(Tổ Quốc) - Liên quan đến vụ việc đôi bạn trẻ bị giữ lại và xử phạt hành chính tại chốt kiểm soát dịch bệnh khi đưa mèo đi khám bệnh, câu hỏi đặt ra "Dịch vụ thú y có phải là dịch vụ thiết yếu?" đang nhận được sự quan tâm rất lớn!
Vụ việc một cô gái mang mèo đi chữa bệnh nhưng bị giữ lại và xử phạt tại chốt kiểm soát do vi phạm quy định về việc thực hiện giãn cách xã hội trên địa bàn tỉnh Long An đã thu hút sự quan tâm của dư luận trong nhiều giờ qua.
Bên cạnh những ý kiến trái chiều về vụ việc, một vấn đề khác được đặt ra, thu hút sự quan tâm của nhiều người đó chính là dịch vụ thú ý có được coi là dịch vụ thiết yếu, được phép hoạt động theo Chỉ thị 16.
Nữ sinh bật khóc xin đưa mèo đi chữa bệnh nhưng không được còn bị quay clip
Liên quan vấn đề này, trong Công văn Số: 2601/VPCP-KGVX Về việc thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg về phòng, chống dịch COVID-19 nêu rõ: Nhằm giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm cộng đồng, yêu cầu người dân ở nhà, hạn chế tối đa ra ngoài, trừ các trường hợp thật sự cần thiết:
- Mua lương thực, thực phẩm, dược phẩm và hàng hóa, dịch vụ thiết yếu khác;
- Các trường hợp khẩn cấp như: cấp cứu, khám chữa bệnh; thiên tai, hỏa hoạn,...
- Làm việc tại các cơ quan, đơn vị nhà nước, lực lượng vũ trang, cơ quan ngoại giao và tại các cơ sở nêu dưới đây:
Nhà máy, cơ sở sản xuất; công trình giao thông, xây dựng; cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu (như: lương thực, thực phẩm, dược phẩm; xăng, dầu; điện; nước; nhiên liệu,...);
Cơ sở giáo dục, ngân hàng, kho bạc, các cơ sở kinh doanh dịch vụ trực tiếp liên quan đến hoạt động ngân hàng và bổ trợ doanh nghiệp (như công chứng, luật sư, đăng kiểm, đăng ký giao dịch bảo đảm...), chứng khoán, bưu chính, viễn thông, dịch vụ hỗ trợ vận chuyển, xuất, nhập khẩu hàng hóa, khám bệnh, chữa bệnh, tang lễ... được tiếp tục hoạt động.
Như vậy, trong hướng dẫn này không nêu ra cụ thể là cơ sở khám chữa bệnh cho động vật có được xem là thiết yếu và được mở cửa hay không mà chỉ nói chung là cấp cứu, khám chữa bệnh.
Đồng thời, Chỉ thị cũng không quy định rõ trường hợp đưa thú cưng đi khám bệnh có được xem là trường hợp khẩn cấp khác hay không.
Thực tế, việc áp dụng Chỉ thị 16 ở các địa phương tùy thuộc vào sự điều chỉnh linh hoạt của từng địa phương.
Ở một diễn biến khác, thông tin trên Thanh Niên, trả lời về vấn đề dịch vụ thú y có được coi là dịch vụ thiết yếu hay không, ông Dương Minh Phí, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y Long An cho rằng: "Dịch vụ thú y là bình thường chứ đâu phải thiết yếu. Dịch vụ này không nằm trong danh mục thiết yếu...
Trong lúc 'dầu sôi lửa bỏng' mà đưa mèo đi chữa bệnh như thế là không cần thiết. Dịch vụ thú y cũng bị cấm đi theo Chỉ thị 16. Phòng mạch đăng ký thú y cũng ngừng hoạt động".
Cũng đồng tình với quan điểm của ông Phí, ông Nguyễn Bá Luân, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền Thông Long An:
"Định nghĩa dịch vụ thiết yếu là không có liệt kê ra tất cả. Chỉ liệt kê ra một số như: lương thực, thực phẩm, thuốc men, cơ sở sản xuất... Trong đó không có ghi thú y trong đó. Trong văn bản Chỉ thị 16 của Thủ tướng chính phủ cũng như của tỉnh Long An không có ghi cái dịch vụ chăm sóc thú vật. Thế nên có thể hiểu là dịch vụ này không thể hoạt động".
Ông Luân cũng đặt ra giả thiết rằng, họ đi trên đường như vậy thôi chứ địa điểm mà họ định tới có khi không mở cửa. Ông cũng cho biết, địa bàn tỉnh Long An cũng không có nhiều địa điểm, dịch vụ thú y chăm sóc chó mèo.
Hiện sự việc vẫn đang thu hút sự quan tâm rất lớn từ cộng đồng mạng.
Bên cạnh những ý kiến bày tỏ sự thương cảm với chú mèo, thì vẫn có những quan điểm cho rằng khi dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, thì việc chống dịch là quan trọng nhất. Đặc biệt trong bối cảnh tỉnh Long An đang quyết liệt triển khai các giải pháp phòng chống dịch, áp dụng Chỉ thị 16 của Thủ tướng với nhiều địa phương, thì hành động của hai bạn trẻ là không nên.
Ngoài ra, để xác định trường hợp đưa thú cưng đi khám bệnh có được xem là trường hợp khẩn cấp hay không thì phải kiểm tra lại văn bản áp dụng Chỉ thị 16 của tỉnh Long An.
pv