(Tổ Quốc) - Hiện tại chỉ còn những lồng nuôi rắn trống rỗng ở ngôi làng này.
Ngôi làng Tử Tư Kiều ở huyện Đức Thanh, thành phố Hồ Châu, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc nổi tiếng với nghề nuôi và nhân giống rắn. Ngôi làng đã được truyền thông Trung Quốc đặt cho cái tên "làng rắn".
Từ khi Trung Quốc bắt đầu cuộc chiến chống COVID-19 vào cuối tháng 1, người dân làng Tử Tư Kiều phải tuân theo lệnh cấm buôn bán động vật hoang dã, vốn là nguồn thu nhập của họ trong nhiều thập kỷ qua.
Làng Tử Tư Kiều đã thuê hàng trăm người để nuôi 3 triệu con rắn mỗi năm. Nhưng hiện tại chỉ còn những lồng nuôi rắn trống rỗng. Ông Yang Heyong, năm nay 71 tuổi và từng nuôi rắn, cho biết: "Bây giờ trong làng không còn ai nuôi rắn nữa. Bởi vì dịch bệnh và bởi vì ông Zhong Nanshan (một cố vấn y tế hàng đầu Trung Quốc) đã nói dịch bệnh liên quan đến dơi và rắn".
Làng Tử Tư Kiều được xem là một trung tâm ngành nuôi rắn ở Trung Quốc trong gần 4 thập kỷ qua. Ngôi làng với những nhà máy nhỏ và bảo tàng "văn hóa rắn" đã trở thành địa điểm thu hút khách du lịch.
Loài bò sát này từ lâu đã trở thành một phần của nền kinh tế không chính thức ở làng, các gia đình nuôi chúng ở sân sau và bán cho các nhà hàng hoặc những người nghiên cứu y học cổ truyền.
Trung Quốc đã ban hành lệnh cấm tạm thời đối với buôn bán và sử dụng động vật hoang dã từ ngày 23/1. Đồng thời tuyên bố sửa đổi luật bảo vệ động vật và phòng chống dịch bệnh để biến lệnh cấm tạm thời thành vĩnh viễn. Tổng cộng đã có 13 tỉnh thực hiện lệnh cấm tiêu thụ động vật hoang dã.
Làng Tử Tư Kiều, ngôi làng cách Thượng Hải 200km, đã bị hủy bỏ giấy phép nuôi rắn trong tháng 1. Tuy nhiên, tác động kinh tế chưa rõ rệt bởi vì hoạt động nuôi ấp rắn thường chỉ bắt đầu vào tháng 4 hoặc tháng 5 hàng năm.
Trong khi nhiều người dân mong đợi lệnh hạn chế sẽ được nới lỏng sau khi dịch bệnh được kiểm soát thì cơ quan chức năng khẳng định đó là lệnh cấm vĩnh viễn. Và nếu giấy phép mới được cấp vào cuối năm nay thì các tiêu chuẩn sẽ nghiêm ngặt hơn.
Ông Lu Jinliang, đại diện cơ quan quản lý làng Tử Tư Kiều, cho biết: "Sau khi dịch bệnh qua đi, họ cũng sẽ không được cấp phép. Họ phải đổi nghề, nuôi những động vật khác". Trước khi dịch bùng phát, việc nuôi và buôn bán rắn đã được xem xét chặt chẽ.
Theo một nghiên cứu, Trung Quốc buôn bán 7.000 - 9.000 tấn rắn mỗi năm và hoạt động này có thể gây lây truyền ký sinh trùng và các bệnh truyền nhiễm khác. Tuy nhiên, một giáo sư nghiên cứu khoa học sức khỏe ở trường Đại học Vũ Hán cho biết ông không tin rắn là nguồn gốc của SARS-CoV-2.
Các tổ chức bảo vệ động vật hoang dã đã ủng hộ lệnh cấm động vật hoang dã ở Trung Quốc, bao gồm cả việc hạn chế nuôi rắn và họ cũng đang cố gắng kêu gọi chính phủ cấm vĩnh viễn. Họ cũng đề nghị không xem loài bò sát nào là nguyên nhân lây truyền dịch bệnh.
Nguồn: South China Morning Post
HY LI