(Tổ Quốc) - Việc tung ra gói cứu trợ nhằm kích thích nền kinh tế đang “oằn mình” chống chọi với dịch bệnh này đã khiến đồng đô la Mỹ lao dốc trầm trọng và có thể khiến thị trường phải chịu cú sốc thêm lần nữa.
Kết thúc một tuần lịch sử khi toàn thế giới ghi nhận số ca nhiễm virus Corona (Covid-19) tăng kỷ lục, trong đó Mỹ dẫn đầu với hơn 140.000 người nhiễm và gần 2.500 người chết (số liệu tính đến ngày 30/3), Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký sắc lệnh tung ra gói cứu trợ trị giá 2,2 nghìn tỷ USD nhằm giải cứu nền kinh tế nước này đang lâm vào khủng hoảng trầm trọng vì đại dịch.
Theo đó, gói cứu trợ này nhằm giúp đỡ các doanh nghiệp và người dân Mỹ đối phó với tình trạng mất đóng cửa, mất việc làm do ảnh hưởng của Covid-19.
Tuy nhiên, việc tung ra gói cứu trợ nhằm kích thích nền kinh tế đang "oằn mình" chống chọi với dịch bệnh này đã khiến đồng đô la Mỹ lao dốc trầm trọng và có thể khiến thị trường phải chịu cú sốc thêm lần nữa. Trong phiên giao dịch tuần trước, đồng USD đã giảm 4% - mức sụt giảm theo tuần lớn nhất kể từ sau cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu hơn 10 năm trước.
Mức sụt giảm của đồng đô la Mỹ tuần trước xuất phát từ việc tăng giá mạnh nhất của đồng tiền này kể từ sau khủng hoảng tài chính, khi các nhà đầu tư tranh giành tích trữ đồng tiền có tính thanh khoản tốt nhất thế giới giữa bối cảnh thị trường nợ và thị trường chứng khoán có nguy cơ sụp đổ.
"Trong ngắn hạn, nhu cầu đồng đô la Mỹ sẽ tăng cao, nhưng xu hướng này sẽ không kéo dài", Caitlin Long, nhà đầu tư phố Wall kiêm đồng sáng lập Ngân hàng tiền số Avanti có trụ sở đặt tại Wyoming chia sẻ trên Twitter. Bà cũng hi vọng rằng số dư bảng cân đối kế toán của Cục dự trữ liên bang Mỹ sẽ đạt tới 10 nghìn tỷ USD trước khi đại dịch Covid-19 kết thúc và dự đoán đồng USD sẽ tiếp tục sụt giảm.
Trước khi tung ra gói cứu trợ kinh tế khổng lồ, FED đã rất nỗ lực trong việc vực dậy thị trường đang lao dốc này bằng những "kinh nghiệm xương máu" từng được áp dụng trong việc đối phó với cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Thậm chí, có những biện pháp mang lại kết quả... rủi ro và gây sốc.
Rủi ro tiềm tàng từ dự luật giải cứu kinh tế của Tổng thống Trump và những nỗ lực của Cục dự trữ liên bang có thể kéo theo một loạt hậu quả tiêu cực với nền kinh tế vốn đang "đuối sức" vì dịch bệnh bao gồm lạm phát vượt ngoài tầm kiểm soát, sự thay thế của đồng đô la Mỹ như một đồng tiền cứu trợ và sự bất ổn của hệ thống tài chính Hoa Kỳ.
Trong vài tuần qua, Fed đã bơm hơn 1 nghìn tỷ USD vào thị trường nhằm nỗ lực giải cứu nền kinh tế. Chủ tịch Jerome Powell hứa hẹn niềm tin vào những biện pháp chưa từng được thực hiện từ trước tới nay; bao gồm việc in thêm tiền và nới lỏng định lượng không giới hạn thông qua chương trình mua trái phiếu không giới hạn.
Bên cạnh đó, Fed cũng cắt giảm lãi suất cơ bản từ 1,5% xuống mức gần như 0% và đảm bảo các ngân hàng thương mại tiếp tục cho vay tới các công ty, thành phố và tiểu bang. Tất cả các biện pháp trên nhằm kỳ vọng tăng số dư bảng cân đối kế toán của Fed lên 4,5 nghìn tỷ USD trong năm nay.
Trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, số dư bảng cân đối kế toán của Fed đã từng đạt mức tăng tới 3,7 nghìn tỷ USD.
"Điều tuyệt vời ở đây là gói cứu trợ thực sự trị giá lên tới 6,2 nghìn tỷ USD – với 2,2 nghìn tỷ USD từ gói cứu trợ Chính phủ và 4 nghìn tỷ USD từ những nỗ lực giải cứu của Fed. Với 6,2 nghìn tỷ USD, chúng ta có thể đối phó với tình trạng bất ổn hiện nay bởi chúng ta vẫn là một nước Mỹ hùng mạnh", Trump phát biểu sau cuộc họp ký sắc lệnh cho gói cứu trợ "khổng lồ" tại Nhà Trắng và nhấn mạnh rằng gói cứu trợ này "lớn gấp đôi" so với bất kỳ gói cứu trợ giải cứu kinh tế nào trước đây.
Đồng thời, dự luật này cũng sẽ hỗ trợ các cá nhân và doanh nghiệp Mỹ bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Theo đó, mỗi người Mỹ có thu nhập dưới 75.000 USD/ năm sẽ nhận được khoản thanh toán trực tiếp là 1.200 USD. Khoản thanh toán này sẽ giảm xuống 500 USD cho mỗi trẻ em.
"Đó là đồng tiền của chúng ta. Tất cả chúng ta là một. Đó cũng là tiền tệ của chúng ta", Trump khẳng định.
Tuy nhiên, các nhà bình luận phố Wall, đa số là các nhà đầu tư bitcoin và tiền số, cho rằng các biện pháp kích thích kinh tế trong lịch sử đều kéo theo lạm phát và thúc đẩy mọi người nên tìm kiếm các đồng tiền số khan hiếm khác.
"Đồng tiền pháp định đang trở nên dồi dào và đồng bitcoin lại khan hiếm hơn", Anthony Pompliano – một nhà đầu tư bitcoin nổi tiếng chia sẻ trên Twitter. Ông ám chỉ kế hoạch cắt giảm một nửa nguồn cung bitcoin vào tháng 5 tới sẽ đặt đồng bitcoin vào thế đối nghịch với chương trình in tiền của Fed.
Trong khi đó, Tổng thống Donald Trump cũng phát biểu rằng ông hi vọng các doanh nghiệp và nền kinh tế Mỹ sẽ hoạt động bình thường trở lại trước ngày ngày 12/04 – ngày Lễ Phục Sinh của nước này. Tuy nhiên, mục tiêu này được cho là bất khả thi ở thời điểm hiện tại khi mà số ca nhiễm Covid-19 tại quốc gia này tiếp tục tăng cao và Mỹ hiện đang trở thành ổ dịch lớn nhất thế giới.
Dẫu vậy, mặc cho sự lạc quan của ông Trump hay sự lo ngại của những người phản đối dự luật cứu trợ kinh tế, khi nền kinh tế nước này mở cửa trở lại, đó chắc chắn sẽ là một viễn cảnh vô cùng khác biệt.
Tham khảo Forbes
Hà My