(Tổ Quốc) - Đợt khuyến mại, giảm giá "sập sàn" lên tới 70-80% cho các mặt hàng quần áo, giày dép, túi xách... khiến cho doanh số bán hàng tăng vọt, cao gấp 2-3 lần thông thường.
Cửa hàng đỏ biển giảm giá cuối mùa
Thời gian này, tại các tuyến phố lớn, nơi tập trung nhiều thương hiệu thời trang hoặc các trung tâm thương mại như Indochina IPH Xuân Thủy, Aeon Mall Hà Đông… không khó để tìm được cửa hàng treo biển giảm giá từ 30 – 80% cho các mặt hàng thời trang, túi xách, da giày từ thương hiệu bình dân đến hàng hiệu như Charles & Keith, The Kooples...
Bên cạnh đó là các hình thức khuyến mại như "mua 1 tặng 1", "mua 2 tặng 1" và "hàng đồng giá" với các mức từ 49.000 – 99.000 đồng/sản phẩm được nhiều hãng đồng loại triển khai.
Nhiều nhân viên bán hàng cho biết, đây là thời điểm "end of season sales" – đợt giảm giá cuối mùa để đưa ra các chương trình giảm giá sâu hút khách và chuẩn bị cho bộ sưu tập Thu Đông 2020. Theo mức ưu đãi, Canifa, Ivy Moda, Elise… đang có mức giá 99.000 đồng cho nhiều sản phẩm hoặc giảm tới 50% giá bán cho nhiều bộ sưu tập dành cho trẻ em và nữ giới.
Thương hiệu Mango khuyến mãi chồng khuyến mãi, không dừng lại ở mức giảm lên tới 70%, thương hiệu này còn ưu ái cho khách mua 3 sản phẩm trong đó có ít nhất 1 sản phẩm hàng nguyên giá sẽ được giảm thêm 10% hoặc 20% nếu từ 5 sản phẩm. Thương hiệu thời trang Thụy Điển H&M cũng đang có chương trình mua 2 tặng 1.
Trước đó, Pedro cũng tung chương trình đồng giá 499.000 đồng và 699.000 đồng cho loạt túi xách và giày dép nữ. Các cửa hàng của Lyn, Charles & Keith... cũng đón nhiều lượt khách vì nhiều mặt hàng được giảm tới 50%.
Các cửa hàng đỏ rực biển giảm giá cuối mùa.
Các chương trình này diễn ra trong thời gian từ 3-4 ngày vào đầu tháng 7 và cuối tháng.
Rất đông khách hàng đi "vợt" hàng giảm giá.
Mặc dù các đợt điều chỉnh giá chỉ diễn ra trong thời gian ngắn của đầu tháng 7 và từ nay đến 31/7, song phần đông các thương hiệu chọn khoảng thời gian mua sắm cuối tuần – thời điểm mà lượng khách mua sắm đông hơn thông thường để giảm giá sâu.
"Đợt giao mùa bao giờ cũng có giá tốt và bán hàng rất chạy. Sau khi chạy chương trình được 3 ngày thì lượng hàng bán ra của chúng tôi đã tăng gấp 2-3 lần so với bình thường. Ngày cuối tuần, nhiều khi cửa hàng sắp đóng cửa vẫn có khách hỏi mua", nhân viên nam tại cửa hàng thời trang ở Aeon Mall Hà Đông cho biết.
"Cớ" mua sắm hợp lý
Vì không phải mặt hàng thiết yếu nhưng rõ ràng việc các hãng tạo ra một cái "cớ" về giá rất hợp lý thì không ít người sẽ cảm thấy đây là cơ hội hiếm có để mua sắm. Thậm chí có thể "vung tay quá trán" hơn một chút so với thông thường, nhưng vẫn chấp nhận vì họ mua được món đồ hàng hiệu cao cấp hoặc hàng hiệu bình dân có mức giá "dễ thở" hơn bình thường.
"Bình thường một chiếc túi hàng hiệu có giá gần 3 triệu, giờ giảm còn 1,2 triệu nên tôi đã chọn mua 1 chiếc. Đúng là so với thông thường thì có đắt hơn khá nhiều, nhưng chất lượng ổn, thiết kế đẹp nên tôi đã đầu tư", Thùy Anh, khách hàng tại trung tâm thương mại trên đường Cầu Giấy, Hà Nội cho hay.
Khá đồng tình với Thùy Anh, một vị khách tại Láng Hạ cho biết, do từng sử dụng sản phẩm của một thương hiệu thời trang Việt và yêu thích nên mỗi khi có đợt giảm giá đều đi "săn sale".
"Cùng một khoản chi phí nhưng có thể mua được 2 món đồ thì tiết kiệm hơn rất nhiều", Thùy Anh chia sẻ.
Mức giảm giá lên tới 80% khiến nhiều khách hàng rút ví mua sắm.
Rõ ràng, việc giảm giá không chỉ đơn thuần giúp các hãng cải thiện doanh số, mà còn giúp tăng trải nghiệm của khách hàng khi sử dụng sản phẩm, giúp các hãng có thêm cơ hội được phục vụ khách hàng lần tiếp theo, nhất là trải nghiệm chất lượng của sản phẩm được phản hồi tốt.
Có lẽ vì vậy mà nhiều thương hiệu đã không còn tình trạng treo biển giảm giá "ảo", "chăm chăm" đẩy hàng tồn, hàng thiếu size hoặc hàng lỗi mà chú trọng hơn vào chất lượng, thiết kế của mẫu được giảm để giữ chân khách.
Mặc dù vậy, các tín đồ mua sắm vẫn cần chuẩn bị tâm lý "vững vàng" trước khi mua giảm giá "ập" đến, bởi không hẳn món đồ nào giảm giá cũng là món đồ cần thiết.
Hoàng Linh