(Tổ Quốc) - Thấy mệt mỏi bệnh nhân đã ra hiệu thuốc mua một chai dịch và nhờ người truyền hộ. Sau khi cắm kim truyền được khoảng 10 phút bắt đầu rét run, buồn nôn…
Theo thông tin từ Bệnh viện Đa khoa khu vực Bắc Quang, Hà Giang, mới đây, bệnh viện đã cấp cứu một trường hợp có biểu hiện sốc phản vệ do truyền dịch cho bệnh nhân L.T.H, 31 tuổi, trú tại xã Việt Vinh, huyện Bắc Quang, Hà Giang.
Trước đó, do thấy mệt mỏi, bệnh nhân đã ra hiệu thuốc mua một chai dịch và nhờ người truyền hộ. Sau khi cắm kim truyền được khoảng 10 phút, bệnh nhân thấy trong người khó chịu, mệt mỏi, buồn nôn, rét run. Gia đình vội vàng rút kim truyền và ngay lập tức đưa bệnh nhân đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Bắc Quang, Hà Giang.
Bệnh nhân vào viện trong tình trạng rét run, hoa mắt, nhịp tim nhanh, hoảng loạn, rối loạn ý thức.
Ngay lập tức các bác sĩ tiến hành cấp cứu bệnh nhân theo phác đồ chống sốc phản vệ do truyền dịch. Sau xử trí, sức khỏe bệnh nhân ổn định.
Các bác sĩ Bệnh viện ĐKKV Bắc Quang khuyến cáo: Khi truyền dịch nhất thiết phải có chỉ định của bác sĩ, tuyệt đối không tự ý truyền dịch tại nhà do không có người theo dõi đầy đủ, không có thuốc cũng như phương tiện cấp cứu chống sốc.
Đặc biệt, trong mùa hè người dân thường mất nước cơ thể nên hay tự ý truyền dịch bù nước tại nhà. Việc tiêm, truyền tại nhà rất nguy hiểm, tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ: Tai biến nặng có thể tử vong do sốc phản vệ, nhiễm trùng máu quá tải dịch gây phù phổi, suy hô hấp, suy tim. Vì vậy khi tiêm truyền phải được tiến hành tại các cơ sở y tế có đủ phương tiện cấp cứu đề phòng sốc phản vệ.
Dịch truyền cũng được coi là một loại thuốc, vì vậy liều dùng phải do bác sĩ chỉ định và cần theo dõi liên tục đề phòng các tai biến xảy ra. Truyền dịch cũng có quy định chặt chẽ. Nó phụ thuộc rất nhiều yếu tố như thể bệnh, dịch được truyền, liều lượng, tốc độ… Một số trường hợp chống chỉ định như: Suy thận cấp, suy thận mãn, suy gan, viêm gan nặng, chấn thương sọ cấp...
Kỹ thuật truyền dịch khá đơn giản nhưng nếu thực hiện không đúng thì dễ xảy ra những tai biến sốc phản vệ do tốc độ truyền quá nhanh, cơ địa bệnh nhân dị ứng với thành phần trong dịch truyền. Khi truyền dịch, với bất cứ dịch truyền nào đều có thể có các tai biến rất trầm trọng xảy ra.
MT