(Tổ Quốc) - Việc trêu đùa, chê bai người khác kể từ ngày 1/7/2020, ngoài việc bị xử phạt theo quy định của pháp luật, bồi thường thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm thì người vi phạm còn phải bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần cho người bị xúc phạm.
Pháp luật đã quy định rõ ràng, danh dự và nhân phẩm của mỗi người được pháp luật bảo vệ và không được bất cứ ai có thể xâm phạm đến nó. Bởi vậy, có thể thấy, việc dùng ngôn ngữ, cử chỉ… để miệt thị ngoại hình của người khác là hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín, dù cho đó có là ông bà, bố mẹ. Và đến một mức độ nghiêm trọng nào đó sẽ bị xử lý rất nặng.
Tại Điều 592 Bộ luật dân sự 2015 đã nêu rõ:
Thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm
1. Thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm bao gồm:
a) Chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại;
b) Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút;
c) Thiệt hại khác do luật quy định.
2. Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm không quá mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.
Điều luật chỉ rõ mức bồi thường, bù đắp tổn thất nếu không thể đi đến thống nhất giữa đôi bên thì mức tối đa mà người bị hại có thể nhận được sẽ không quá 10 lần mức lương cơ sở.
Bên cạnh đó, cũng từ ngày 01/7/2020 mức lương cơ sở được dự kiến tăng lên 1,6 triệu đồng/tháng, kéo theo số tiền bồi thường tổn thất tinh thần nếu có lỡ chê người khác béo, lùn, xấu, ế... có thể lên đến 16 triệu đồng - cao nhất từ trước đến nay.
Chê bai người khác như mập, lùn, ốm, ế, xấu,… dù là bông đùa hay lời nói thật cũng có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến người khác. Hành vi này có thể khiến người khác cảm thấy tự ti, khó chịu, bị xúc phạm.
Nghiêm trọng hơn, một số trường hợp bị trầm cảm, thậm chí có những hành đông tiêu cực khi bị ai đó chê bai, miệt thị.
Nghị định 15/2020/NĐ-CP, được cho là thích hợp trong thời đại phát triển 4.0 như ngày nay nhất là với thế giới ảo, nơi mà sự "độc mồm độc miệng" có thể tác động không hề nhỏ đến mỗi cá nhân.
Bên cạnh đó, với việc phải trả giá cho những hành động những tưởng là bông đùa cũng sẽ nâng cao ý thức trách nhiệm của mỗi người trong việc giao tiếp, bình phẩm về người khác.
Mạn Ngọc (T/H)