(Tổ Quốc) - Cựu người mẫu Thanh Thảo đã lên tiếng trước vụ việc nên cho con dùng điện thoại như thế nào.
Ngày hôm qua, mạng xã hội xôn xao trước bài đăng của chị Hồng Nhung - vợ nghệ sĩ Xuân Bắc. Cụ thể chị Nhung đã lên tiếng cảnh báo các bậc phụ huynh nên kiểm soát việc sử dụng mạng xã hội của con mình. Trên trang Facebook cá nhân chị viết: "Các bác kiểm tra tài khoản Facebook của các con các bác đi. Ối thứ bất ngờ. Em cho out hết, 2 con điện thoại cũng cho nát. Rất nhiều thành phần xấu lôi kéo con vào nhóm xấu".
Đi kèm với bài đăng, chị Hồng Nhung cũng chia sẻ thêm ảnh chụp màn hình các nhóm chat vào phần bình luận. Hành động của vợ "Nam Tào" sau đó nhận phải rất nhiều ý kiến trái chiều.
Mới đây, bà xã Hoàng Bách đã lên tiếng chia sẻ quan điểm của bản thân xung quanh sự việc này.
"Bố mẹ nên ở đâu khi con trẻ dùng điện thoại?
Mấy hôm nay tranh cãi khá nhiều về câu chuyện cho con dùng điện thoại thế nào là đúng, là an toàn. Con có thể kết nối với bạn bè, gia đình, mà không bị nội dung chưa phù hợp ảnh hưởng xấu đến tâm lý và gây tò mò lớn với con.
Mẹ Thảo thấy câu chuyện chọn lọc thông tin là câu chuyện muôn đời của các thế hệ, mỗi thế hệ sẽ có cách tiếp cận thông tin khác nhau cho bọn nhỏ mà thế hệ nào cũng có những nỗi lo nhất định.
Nhà Thảo cũng không ngoại lệ với tình huống của các con, khi các con sinh ra ở thời điểm bùng nổ công nghệ thông tin và thiết bị điện tử.
Vậy nhà Thảo sẽ làm sao?
1. Đặt ra NỘI QUY sử dụng điện thoại, ipad với con
Bố mẹ thoả thuận với các con là 13 tuổi mới sử dụng thiết bị cá nhân riêng của mình, như điện thoại và iPad. Nhưng bố mẹ vẫn có quyền truy cập xem nội dung thông tin mà con xem bất cứ thời điểm nào (con phải dùng chung 1 iCloud với người lớn). Cho đến khi con 15.
2. Lưu ý cho con những "vấn đề" sẽ gặp phải và cần làm gì
Việc con sử dụng điện thoại hay cụ thể là các mạng xã hội sẽ rất khó kiểm soát về nội dung tốt xấu thay vì cấm con không được làm cái này, không được làm cái kia. Thảo thẳng thắn gạch luôn đầu dòng những nội dung con có thể gặp trong quá trình sử dụng. Nếu trường hợp gặp phải Abcd con cần làm gì, và báo ngay cho bố mẹ biết.
3. QUAN TÂM, THEO DÕI những thay đổi tâm lý của con theo từng giai đoạn
Đối với bé trai như Tê Giác, bố Bách sẽ là người trao đổi hướng dẫn trực tiếp về quá trình phát triển tâm sinh lý, hỏi và tư vấn cho con từng giai đoạn như thế nào và thông tin cần xem ở đâu cho con tìm đúng.
Cập nhật luôn cho con bên ngoài xã hội đang có những tệ nạn gì? bao nhiêu tuổi con được quyền quyết và những cái nào không nên tiếp xúc.
Đối với Meo Meo, Mẹ Thảo sẽ là người trực tiếp hướng dẫn (những điều tương tự Tê Giác), Meo Meo sẽ được mẹ cảnh báo những vấn đề có thể gặp phải trong quá trình online.
4. GIỚI HẠN phạm vi sử dụng mạng xã hội của con
Ngoài ra, ở độ tuổi như Meo Meo, tất cả mạng xã hội con tham gia có rất nhiều nội dung, mà đôi khi chính bố mẹ cũng không thể nắm hết được. Nên mọi tài khoản của con đều được cài đặt ở chế độ bạn bè, người quen của con và bố mẹ, chứ tuyệt đối không để tự do.
Một người bạn của Thảo đã từng rơi vào tình huống phát hiện con xem những nội dung chưa phù hợp với lứa tuổi. Cô ấy xin lời khuyên từ Thảo và Thảo đã đưa ra phương án thế này:
⁃ Trước tiên, hai vợ chồng CẦN KIỂM TRA lại cách quản lý thiết bị của mình không hợp lý ở điểm nào, rồi điều chỉnh để phù hợp với con.
⁃ Rồi tự CÂU HỎI ngược lại bản thân: Khi bằng tuổi con, mình đã mong muốn tìm hiểu gì và quá trình phát triển lúc ấy thế nào.
⁃ Sau đó, bố mẹ mới bắt đầu NÓI CHUYỆN NGHIÊM TÚC với con về nội dung con truy cập, giải thích rõ nếu xem nội dung này con sẽ gặp những vấn đề về thể chất và tinh thần ra sao trong lứa tuổi của con. Những nội dung như thế này con sẽ được tự do tìm hiểu hoặc mẹ sẽ hướng dẫn cho con khi con đến lứa tuổi phù hợp.
⁃ Tiếp đến, TÌM HIỂU nguồn gốc con biết đến nội dung đó, và điều chỉnh bằng cách chặn nội dung này.
⁃ Sự NGHIÊM TÚC trong cách nói chuyện của bố mẹ sẽ thể hiện mức độ quan trọng của sự việc con vừa gặp phải. Sau đó, bố mẹ cần tìm cách thoả thuận với con về việc rời thiết bị một thời gian để cài đặt lại chế độ chọn lọc nội dung. Song song, tập cho con thói quen không phụ thuộc vào thiết bị và giúp xoá đi cảm giác trong con đã phạm tội gì đó ghê gớm, không thể chấp nhận được ở bản thân.
⁃ Tuyệt đối không nhắc lại câu chuyện với con, mà chỉ hỏi thăm trong quá trình sử dụng con có gặp lại những nội dung xấu nữa không. Thường xuyên quan tâm trao đổi với con nhiều hơn nữa các nội dung con đang xem, đang chơi!
Thảo hiểu rằng ở vai trò người bố - người mẹ, chúng ta cũng đã có rất nhiều lúc phân vân rằng cho con sử dụng điện thoại khi nào, cần làm gì để hiểu tâm lý của con.
Thảo không bàn về cách làm đúng sai của mỗi câu chuyện, Thảo nghĩ rằng bố mẹ nào cũng phải đối mặt với việc này và ai cũng sẽ tìm cho mình một hướng giải quyết phù hợp".
San San