(Tổ Quốc) - Nguyên nhân dẫn đến câu chuyện này là điều không ai có thể ngờ trong thời gian học online kéo dài.
Bé gái 13 tuổi dùng mảnh thủy tinh cứa vào cổ tay chảy máu
Gần đây, BS Nguyễn Hoàng Yến (Phòng trẻ em và thanh thiếu niên, Viện Sức khoẻ tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai) chia sẻ, Viện mới tiếp nhận một bé gái 13 tuổi ở Hà Nội có dấu hiệu mắc bệnh tâm thần. Cụ thể là hội chứng trầm cảm.
Cụ thể, gia đình đưa bé đến khám, nhập viện trong tình trạng chán nản, hay khóc, tự ti, bi quan. Bé luôn cảm thấy chán nản và có ý tưởng tự sát. Hành động dùng mảnh thủy tinh cứa vào cổ tay chảy máu là bằng chứng rõ ràng nhất sau nhiều lần muốn tự sát của em.
Qua thăm khám, các bác sĩ xác định, bệnh nhân mắc chứng bệnh tâm thần. Cụ thể là hội chứng trầm cảm, biểu hiện rõ nhất là có ý tưởng tự sát và hành vi tự hủy hoại bản thân.
Theo chia sẻ của gia đình, bé gái 13 tuổi là học sinh giỏi, trong đội tuyển. Tình trạng bất thường này xuất hiện trong quãng thời gian con học online kéo dài. Việc không theo kịp, không tập trung khi học online như học bình thường, cộng thêm việc yêu đương qua mạng, cha mẹ thấy con học hành giảm sút, ép con học nhiều hơn. Từ đó, con xuất hiện hội chứng trầm cảm như trên đã nói.
TS Đỗ Minh Loan (Trưởng Khoa Sức khỏe vị thành niên Bệnh viện Nhi trung ương) cho biết, sức khỏe tâm thần ở trẻ hiện là vấn đề chưa được phụ huynh quan tâm đúng mức, đầy đủ.
TS Loan rút ra điều này từ thực tế trong quá trình thăm khám cho trẻ. Vị tiến sĩ này đã gặp rất nhiều trường hợp trẻ có bất ổn về tâm lý kéo dài một vài năm. Đến lúc đó, cha mẹ mới lo lắng đưa đi khám. Thậm chí, không thiếu những gia đình đưa trẻ đi khám khi con có hành vi tự sát như trường hợp trên.
Làm thế nào cha mẹ có thể biết nếu con mình bị trầm cảm trước khi có hành vi đáng tiếc?
Theo Kidshealth, cha mẹ có thể nhận biết sớm con có bị trầm cảm không qua các dấu hiệu:
- Trẻ buồn bã, cô đơn, cảm thấy không vui hoặc cáu kỉnh. Tình trạng có thể kéo dài hàng tuần hoặc hàng tháng. Trẻ có thể dễ khóc hơn hoặc nổi cơn tam bành hơn trước.
- Luôn tự phê bình bản thân: Đang bị trầm cảm, đứa trẻ có thể thường xuyên phàn nàn, tự phê bình bản thân như "con không thể làm bất cứ điều gì đúng cả", "con không có ai chơi", "con không thể làm điều này", "nó quá khó với con"...
- Thiếu nghị lực và nỗ lực: Trầm cảm làm cạn kiệt năng lượng của một đứa trẻ. Trẻ có thể bỏ bê, chểnh mảng học hành, thường xuyên mệt mỏi, dễ bỏ cuộc, thiếu cố gắng...
- Không còn nhiều niềm vui với bạn bè hay thích chơi đùa như trước.
- Thay đổi giấc ngủ và thói quen ăn uống: Trẻ có thể không ngủ ngon, mệt mỏi ngay cả khi ngủ đủ giấc. Nhiều trẻ không muốn ăn. Trong khi nhiều trẻ lại ăn quá nhiều.
- Đau nhức tấn công: Một số trẻ có thể bị đau bụng hoặc gặp phải các cơn đau khác. Một số trẻ nghỉ học vì cảm thấy không khỏe, mặc dù con không bị ốm hay bệnh tật gì.
Cha mẹ nên làm gì khi nhận ra con bị trầm cảm?
- Nói chuyện với con về nỗi buồn và sự trầm cảm. Những đứa trẻ có thể không biết tại sao chúng lại buồn như vậy và tại sao mọi thứ lại có vẻ khó khăn như vậy. Hãy tâm sự cùng trẻ để trẻ chia sẻ lại với bạn. Lắng nghe, an ủi, ủng hộ và liên tục thể hiện tình yêu thương dành cho con.
- Đặt lịch khám với bác sĩ: Hãy nói cho bác sĩ của con biết nếu con bạn luôn buồn bã liên tục trong thời gian vài tuần. Nếu con có sự thay đổi trong giấc ngủ, chuyện ăn uống... cũng đừng quên chia sẻ.
- Sắp xếp gặp một nhà trị liệu sức khỏe tâm thần cho trẻ em. Bác sĩ sẽ dành thời gian nói chuyện với bạn và con bạn. Họ sẽ kiểm tra sâu về chứng trầm cảm bằng cách đặt câu hỏi và lắng nghe. Chuyên gia có thể giải thích cách trị liệu tốt nhất cho con bạn.
- Hãy kiên nhẫn và tử tế. Khi con bạn có biểu hiện thất thường hoặc khó khăn, hãy cố gắng kiên nhẫn.
- Hãy tận hưởng thời gian bên nhau. Dành thời gian cùng con làm những việc mà cả hai đều thích: đi dạo, chơi trò chơi, nấu ăn, đọc truyện, làm đồ thủ công, xem một bộ phim vui nhộn. Hãy dành thời gian ở ngoài trời nhiều nhất có thể.
TH