(Tổ Quốc) - Nếu không biết ăn vải đúng cách thì những chùm vải chín ngọt, mọng nước có thể ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe, thậm chí là tính mạng của trẻ.
Trẻ 15 tháng tuổi nguy kịch sau khi ăn vải
Mới đây, Khoa Nhi Bệnh viện đa khoa tỉnh Tuyên Quang vừa tiếp nhận bệnh nhi 15 tháng tuổi bị hóc vải. Bé nhập viện vào 22h30 ngày 4/6 trong tình trạng toàn thân đã tím tái, SP02 không đo được, nhịp tim rời rạc, nguy kịch sau khi tự ý ăn một quả vải đã được bóc bỏ vỏ và hạt.
May mắn thay, sau khi được gia đình nhanh chóng đưa đi cấp cứu và các y bác sĩ khẩn cấp thực hiện các biện pháp chuyên môn, trẻ đã cất được tiếng khóc và dần hồng hào trở lại.
Trước đó cũng từng xảy ra một trường hợp khác vào khoảng 18h ngày 19/5, trong lúc ở nhà với người thân, cháu Mai Huy K. (SN 2018, trú xóm chợ Mõ, xã Hậu Thành, Nghệ An) có lấy quả vải để ăn. Trong lúc ăn bé đã bị hóc, dù được người thân đi cấp cứu nhưng bệnh nhi đã không qua khỏi.
Có thể thấy, đã có không ít trường hợp trẻ không may gặp phải những hậu quả đáng tiếc khi ăn vải. Vì vậy, bố mẹ nên nắm chắc các lưu ý cần thiết để có thể đảm bảo an toàn tối đa cho trẻ khi ăn loại quả này.
Lưu ý khi cho trẻ ăn quả vải
- Đối với trẻ nhỏ, do hệ tiêu hóa và các cơ quan khác ở bé còn yếu nên trung bình chỉ nên ăn tối đa 5 - 6 quả/một lần (khoảng 100 gram). Ngoài ra trước khi ăn vải nên ăn cơm để tránh tình trạng hạ đường huyết.
Đường trong vải trải qua ba quá trình biến đổi, hơn 50% chuyển thành glucose, phần còn lại sẽ chuyển thành glycogen, Brenztr-aubensure, Triglyceride và mỡ.
Theo các chuyên gia, do hàm lượng đường trong trái vải thường khá cao, cơ thể trẻ nhỏ không thể tiêu hóa được một lượng vải lớn trong khoảng thời gian ngắn. Khi cơ thể không thể chuyển hóa vải thành 3 loại trên sẽ chuyển thành đường glucose hấp thu.
Do đó, lượng glucogen trong máu tăng cao nhưng không thể thải ra ngoài cơ thể sẽ dẫn đến nồng độ đường glucose trong máu hạ thấp. Xuất hiện tình trạng hạ đường huyết và trao đổi chất bị ảnh hưởng.
Ngoài ra, cũng vì lý do này nên những trẻ đang bị thừa cân, béo phì tuyệt đối không nên ăn nhiều các loại quả này. Hãy nhớ, vải sẽ cung cấp được đủ vitamin và hàm lượng chất dinh dưỡng khác nếu ăn đúng liều lượng và đúng cách.
- Đối với trẻ dưới 3 tuổi, khi cho ăn vải thì bố mẹ nên cắt nhỏ thành từng miếng có chiều dài và chiều rộng bằng ngón tay út của người lớn và đảm bảo đủ mềm để trẻ có thể nuốt.
- Nên uống ít nước muối, trà lạnh, canh đậu xanh trước hoặc sau khi ăn vải, cũng có thể ngâm vải trong nước muối nhạt hoặc cho vào tủ lạnh đông cứng mới ăn, như vậy có thể tránh chứng "hư hỏa".
- Khi trẻ có những triệu chứng như đói, không có sức, đau đầu… cần cho uống nước đường để giảm nhẹ triệu chứng.
Cách xử lý khi trẻ bị hóc quả vải:
- Theo PGS. TS Nguyễn Tiến Dũng (Nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, nếu không may có dị vật lọt vào đường thở trẻ, người lớn cần biết thủ thuật Heimlich để cấp cứu.
Thủ thuật Heimlich là một biện pháp cấp cứu dị vật đường thở ban đầu nhằm mục đích đẩy dị vật ra khỏi đường thở. Thủ thuật này dựa trên nguyên tắc tạo một lực tác động mạnh, đột ngột vào 2 buồng phổi bằng cách vỗ từ lưng hoặc ép vào cơ hoành để đẩy dị vật ra ngoài. Cách làm này có hiệu quả rất tốt với những dị vật choán gần hết đường thở và dễ di chuyển như viên bi, kẹo...
"Trường hợp trẻ đang ăn bột hay hoa quả bị hóc, nghẹn thì cần để trẻ nằm sấp, đầu dốc xuống dưới, úp lòng bàn tay vỗ mạnh vào giữa lưng bé. Thao tác này giúp tác động mạnh vào lưng gây ho để bật dị vật ra. Với trẻ lớn, người thân cần đứng sau ôm bụng sốc mạnh người trẻ lên.", PGS. TS Nguyễn Tiến Dũng cho biết.
- Hơn thế, trong khi sơ cứu người lớn không được đưa tay vào miệng trẻ móc dị vật ra ngoài bởi đôi khi nó sẽ làm tình trạng ngày càng trầm trọng hơn, gây khó khăn cho việc xử trí.
- Những loại thực phẩm như thạch, quả nhãn, quả vải, chôm chôm, nho, đồ chơi tròn nhỏ không nên để gần trẻ.
Lam Anh