(Tổ Quốc) - Mới đây, giới chuyên gia nhận định kết hợp Đông y và Tây y đem lại hiệu quả cho bệnh nhân Covid-19. Thông tin này đặc biệt hữu ích trong cuộc chiến chống lại biến thể Delta.
Theo nguồn tin từ Tân Hoa Xã, kể từ thời điểm các trường hợp mắc Covid-19 mới được báo cáo vào tháng trước, tỉnh Quảng Châu (TQ) báo cáo có 146 trường hợp mắc bệnh được xác nhận lây truyền tại địa phương, trong đó có 7 trường hợp không có triệu chứng.
Trong đợt dịch mới này, việc sử dụng phối hợp giữa y học cổ truyền và Tây y đã có hiệu quả trong cuộc chiến chống lại biến thể Delta. Cụ thể, từ ngày 21 tháng 5 đến ngày 26 tháng 6, Bệnh viện Nhân dân số 8 Quảng Châu đã tiếp nhận tổng số 166 bệnh nhân từ Quảng Châu, Phật Sơn và Trạm Giang. Tính đến ngày 26/6, có 91 trường hợp đã được xuất viện nhờ điều trị theo phương pháp Đông - Tây y kết hợp.
Dưới góc độ điều trị lâm sàng, người mắc biến chủng Delta có đặc điểm gì?
BS Trần Trung Đức (Zhang Zhongde), chuyên gia trong nhóm điều trị và là phó chủ tịch Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh Quảng Đông cho biết, từ quan sát lâm sàng, người mắc chủng Delta có nguy cơ bị bệnh nặng lên đến 15%.
Ở góc độ tiếp nhận lâm sàng, tỷ lệ bệnh nhân cao tuổi chiếm 1/3 số bệnh nhân trên 60 tuổi, hơn 10 bệnh nhân trên 80 tuổi. Chủng Delta có đặc trưng bởi thời gian ủ bệnh ngắn, các triệu chứng lâm sàng nghiêm trọng, 15% bệnh nhân bị bệnh nặng và rất nặng, cần một thời gian dài để axit nucleic trở nên âm tính.
Vị chuyên gia cũng nhận định, trong thực tế lâm sàng, tỷ lệ bệnh nhân sốt cao vượt quá 80%, trong đó tỷ lệ sốt cao trên 39 độ C chiếm tới 34,5%. Do tải lượng virus của chủng Delta cao nên tình trạng bệnh nhân tiến triển rất nhanh sau khi nhiễm bệnh, diễn biến nặng từ 7-9 ngày, có thể trở nặng trong vòng chưa đầy 4 ngày, trường hợp nặng sẽ chuyển sang giai đoạn nặng hơn hoặc chuyển sang giai đoạn rất nặng.
Y học cổ truyền Trung Quốc đóng vai trò gì trong cuộc chiến chống lại chủng mới?
Trong quá trình điều trị, nhóm chuyên gia đã tìm hiểu và thiết lập hệ thống đánh giá hệ miễn dịch nhằm phát hiện kịp thời các chỉ số về diễn biến của bệnh và ngăn chặn sớm xu hướng bệnh nặng lên. Đồng thời, y học cổ truyền Trung Quốc đã phát huy tác dụng nhất định trong việc điều trị các bệnh nặng, chú trọng "tăng cường" và dùng nước sắc nhân sâm để bổ khí, súp nhân sâm để tăng cường sinh lực. Một số bệnh nhân nặng chủ yếu là do thiếu khí ở giai đoạn đầu, biểu hiện là mệt mỏi, chán ăn, thở yếu, lưỡi vàng và dày... sẽ dùng canh sâm để bồi bổ khí...
BS Đức cho biết thêm, trong việc điều trị cho những bệnh nhân Covid-19 ở mức độ nặng và nguy kịch, đội ngũ y tế luôn tuân thủ các phương pháp chữa bệnh hiện đại, đồng thời thực hiện việc cho bệnh nhân dùng các thang thuốc Bắc để bồi bổ cơ thể, cứu phổi, giải độc. Lần đầu tiên chống lại chủng Delta, các chuyên gia y tế hàng đầu của Trung Quốc và phương Tây đã tìm ra những quy tắc và phương pháp mới này.
Trong điều trị những bệnh nhân nặng đến rất nặng, nhóm điều trị hiện tập trung kết hợp Đông y và Tây y, luôn tuân thủ các phương pháp điều trị y học hiện đại, sử dụng máy thở và ECMO càng sớm càng tốt, đồng thời sử dụng linh hoạt các bài thuốc Đông y để hỗ trợ bệnh nhân.
Sau khi kết hợp điều trị bằng thuốc Bắc và Tây y, một bệnh nhân không cần can thiệp ECMO, 3 bệnh nhân nặng được rút nội khí quản, 8 bệnh nhân nặng được chuyển sang loại bình thường. Đây cũng là kinh nghiệm quý báu cho việc phòng chống và kiểm soát biến chủng Delta.
Theo dõi chặt chẽ, điều trị kịp thời vẫn là điểm then chốt cứu sống bệnh nhân Covid-19
BS Long Vân, một chuyên gia trong đội điều trị và là giám đốc khoa chăm sóc sức khỏe quan trọng của bệnh viện đại học y liên hiệp Bắc Kinh, Trung Quốc cho biết, dịch bệnh ở Quảng Đông hiện nay đã được kiểm soát hiệu quả, hầu hết các bệnh nhân đều khá lên, chủ yếu là các thể nhẹ và thông thường, chỉ có một bệnh nhân nặng đang được điều trị tại bệnh viện.
Từ kinh nghiệm thực tế, ông khẳng định: "Sàng lọc kịp thời, phát hiện sớm những bệnh nhân nặng và phát triển hàng rào bảo vệ, ngăn chặn bệnh tiến triển chính là chìa khóa để điều trị cho bệnh nhân Covid-19".
Theo đó, những nhóm bệnh nhân đặc biệt cần được theo dõi chặt chẽ trong điều trị bao gồm nhóm người cao tuổi, người có nhiều bệnh nền, người có tải lượng virus cao, người có thời gian dài không xuất hiện kháng thể, người bị sốt cao kéo dài, người có lượng tế bào lympho thấp… là nhóm người có thể trở nặng, cần phải điều trị kịp thời và can thiệp kịp thời. Đây là yếu tố then chốt để ngăn chặn nguy cơ trở thành những bệnh nhân nặng.
BS Long Vân khẳng định, hiện tại chưa có thuốc đặc trị virus, nguyên tắc điều trị là nâng cao khả năng miễn dịch của bản thân người bệnh và khống chế tốc độ nhân lên của virus trong cơ thể.
"Đầu tiên, chúng tôi sẽ tập trung vào tải lượng axit nucleic của virus. Nếu tải trọng cao, tình trạng của bệnh nhân có thể tiến triển xấu với tốc độ nhanh hơn.
Thứ hai là hiệu giá tự kháng thể. Nếu sau khi virus xâm nhập, kháng thể không được sản xuất trong một thời gian hoặc hiệu giá kháng thể không cao, điều này cho thấy hệ thống miễn dịch vẫn còn ở trạng thái yếu.
Thứ ba là số lượng tế bào lympho. Sau khi virus xâm nhập vào cơ thể, tế bào bạch huyết là tế bào bị tấn công đầu tiên. Thông qua xét nghiệm máu định kỳ, chúng ta có thể biết được liệu tế bào bạch huyết có giảm hay không. Nếu có, điều đó có nghĩa là virus đang nhân lên với tốc độ rất nhanh trong cơ thể".
Trong quá trình điều trị, nhóm chuyên gia sẽ tự động theo dõi các chỉ số khác của bệnh nhân, chẳng hạn như kết quả hình ảnh CT, phản ứng viêm toàn thân, tình trạng oxy hóa... để đạt được sự can thiệp đúng mục tiêu và chính xác, đồng thời việc điều trị đạt kết quả tốt hơn.
Nói chung, hiện tại vẫn chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu trong việc chữa trị bệnh nhân nhiễm Covid-19, mà chủ yếu là huy động khả năng miễn dịch của chính bệnh nhân và phục hồi chức năng miễn dịch của họ. Điều này thì Đông y cũng đóng một vai trò quan trọng trong đó.
(Nguồn: Xinhuanet, QQ)
TH