(Tổ Quốc) - Vài ngày qua, người dân vẫn chưa hết bàng hoàng về vụ thanh niên có sở thích quái đản: Dùng súng hơi bắn người đi đường.
Trò quái đản của 2 kẻ có sở thích săn bắn
Mới đây, 2 đối tượng Vũ Tuấn Dũng (sinh năm 1982, trú tại 17T10, phố Nguyễn Thị Định, phường Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội) và Đặng Trần Đức (sinh năm 1974, trú tại Chùa Láng, quận Đống Đa, Hà Nội) đã bị Phòng Cảnh sát hình sự phối hợp với Công an quận Cầu Giấy bắt giữ vì hành vi cố ý gây thương tích.
>>Tìm hiểu thêm về vụ việc tại đây
Cơ quan Công an xác định Dũng đã dùng súng hơi, bắn từ phòng chung ở tầng 14 xuống người đi đường. Mỗi lần bắn 2 - 3 viên đạn, tới khi bị bắt lên đến 80 viên. Còn đối tượng Đức khai nhận đã cùng Dũng mua đạn, nòng súng trên mạng xã hội, bản thân gã cũng từng chế đạn để bán.
Đã có 3 nạn nhân bị đối tượng bắn trúng, 1 người bị thương tích tới 14% và phải phẫu thuật lấy đạn ra ngoài.
Bên cạnh hành vi cố ý gây thương tích đầy quái đản, chắc hẳn không ít chị em sẽ thắc mắc súng hơi cụ thể là vũ khí gì, nguy hiểm ra sao.
Súng hơi là vũ khí gì?
Về cơ bản, súng hơi là 1 loại súng săn, sử dụng đạn chì, được tạo ra với mục đích chính là săn bắn động vật hoang dã. Trong quá trình phát triển, súng hơi sử dụng bình khí nén
Đúng với cái tên súng hơi: Không khí nén trong xi-lanh khi được giải phóng sẽ đẩy viên đạn chì hình mũ nấm hoặc đạn tròn (bằng nhựa hoặc kim loại, hay còn gọi là BB) ra khỏi nòng với tốc độ kinh hoàng.
Sự nguy hiểm của súng hơi
Để so sánh thì sát thương của súng hơi chắc chắn không bằng súng bắn đạn thật.
Tuy nhiên, loại vũ khí này vẫn có thể hạ gục những con thú như thỏ, chim, chuột... từ khoảng khá xa với 1 viên đạn. Điển hình như thương tích của 3 nạn nhân nói trên, đối tượng Dũng giương súng bắn người đi đường từ tầng 14 nhưng vẫn gây thương tích tới 14%.
Nếu bắn ở cự li gần, đạn súng hơi có thể gây ra thương tật nghiêm trọng, thậm chí đe dọa tính mạng con người.
Vào hồi tháng 10/2019, Bệnh viên Đa khoa Đồng Nai đã cứu anh P.V (33 tuổi) khỏi cơn nguy kịch vì đạn chì từ súng hơi bắn xuyên ngực, thủng 1 bên phổi, chỉ còn 1cm nữa là vào tim.
Khoảng 5h sáng cùng ngày, y bác sĩ của bệnh viện tiếp nhận anh V, cũng là nạn nhân của súng hơi. Anh này bị bắn 2 phát, 1 ở thành ngực trái dẫn tới đau ngực, khó thở, vết còn lại ở mông, đầu đạn đã xuyên lên tận đùi.
Trước đó 3 tháng, Công an tỉnh Đồng Nai vào cuộc điều tra 1 vụ súng hơi cướp cò dẫn tới tử vong. Nạn nhân là ông L.V.T, 51 tuổi, ngụ ở xã Tân An.
Vào hồi 10h30 ngày 26/7, vợ ông L.V.T phát hiện chồng nằm bên cạnh nhà với vết thương nặng, dù đã được đưa đi cấp cứu nhưng 1 giờ sau nạn nhân đã tử vong vì thủng phổi, mất máu quá nhiều.
Công an xác định ông L.V.T đã cùng N.T.Đ (27 tuổi, ngụ cùng xã) mang súng hơi đi bắn gà. Tuy nhiên, khẩu súng trong tay N.T.Đ bất ngờ cướp cò khiến đạn bắn trúng ông L.V.T.
Là vũ khí nguy hiểm, súng hơi và các loại súng tự chế gây sát thương cao vẫn được rao bán nhan nhản trên Facebook, Youtube
Chỉ cần lên Facebook, Youtube hay Google tìm kiếm cụm từ khóa "mua súng hơi"; "mua súng tự chế" sẽ có ngay hàng triệu kết quả được trả về.
Hầu hết những món vũ khí sát thương trôi nổi này được tung ra thị trường bởi những con buôn nặc danh do lo sợ rắc rối với pháp luật, kinh doanh bằng hình thức chuyển khoản - gửi hàng hoặc COD (nhà vận chuyển thu hộ tiền).
Do nhập nhèm về nguồn gốc xuất xứ nên giá cả của súng hơi trên mạng cũng rất khó nắm bắt: Vài triệu cho tới vài chục triệu đồng cũng có.
Sở hữu trái phép và cố ý gây thương tích bị bằng súng hơi, súng tự chế bị xử phạt ra sao?
Để có giải đáp chính xác cho những câu hỏi này, cùng lắng nghe ý kiến của luật sư Trần Minh Hùng đến từ Đoàn Luật sư TP. HCM.
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 3 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2017 thì súng hơi là một loại vũ khí, cụ thể:
“Vũ khí là thiết bị, phương tiện hoặc tổ hợp những phương tiện được chế tạo, sản xuất có khả năng gây sát thương, nguy hại cho tính mạng, sức khỏe của con người, phá hủy kết cấu vật chất, bao gồm: vũ khí quân dụng, súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao và vũ khí khác có tính năng, tác dụng tương tự”.
Đồng thời, theo Khoản 3 Điều 3 Luật này thì: “Súng săn là súng được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, được sử dụng để săn bắn, bao gồm: súng kíp, súng hơi và đạn sử dụng cho các loại súng này”. Như vậy, súng hơi là một loại vũ khí được điều chỉnh bởi Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2017.
Việc sở hữu súng hơi ở Việt Nam có vi phạm pháp luật hay không, có giống sở hữu súng bắn đạn thật? Khung xử phạt và mức phạt ra sao?
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 5 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2017 thì cấm Cá nhân sở hữu vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, trừ vũ khí thô sơ là hiện vật để trưng bày, triển lãm, đồ gia bảo.
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 7 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2017 thì người được giao sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ phải bảo đảm đủ điều kiện sau đây:
- Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ
- Có phẩm chất đạo đức tốt, đủ sức khỏe phù hợp với công việc được giao
- Không đang trong thời gian bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính, bị truy cứu trách nhiệm hình sự; đã được xóa án tích trong trường hợp bị kết tội theo bản án, quyết định của Tòa án
- Đã qua đào tạo, huấn luyện và được cấp giấy chứng nhận về sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ
Căn cứ quy định pháp luật nêu trên thì cá nhân không được sở hữu vũ khí bao gồm cả súng hơi hay súng bắn đạn thật trừ những vũ khí thô sơ là hiện vật để trưng bày, triển lãm, đồ gia bảo. Đối với trường hợp sử dụng súng thì cá nhân chỉ được sử dụng khi đáp ứng đủ cá điều kiện nêu trên.
Về vấn đề xử phạt sử dụng súng hơi trái phép
Theo quy định tại điểm d, khoản 3 điều 10 và chương 3 nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định mức xử phạt với hành vi sử dụng vũ khí phép:
Sử dụng các loại vũ khí trái quy định của pháp luật nhưng chưa gây ra hậu quả; trao đổi, mua bán, tặng cho, cho mượn, cho thuê các loại vũ khí thì bị phạt tiền theo mức từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng. Ngoài ra, chủ thể vi phạm còn có hình phạt bổ sung áp dụng đó là tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có liên quan.
Sử dụng súng hơi bắn người khác bị xử lý ra sao?
Ngoài mức phạt hành chính nêu trên, người sử dụng súng hơi bắn người khác phải bồi thường thiệt hại do hành vi hành vi mình gây ra.
Ngoài ra, về trách nhiệm hình sự nếu trong quá trình sử dụng súng hơi mà việc sử dụng dẫn đến hậu quả nghiêm trọng như để lại thương tích, thiệt hại đến sức khỏe hoặc làm chết người, thì người vi phạm sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự ở đây là hành vi cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe của người khác, hoặc bị xử lý về các tội danh tương ứng với hành vi vi phạm.
JJJ