(Tổ Quốc) - "Phi một chân" không sợ khó, sợ khổ bởi ở anh luôn tràn đầy năng lượng và sẵn sàng tâm thế "alo, tôi tới liền" mỗi khi nhận được cuộc điện thoại từ người cần trợ giúp.
"Tôi vẫn là Lương Phi: Lương trong chữ lương thiện, Phi trong chữ phi thường. Tôi tật nguyền đôi chân nhưng không tật nguyền khối óc, không tật nguyền trái tim lương thiện mà cha mẹ đã sinh ra", chàng trai một chân nói.
Sức bật của "người một chân"
Dáng vẻ nhanh nhẹn nhưng thi thoảng đi được một đoạn lại bị ngã uỳnh xuống đất của Lương Phi (sinh năm 1990, Quảng Nam) đã quá quen thuộc với mọi người trong xóm bởi anh chỉ có… 1 chân.
Khi Phi mới 3 tuổi, cả gia đình anh bị một người đàn ông mắc bệnh tâm thần trong xóm lao vào nhà truy sát. Mẹ anh khi đó đang mang thai thì bị chém vào đỉnh đầu, chị gái bị chém vào chân, còn Phi bị chém đứt lìa chân trái.
Ban đầu nghe kể, nhiều người còn tưởng Phi bịa chuyện và không dám tin vào sự thật. Nhưng khi nhìn thấy những vết thương của 3 mẹ con anh, ai cũng hiểu đó là vết tích của một tai họa đầy oan ức và đen đủi.
Tôi vẫn là Lương Phi: Lương trong chữ lương thiện, Phi trong chữ phi thường.
Phi trong mắt mọi người khi ấy vốn là cậu bé hiếu động, thích chơi đá bóng cùng bạn bè và các bộ môn thể thao khác. Nhưng chưa kịp chạy nhảy, chơi đủ các trận đấu bóng từ làng lên xã, anh đã bị bạn bè gắn với cái tên "thằng què, thằng cụt" và không chơi cùng.
Bị chém đứt chân từ lúc 3 tuổi nhưng tận vài năm sau, Phi mới ngấm dần nỗi đau cả về thể xác lẫn tinh thần. Học lớp 6, anh bị mặc cảm khi tham gia trò chơi cùng bạn bè.
"Chứng kiến bạn bè chơi đá bóng, hoạt náo giờ ra chơi... mình thèm cảm giác ấy nhưng khó hòa nhập nên cảm thấy buồn và tủi thân. Có những bạn nghịch ngợm lại trêu và chê bai mình giữa đám đông khiến mình càng tự ti hơn", chàng trai nhớ lại.
Khi Phi mới 3 tuổi, gia đình anh bị một người đàn ông mắc bệnh tâm thần lao vào nhà truy sát
Phải sinh hoạt bằng 1 chân từ nhỏ, nhiều lúc Phi thấy bí bách, bất tiện và có khi làm hỏng việc. Khi đi đường có địa hình hiểm trở hay trơn trượt, ngập lụt, Phi cứ đi được 2 bước lại ngã, nhiều người thấy thương định lại đỡ anh dậy nhưng… anh đã tự bật dậy trước rồi.
Gia đình khốn khó, chàng trai Quảng Nam ấy xin đi làm đủ thứ việc để trang trải cuộc sống. Nhưng nhìn bộ dạng 1 chân như anh, đi xin việc ở đâu cũng bị từ chối. May mắn, Phi thuyết phục được vào làm phụ hồ ở quê một thời gian.
Nhiều người thợ làm cùng anh cũng bị bất ngờ bởi Phi vẫn làm việc nhanh nhẹn, hoàn thành tốt nhiệm vụ bằng 1 chân. "Khi chỉ có 1 chân, tôi định hình được mình cần phải có sức bật gấp đôi người thường", chàng trai trẻ nói.
Mơ làm "điểm tựa" cho người nghèo
Để vơi bớt gánh nặng nuôi con ăn học của ba mẹ, Lương Phi không học đại học, anh chọn ngành Công nghệ thông tin của trường Trung cấp ở Đà Nẵng. Sau khi ra trường một thời gian, Phi được một mạnh thường quân giúp đỡ mua sắm thiết bị để mở phòng thu ở Đà Nẵng.
Công việc này nhẹ nhàng, phù hợp với khả năng của Phi và đem lại nguồn thu nhập đủ để anh phụ giúp ba mẹ.
Tưởng rằng, công việc nhẹ nhàng ấy đã "níu giữ" chàng trai 1 chân trước gánh nặng về kinh tế, người trụ cột gia đình. Nhưng, mọi người trong gia đình đều "sốc" khi giữa năm 2018, anh quyết định nghỉ việc ở Đà Nẵng, về quê làm Youtuber.
Ý tưởng đưa anh đến làm Youtuber xuất phát từ mong muốn được thay đổi bản thân mình. "Vì trước đây, mình rất mặc cảm với mọi người và dường như không thoát ra khỏi được sự ám thị về bản thân. Mình muốn giải phóng bản thân mình và sống đúng nghĩa với 1 cái chân", chàng trai bộc bạch.
Phi bắt đầu lên mạng tìm tòi, học hỏi cách làm Youtube. Ban đầu, anh bạn làm các nội dung về ẩm thực, biểu diễn kỹ năng đặc biệt, nghị lực sống nhưng chưa nhận được sự tương tác cao. Sau khi gặp và chứng kiến nhiều hoàn cảnh khó khăn, bệnh tật và đặc biệt là những người già neo đơn, Phi nghĩ mình cần làm gì đó để giúp đỡ họ, trở thành cầu nối giữa các mạnh thường quân và người nghèo.
Vì vậy, với mỗi hoàn cảnh khó khăn, anh sẽ dành thời gian đến khảo sát sau đó vận động nhà hảo tâm giúp đỡ qua bằng chứng là hình ảnh, video ghi lại trên Youtube. Mỗi người ủng hộ, dù số tiền lớn hay nhỏ, Phi đều ghi chép lại đầy đủ minh bạch và tạo sự tin tưởng cho các mạnh thường quân.
Phi chưa bao giờ ngại khó, ngại khổ chỉ cần ai alo anh sẽ lên đường
Hiện tại, kênh Youtube của "Phi Một Chân" có hơn 1000 video chia sẻ về quá trình trao quà, những hoàn cảnh khó khăn được anh giúp đỡ. Theo thông tin từ Phi, đa số các video đều không cần lên ý tưởng hay dàn dựng trước.
"Đa số khán giả gọi điện cho mình để giới thiệu thông tin về các trường hợp khó khăn. Sau đó, mình đến tận nơi tìm hiểu, nếu đúng họ có hoàn cảnh ngặt nghèo thật, mình sẽ ghi lại video để kêu gọi sự giúp đỡ. Nhiều người đã biết đến việc làm của mình từ sớm nên cứ tự động gửi tiền về, hết thì lại gửi thêm để nhờ mình chuyển đến người nghèo", Phi kể.
Từ năm 2018 đến nay, Lương Phi đã trực tiếp giúp đỡ, tặng quà hơn 1000 hoàn cảnh khó khăn và đặc biệt khó khăn trong tỉnh Quảng Nam, Gia Lai, Đắk Lắk, Nha Trang - Khánh Hòa, Bình Định - Quy Nhơn, Quảng Ngãi, Đà Nẵng, Huế, Quảng Bình… Mỗi lượt hỗ trợ, anh đại diện trao vài chục triệu đồng đến hàng trăm triệu đồng đối với bệnh nhân mắc các bệnh nan y, hiểm nghèo; cấp phát quà và hỗ trợ nhu yếu phẩm cho những gia đình khó khăn.
Phi phải di chuyển nhiều, có ngày phải đi xa vài trăm km mới đến được nhà cần giúp đỡ. "Mình biết việc làm này sẽ khiến mình bị ảnh hưởng đến sức khỏe, sức lực dồn vào một chân nên sau này chắc chắn bị đau hoặc mắc di chứng. Nhưng mình không sợ bởi ước mơ của mình là làm "điểm tựa" cho người nghèo", chàng trai Quảng Nam nói.
Hiện tại, Phi có vợ và 2 con. Ngoài thu nhập cơ bản từ làm Youtube, anh đi bán mật ong rừng để kiếm thêm tiền lo cho gia đình. Trông anh không sợ khó, sợ khổ bởi ở "Phi một chân" luôn tràn đầy năng lượng và sẵn sàng tâm thế "alo, tôi tới liền" mỗi khi nhận được cuộc điện thoại từ người cần trợ giúp.
Hơn 1000 hoàn cảnh khó khăn đã được Lương Phi nhiệt tình giúp đỡ
Nhật Vũ - Mai Linh