(Tổ Quốc) - Việc yêu - ghét, lập nhóm "anti" ai đó là điều hết sức bình thường, nhưng cách hoạt động và cư xử của anti-fan như thế nào mới là điều đáng nói.
"Trào lưu" anti-fan nở rộ
Song hành cùng sự phát triển của những người nổi tiếng, dù là trong hay ngoài giới nghệ thuật thì luôn có sự tồn tại của "anti-fan". Anti-fan hiểu đơn giản là những người không thích hoặc ghét một ai đó, khi nhiều anti-fan tập hợp lại thì sẽ có cùng một mục tiêu để tẩy chay, công kích. Thậm chí nghiêm trọng hơn là anti-fan sẽ tìm mọi cách để hạ bệ sự nghiệp, cuộc sống, danh dự của người mà họ ghét.
Ở môi trường giải trí quốc tế, nhất là tại Hàn Quốc, anti-fan đã có từ rất lâu và hoạt động mạnh mẽ. Chỉ cần có một tin đồn xấu hay bất kỳ scandal từ bé đến lớn nào của người nổi tiếng, anti-fan sẽ liên tục tấn công bằng những lời lẽ chỉ trích, miệt thị nặng nề trên mạng xã hội, tạo phong trào tẩy chay và ép người đó rời khỏi giới. Cái chết của những ngôi sao Kpop như Sulli, Go Hara, Jong Hyun (SHINee),... là minh chứng rõ ràng nhất về sức ép của anti-fan, của dư luận lên người nổi tiếng.
Tại Việt Nam, phong trào anti-fan cũng đã có từ nhiều năm trước nhưng trở nên phổ biến, rầm rộ nhất vào khoảng 2 năm trở lại đây. Và mở đầu cho phong trào hội nhóm anti-fan chính là trường hợp của Hương Giang. Sau đó, chỉ cần một vụ lùm xùm nào xảy ra thì ngay lập tức sẽ xuất hiện hàng loạt hội nhóm anti-fan. Có thể kể đến những người bị "anti" nhiều nhất Vbiz như Hương Giang, Hải Tú, Thủy Tiên,... Hệ quả của các hoạt động do anti-fan khởi xướng là Hương Giang phải ở ẩn suốt nhiều tháng trời; Hải Tú là nghệ sĩ mới ra mắt nhưng không thể tiếp tục hoạt động và còn bị đào bới một loạt hình ảnh nhạy cảm, những tin đồn ác ý chưa rõ thực hư; Thủy Tiên từ chỗ được tung hô lại bị gọi với những biệt danh mỉa mai, bị soi mói từng hành động.
Khi anti-fan đã vượt quá giới hạn
Sự hoạt động và phát triển của anti-fan dù ít dù nhiều cũng sẽ gây ảnh hưởng đến công việc, cuộc sống của nghệ sĩ. Nhưng có những trường hợp, anti-fan đã quên mất giới hạn của mình, vì muốn hạ bệ một ai đó mà gây ảnh hưởng xấu tới cả những người xung quanh.
Điển hình là trường hợp mới đây của Jack. Khi scandal cặp kè nhiều cô gái một lúc, có con nhưng không làm tròn trách nhiệm người cha của nam ca sĩ rầm rộ trên mạng xã hội, đã có những ý kiến chỉ trích, phẫn nộ được đưa ra. Và đây chính là cơ hội để các anti-fan thực hiện một phương thức tấn công mới, đó là giả danh fan đi gây hấn với các bên khác.
Cụ thể, một số người đã lập tài khoản Facebook ảo, giả vờ là fan của Jack rồi bình luận ác ý, đe dọa Thiên An cùng con gái. Những nick Facebook này còn đi gây hấn với fan của nhóm BTS, đưa ảnh của những người không liên quan ra miệt thị, trù ẻo để gây tiếng xấu cho fan của Jack.
Một ví dụ khác là "vấn nạn" anti-fan thường xuyên công kích, miệt thị ngoại hình các em bé là con của người nổi tiếng như Mạc Văn Khoa, Thân Thúy Hà,... Bản thân việc miệt thị ngoại hình của người khác là hành động xấu, ở đây đối tượng bị chê bai lại là những em bé còn rất nhỏ lại càng phản cảm hơn.
Chưa bàn đến chuyện đúng - sai trong câu chuyện của Jack nói riêng, hay các vụ scandal của người nổi tiếng nói chung, việc các anti-fan bất chấp gây hại đến những người xung quanh chỉ để đạt được mục đích hạ bệ, làm xấu hình ảnh của người mà mình ghét là điều đáng lên án.
Làm anti-fan cũng phải văn minh
Lập hội nhóm anti-fan trên mạng xã hội là điều đã quá quen thuộc, việc yêu - ghét một ai đó cũng là điều không thể cấm cản bởi nó là cảm xúc tự nhiên của con người. Tuy nhiên, yêu - ghét, "anti" thế nào cho đúng cách mới là điều đáng nói.
Bạn có quyền nói rằng mình ghét một ai đó vì lý do này, nguyên nhân nọ, nhưng chắc chắn bạn không được phép nói xấu theo kiểu xuyên tạc, gán ghép những sự việc không có thật, không có bằng chứng về họ, vì đó là hành vi vu khống, bôi nhọ người khác mà pháp luật đã quy định rõ ràng.
Trên phương diện pháp luật, việc đăng bài mang tính miệt thị, xúc phạm danh dự nhân phẩm người khác trên mạng xã hội có thể bị xử phạt hành chính đến hình sự. Trên phương diện cá nhân, đừng để một người xa lạ, thậm chí còn là người mình ghét khiến mình rơi vào rắc rối.
Nên nhớ, anti-fan không đại diện cho pháp luật hay cơ quan hành pháp nào để "trừng phạt" nghệ sĩ khi họ mắc lỗi, hoặc họ làm điều gì trái với ý kiến số đông. Thay vì chửi bới, tấn công ai đó một cách bất chấp chỉ để thỏa mãn cảm xúc hay những cái like trên mạng xã hội, việc các anti-fan nêu ra khuyết điểm, phê bình nghệ sĩ một cách công tâm, lời lẽ lịch sự sẽ có tính thuyết phục cao hơn.
Để tạo nên một môi trường mạng xã hội văn minh hơn, sự quản lý chặt chẽ của các cơ quan chức năng đối với người dùng mạng cũng là yếu tố vô cùng quan trọng. Nhưng trên hết, cách hành xử đúng chừng mực của mỗi người vẫn là điều tiên quyết.
Biện Bạch Hiền