(Tổ Quốc) - Nhìn lại hành trình cùng nhau trải qua, chị Dịu cho biết, có lẽ sự nỗ lực và sự thông cảm, chung vai gánh vác giữa hai vợ chồng đã đem lại trái ngọt.
Tổng thu nhập 10 triệu vẫn mua căn nhà đầu tiên sau khi cưới 1 năm
Chị Đoàn Dịu (34 tuổi) đã sống ở Sài Gòn 16 năm. Chị và chồng đều là người ngoại tỉnh, vào Sài Gòn học Đại học rồi định cư luôn tại mảnh đất phương Nam. Họ kết hôn năm 2011, và đến nay đã có 3 em bé.
Thời điểm anh chị mới cưới, cả hai mới ra trường 2 năm, thu nhập thấp và cũng chưa có tích lũy gì. Chị Dịu kể, năm ấy họ cưới đúng bằng hai bàn tay trắng, tiền cưới cũng phải vay cậu chồng. Cưới xong cũng không dư dả gì, hai vợ chồng thuê nhà để ở.
Ngay từ khi về chung một nhà, chị Dịu đã có chiến lược chi tiêu rất tiết kiệm. Thời điểm đó, thu nhập của cả hai người là 10 triệu/tháng, lương vợ 4 triệu, chồng 6 triệu. 4 triệu lương của chị Dịu dùng để trả tiền nhà trọ và ăn uống, sinh hoạt phí nửa tháng đầu, nửa tháng còn lại thì dùng lương chồng.
“Thời điểm đó khó khăn đủ đường, nhưng dù có phải ăn uống kham khổ một chút, mình cũng nhất định để dư ra để 3 - 4 triệu/tháng để mua vàng. Lúc đó vàng chỉ hơn 2 triệu/chỉ, nên tháng nào mình cũng mua được 1,5 - gần 2 chỉ vàng. Vợ chồng đôi lúc vì chuyện này mà cãi nhau (cười)”.
Đến năm 2012, họ có con đầu lòng, ở nhà trọ không tiện nên chồng chị bàn với vợ mua nhà. Thưởng Tết của hai vợ chồng dồn vào, thêm tiền bán vàng nữa, hai vợ chồng có trong tay 150 triệu. Chồng chị Dịu tính toán, nếu mua đất thì với 150 triệu sẽ khó mua được mảnh đất ưng ý, mà mua xong rồi cũng không có tiền xây nhà, vẫn phải đi ở nhà thuê thì không ổn. Cuối cùng, hai vợ chồng quyết định sẽ mua nhà.
Gia đình chị có nguyên tắc chi tiêu rất kế hoạch để vừa đảm bảo chất lượng sống, vừa duy trì tiết kiệm.
Con vừa sinh, phải 6 năm sau mới cần nghĩ đến việc chọn trường tiểu học; chỉ có bố mẹ đi làm nên ở xa trung tâm một chút cũng không sao, do đó họ chọn tìm nhà ở các quận, huyện xa. Họ tìm được một căn nhà cấp 4 rộng 24m2, xây 2 tầng ở Hóc Môn, bán giá 300 triệu.
Chồng chị Dịu vay nợ 150 triệu (không có lãi) của anh chị em trong gia đình. Căn nhà đầu tiên đó không hẳn là ngôi nhà trong mơ, vì khá nhỏ so với diện tích trung bình nhà ở Sài Gòn, nhưng là một bước tiến của gia đình, và tốt hơn nhiều so với phải đi thuê nhà.
Hai vợ chồng vẫn áp dụng chiến lược tiết kiệm như thời son rỗi, nhưng tiết kiệm được ít hơn. Đến khi con 3 tuổi, họ mới trả hết nợ.
Căn nhà thứ hai: Giá trị gấp 8, thử thách gấp 10
Trong giai đoạn mua nhà - nuôi con - trả nợ, thu nhập của hai vợ chồng chị Dịu cũng có thay đổi. Bên cạnh việc chị có mức lương tốt hơn trước, chồng chị cũng nỗ lực đi học để nâng cao kiến thức và tìm kiếm cơ hội mới.
10 năm kết hôn là 10 năm chồng chị nỗ lực không ngừng nghỉ, "cày ngày cày đêm" để chung tay gánh vác gia đình. Anh học liên thông Đại học, học Thạc sĩ, học nghiệp vụ sư phạm… ngoài giờ làm chính và nhận thêm việc hướng dẫn viên du lịch vào cuối tuần. Có những thời điểm, anh chỉ ngủ 2 - 3 giờ/ngày để dồn sức làm việc.
Từ năm 2016 (sau khi có bằng Thạc sĩ), anh trở thành giảng viên của một trường Đại học và duy trì việc làm thêm (hướng dẫn viên du lịch, thỉnh giảng, viết sách...) nên thu nhập cũng cao gấp 2 - 3 lần so với trước kia.
Dù thu nhập tốt, gia đình chị Dịu vẫn cố gắng tiết kiệm, cân đối chi tiêu trong gia đình để tích lũy cho tương lai. Nhờ vậy, ngoài căn nhà 24m2 đã trả xong nợ, vợ chồng chị đã mua thêm được một mảnh đất diện tích nhỏ nữa ở vùng ven.
Đầu năm 2019, khi đang mang bầu em bé thứ 3, họ quyết định mua nhà mới để lũ trẻ có nhiều không gian sống hơn, dù biết sẽ gặp nhiều khó khăn hơn trước. “Nuôi 3 đứa con, lại thêm mua cái nhà nữa chắc chắn phải vay nợ, mà cũng chưa biết vay ai để mua được nhà. Tổng thu nhập hai vợ chồng mình khi đó khoảng 60 triệu/tháng, so với lúc mua nhà lúc đầu là gấp 5 - 6 lần, nhưng giá trị căn nhà bây giờ cũng gấp 8 lần nhà cũ tại thời điểm mua.
Sau một hồi tính toán thì chúng mình quyết định bán nhà đang ở đi, bán thêm miếng đất nữa có lẽ cũng hòm hòm. Rất may mắn là thời điểm bán nhà, bán đất được giá. Tổng tiền tích cóp, tiền bán nhà, bán đất gom được 1,3 tỷ, bọn mình vay thêm ngân hàng 1 tỷ nữa với lãi suất ưu đãi và vay người thân 150 triệu”.
Nhà mới của vợ chồng chị Dịu rộng hơn 70m2, 3 tầng, giá ban đầu là 2,35 tỷ, ở quận 12. Anh chị phải đổ thêm 150 triệu để sửa chữa, sơn lại nhà, làm hành lang, cải tạo toilet, tủ chạn, rèm cửa, mua sắm nội thất, đồ gia dụng... để trở thành tổ ấm trong mơ. Để tiết kiệm chi phí, chồng chị đã tự tay thi công rất nhiều hạng mục.
Hiện tại, chi tiêu cho gia đình của chị Dịu hết khoảng trên dưới 15 triệu/tháng (gồm tiền ăn uống, tiền học của con và các chi tiêu cố định). Toàn bộ phần còn lại trong quỹ thu nhập của chồng và lương của chị được gom lại để trả ngân hàng hàng tháng. Sau 1 năm, họ đã trả bớt được 400 triệu và còn nợ ngân hàng 600 triệu, người thân 150 triệu nữa.
“Mục tiêu của gia đình mình là sau 3 năm nữa sẽ trả hết toàn bộ nợ và tiếp tục tiết kiệm để mua ô tô, chứ nhà đông con, đi 2 xe máy vẫn thấy chật chội” - chị chia sẻ.
Công thức "bí mật" của cặp vợ chồng trẻ nuôi 3 con mà vẫn mua được nhà
Dù tương lai rất khả quan, chị Dịu cũng cho rằng việc mua nhà thành công của gia đình mình là tổng hòa của nỗ lực, tính toán và cả may mắn. Chị tổng kết 3 kinh nghiệm chính để những gia đình trẻ chuẩn bị mua nhà có thể tham khảo.
1. Thông tin chuẩn cực kỳ quan trọng
Chị Dịu cho rằng, do đặc thù công việc (làm ở ngân hàng) nên khi mua nhà đất, gia đình chị không bị rơi vào mê hồn trận giá cả cũng như bị “cò đất” thổi giá. Chị quen với việc thẩm định giá tài sản, nhà đất và cũng có mối quan hệ với phòng công chứng nhà đất nên có thông tin chuẩn xác, an toàn về mảnh đất mình định mua.
Việc nghiên cứu, tìm hiểu thông tin thật kỹ về dự án căn hộ hoặc ngôi nhà mình muốn mua trước khi quyết định “xuống tiền”, theo chị Dịu rất quan trọng.
2. Tìm cách nâng cao thu nhập thì tốt hơn là cố chắt bóp
Tiết kiệm, chắt bóp chi tiêu là rất quan trọng để mua nhà thành công. Nhưng chị Dịu cũng nhấn mạnh, gia đình mình mua được nhà riêng ở trước tuổi 35 không phải chỉ nhờ tiết kiệm. Nếu cả hai vợ chồng không quyết tâm cải thiện thu nhập, hy sinh thời gian và những thú vui riêng để làm việc “điên cuồng” thì ngôi nhà trong mơ vẫn chỉ là… trong mơ.
Chồng chị cũng là người có ý chí, cầu tiến và nghĩ về gia đình, toàn bộ thu nhập đưa cho vợ quản lý, chi tiêu. Sau 8 năm kết hôn, thu nhập của gia đình tăng lên 5 lần thì họ mới dám nghĩ đến việc mua nhà tiền tỷ.
Ban công nhà chị Dịu, nơi chị tận dụng không gian trồng rau xanh cho gia đình.
3. Lập chính sách chi tiêu khắt khe
Chị Dịu tâm sự, những khó khăn trong quá trình mua nhà là một thử thách lớn với kế hoạch chi tiêu cũng như hôn nhân. Đó không phải là quyết định ngẫu hứng mà là bài toán thu nhập bao nhiêu, sẵn sàng hy sinh bao nhiêu % thu nhập để trả nợ.
Như hiện tại, gia đình chị chi khoảng 200k tiền ăn mỗi ngày. Chợ ở quận 12 cũng có mức giá vừa phải, nên chị có thể đổi nhiều món, phù hợp với sở thích của gia đình. Chị cũng tự nấu ăn sáng ở nhà. Riêng con cái thì việc học hành, ăn uống luôn được ưu tiên.
Không quá hoang phí, nhưng ngoài những phần cố định, chị luôn dành quỹ cho việc di chuyển (khoảng 25 triệu/năm để cả nhà về quê), bảo hiểm nhân thọ (60 triệu/năm), tiền hiếu hỷ, chi phí y tế cho gia đình…
Tùy vào thu nhập, tích lũy, các khoản vay và thói quen chi dùng của từng gia đình mà mỗi nhà có thể chọn cách “siết” chi tiêu khác nhau. Nhưng chị Dịu nhấn mạnh, khi đã có chính sách chi tiêu, cả gia đình phải đồng lòng và hợp sức để áp dụng theo chính sách khắt khe đó thì mới duy trì được sự ổn định cũng như… bình yên.
Ghi theo lời kể của nhân vật.
Bài và ảnh: Thiên Yết