Từng bị cấm thi ngành "lông bông", cô nàng bỏ việc ổn định, học vẽ tranh qua kính hiển vi

(Tổ Quốc) - Chị Dương (37 tuổi, Hà Nội) đã từ bỏ công việc ổn định để học vẽ tiểu họa trên đồng hồ với đường kính 30mm trên kính hiển vi.

"Nối lại" đam mê vẽ sau 10 năm

Từ nhỏ, chị Vũ Thùy Dương đã được chứng kiến những tác phẩm nghệ thuật của bố nên cảm thấy khá thích thú và tò mò, thi thoảng lại mang giấy ra tự học vẽ theo. Năm 2002, chị Dương có nguyện vọng thi vào trường ĐH Mỹ thuật nhưng không được bố mẹ ủng hộ nên chuyển sang theo học ngành báo chí.

"Ngày ấy, bố mẹ mình không thích con gái đi theo con đường nghệ thuật vì sợ bị vất vả, bấp bênh. Ông bà đã khuyên và định hướng cho mình học ngành liên quan đến nhà nước để sau có công việc ổn định", nữ họa sĩ 8x nhớ lại.

Chị Dương tưởng rằng, vẽ chỉ là một sở thích và thú vui một thời tuổi trẻ từng mong ước theo đuổi. Đến khi đi học và đi làm, chị cũng không hay vẽ và tìm hiểu sâu về nghệ thuật. Nhưng 10 năm sau kể từ ngày lỡ duyên với ngành học mỹ thuật, chị đã quyết định bắt đầu lại để nghiêm túc theo đuổi con đường nghệ thuật.

Không chịu thua kém, người phụ nữ bỏ việc để vẽ tranh qua kính hiển vi khiến chồng nể phục - Ảnh 1.

Chị Vũ Thùy Dương

"Trước đây, chồng mình sản xuất dụng cụ khắc kim loại và từ đó anh bén duyên luôn với chạm khắc mặt đồng hồ. Khi nhìn thấy những chiếc đồng hồ được chạm khắc tỉ mỉ, tinh tế từ bàn tay của chồng, mình rất thích. Vốn yêu nghệ thuật và thích vẽ từ nhỏ lại được truyền cảm hứng từ chồng và năng khiếu vẽ từ bố, mình cũng muốn cá nhân hóa những chiếc đồng hồ bằng các tác phẩm vẽ tay. Vì vậy, mình đã tự học và luyện tập vẽ thử các bức tranh yêu thích trên mặt đồng hồ bằng kính hiển vi", chị Dương chia sẻ.

Để có được những bức vẽ đẹp, tinh tế đến từng chi tiết, chị Dương phải nhìn qua kính hiển vi với sự tập trung cao độ để không bỏ qua từng chi tiết dù là nhỏ nhất.

Ban đầu, chị gặp rất nhiều khó khăn và nản chí, bởi làm việc dưới kính hiển vi chưa quen, phải thử nghiệm hiệu ứng của các loại hóa chất mới trên chất liệu đặc biệt này để cho ra kết quả tốt nhất.

Ngoài ra, vẽ tiểu họa cần những dụng cụ vẽ rất nhỏ, mua họa cụ sẵn có khi chưa đáp ứng được yêu cầu vẽ chi tiết nên chị phải chế tạo lại. Mỗi chiếc bút lông được tỉa chỉ còn 2 - 3 sợi siêu mảnh để đầu bút đi được những nét tinh tế nhất. Bên cạnh đó, những chi tiết phải vẽ bằng đầu bút kim loại đường kính chỉ 0,08mm.

Tác phẩm đầu tiên, chị Dương mất khá nhiều thời gian để sửa lại đường nét, các chi tiết của tranh hay loay hoay phối màu sắc. "Không chỉ vậy, mới bắt đầu vẽ qua kính hiển vi, mình hay bị mỏi mắt, mỏi người vì chưa điều tiết được tư thế ngồi. Hơn nữa, vẽ trên kim loại không có độ thấm nên hay bị loang màu.", nữ họa sĩ 8x nói.

"Thổi hồn" hội họa trên đường kính 30mm

Nữ họa sĩ hứng thú với các tác phẩm kinh điển nên có định hướng triển khai mẫu đồng hồ dựa trên các bức tranh nổi tiếng thế giới và cảm hứng mỹ thuật dân gian. Chị Dương cho rằng, mỗi tác phẩm hoàn thiện đều phải truyền được thông điệp yêu nghệ thuật, yêu cái đẹp và trân trọng những giá trị văn hóa truyền thống.

Không chịu thua kém, người phụ nữ bỏ việc để vẽ tranh qua kính hiển vi khiến chồng nể phục - Ảnh 4.

Chị Dương đã lấy cảm hứng từ tranh Ngũ Hổ để vẽ bộ sưu tập 5 chiếc đồng hồ "Ngũ Hổ Thần Tướng" chào đón Tết Nhâm Dần. Đây cũng là một trong những tác phẩm tâm đắc nhất của chị với mong muốn khoác lên mình tranh dân gian một diện mạo mới mà vẫn tôn trọng những giá trị truyền thống cốt lõi.

Thông thường, để cho ra được một tác phẩm hoàn chỉnh, chị Dương mất khoảng 15 đến 20 ngày để thực hiện các công đoạn bao gồm từ: Phác thảo trên giấy, transfer hình lên mặt số, vẽ màu, dát vàng, khảm đa vật liệu, phủ bảo vệ, lắp lên máy, hoàn thiện dây da.

Ngoài ra, muốn thực hiện được những bức tranh nhỏ, siêu chi tiết trên mặt đồng hồ có đường kính trên dưới 30mm, chị Dường ngoài khả năng vẽ cần có sự tập trung cao độ, cẩn thận, tỉ mỉ để không bỏ qua từng chi tiết dù là nhỏ nhất. Có hôm, nữ họa sĩ phải tranh thủ vào buổi trưa hoặc ban đêm để có thời gian yên tĩnh, tập trung sáng tác nghệ thuật.

Không lâu sau khi theo đuổi "thú vui lạ" này, nữ họa sĩ bất ngờ nhận được sự quan tâm của nhiều người và có những khách hàng đầu tiên. Dần dần, chị vừa nhận vẽ theo yêu cầu của khách, vừa tự sáng tác theo ý tưởng của bản thân. Hiện tại, chị đang thực hiện một tác phẩm khá công phu cho một vị khách đặc biệt mà chị chưa thể bật mí.

Trong tương lai, nữ họa sĩ cũng có ý tưởng phát triển họa tiết cung đình Huế và tái hiện lại trên đường kính nhỏ để vừa góp phần bảo tồn di sản văn hóa dân tộc vừa muốn lan tỏa nét đẹp văn hóa tới bạn bè quốc tế.

Nhận thấy vợ có hứng thú và đang trên đà phát triển bộ môn nghệ thuật mới mẻ này, anh Ngọc Ánh (chồng chị Dương) bày tỏ: "Mình rất ủng hộ vợ chuyển sang công việc mới này. Tuy không ổn định nhưng giờ giấc tự do, có thể linh hoạt giữa việc gia đình và vẽ tiểu họa. Hơn nữa, mình cũng đã có nền tảng và hiểu biết về lĩnh vực này nên có thể tư vấn và hỗ trợ cho công việc của vợ nhiều hơn".

Mai Linh - Nhật Sinh

Tin mới