm của chị Trâm đã rất nỗ lực để có được các đơn hàng từ Hàn Quốc, Nhật Bản.

Tuy nhiên, những đối tác này chỉ mua những loại lớn theo tiêu chuẩn của họ. Những trái nhỏ, hình dáng không bắt mắt không được thu mua . Đây là vấn đề nan giải.

Sau một thời gian suy nghĩ và tìm tòi, chị Trâm nhận ra rằng việc chế biến mới giải quyết được bài toán khó khăn trên.

"Vào giai đoạn đó, thu nhập của tôi và công ty tốt, công việc cũng không quá vất vả. Tiền tôi làm thương mại được bao nhiêu thì tôi lại đầu tư vào sản xuất nên cũng không cần sự hỗ trợ của gia đình", chị Trâm tiết lộ.

Thế nhưng, thời kỳ biến cố trong quá trình khởi nghiệp của chị Trâm đã xảy ra vào hồi cuối năm 2017, khi đó Dalahouse đã hợp tác thất bại.

"Vào thời gian đó, tôi đúng nghĩa là tay trắng, công ty phải nhượng lại cho đối tác, vốn trở về 0", nữ CEO kể lại.

MẤT TẤT CẢ VÀ SỰ TRỞ LẠI CỦA NỮ CEO

Cuối 2017, khi thất bại trong lần hợp tác, vừa mất công ty vừa mất tiền, chị Trâm cho biết chị đã mất phương hướng tới mức còn sợ trầm cảm với nghĩ tiêu cực.

Không chỉ vậy, xưởng sản xuất của chị bị bão làm cho hư hỏng nặng. Chị Trâm gần như mất trắng, cộng với khoản nợ gần 100 triệu. Sau cơn bão thì do định hướng khác nhau nên chị để lại công ty cho các cổ đông khác. 

"Tôi đã quyết tâm gây dựng lại sự nghiệp sau cú thất bại đó. Tôi tự làm giấy tờ mở công ty, tự thiết kế logo, bao bì sản phẩm, làm lại website trong vòng 2 tháng là xong. Tự mình làm 100% vì khi đó không có tiền thuê ngoài", chị Trâm tâm sự.

Chỉ 4 tháng sau thất bại, chị Trâm đã quay lại thị trường với thương hiệu bột rau củ Dalahouse.

Từng thất bại thảm hại, nữ giám đốc “bật dậy” đưa rau củ Đà Lạt lên Amazon - Ảnh 2.

Tại thời điểm đó, công nghệ sấy lạnh chưa phổ biến. Không kiếm được đơn vị tư nhân làm máy. chị đã gọi đến khoa cơ khí của tất cả các trường đại học như ĐH Công nghiệp, Nông lâm, Bách khoa TP HCM và cả Bách khoa Hà Nội để hỏi các thầy.

Vài năm gần đây, xu hướng bột rau củ phát triển, sản phẩm được nhiều người biết tới hơn, nhất là bột cần tây được rất nhiều khách hàng yêu thích do công dụng giảm cân, trị mụn, detox và hỗ trợ bệnh huyết áp, mỡ trong máu.

Chị Huyền Trâm cho biết, việc thay đổi canh tác rất khó, hơn nữa việc thay đổi canh tác của vùng truyền thống làm nông không hề dễ dàng với một cô gái học kinh tế.

Hiện tại ngoài trang trại, Dalahouse cũng đang hợp tác với nhiều nông dân có sẵn nhà kính để giúp vùng rau được cách ly hoàn toàn với các vùng rau trồng bình thường ở xung quanh. 

ĐƯA RAU CỦ SẠCH ĐÀ LẠT RA THẾ GIỚI

"Đến thời điểm hiện tại tôi thấy thật may mắn khi Dalahouse đã có chỗ đứng trong lòng khách hàng và hiện diện tại một số quốc gia khó tính. Đặc biệt, Dalahouse đã xây dựng được chuỗi sản xuất khép kín từ nông trại - nhà máy - đại lý - người tiêu dùng. Đó là tiền đề để Dalahouse có thể phát triển vững mạnh trong thời gian tới", chị Huyền Trâm cho hay.

Thị trường chính vẫn là Việt Nam vì sản lượng hiện tại Dalahouse vẫn chưa đủ để cung cấp cho nhu cầu thị trường.

Trong thời gian tới, khi đã mở rộng thêm được vùng nguyên vật liệu Dalahouse sẽ phát triển thêm tại Úc, Mỹ, Campuchia, Hàn vì đã có những đối tác bên đó đang làm việc. Khi đủ sản lượng Dalahouse sẽ bắt đầu triển khai.

Dalahouse bắt đầu đưa sản phẩm lên Amazon từ tháng 1/2020. Tín hiệu thị trường rất tốt, nhưng đợt này do nhu cầu trong nước tăng nên nguồn hàng đi Amazon đang bị hụt.

Để đưa sản phẩm thực phẩm lên Amazon thì bước đầu tiên doanh nghiệp phải có giấy chứng nhận FDA (do Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ cấp). Sau đó là đăng ký tài khoản trên trang website của Amazon và ship hàng đến kho Amazon tại Mỹ. Họ sẽ tự ship hàng đến tận tay khách hàng giúp công ty.

Ngoài Mỹ thì Amazon đã có tại Canada, Châu Âu, Nhật… mỗi nơi sẽ có một số yêu cầu nhất định. Còn cách vận hành thì tương tự các trang thương mại điện tử ở Việt Nam như Tiki.

Đến thời điểm hiện tại, doanh thu và lợi nhuận của Dalahouse khá ổn nên công ty của chị Trâm chưa huy động vốn bên ngoài. Trước đây nữ CEO cũng đã thử kêu gọi nhưng không thành công do chưa có chung định hướng phát triển.

Hương Nguyễn

Tin mới