(Tổ Quốc) - Mới đây, hình ảnh MC Quyền Linh trùm nilon kín đầu đi làm từ thiện giữa mùa dịch Covid-19 diễn biến phức tạp khiến nhiều người quan tâm. Thế nhưng, trùm nilon kín đầu như vậy liệu có thực sự tốt cho sức khỏe?
MC Quyền Linh trùm nilon kín đầu đi làm từ thiện trong mùa dịch Covid-19 gây sốt cộng đồng mạng
Mới đây, hình ảnh MC Quyền Linh trùm nilon kín đầu đi làm từ thiện giữa mùa dịch Covid-19 diễn biến phức tạp khiến nhiều người quan tâm. Cụ thể, fanpage chương trình "Bạn muốn hẹn hò" chia sẻ hình ảnh MC Quyền Linh sử dụng túi nilon, trùm kín mặt như đồ bảo hộ để bảo vệ sức khỏe trong chuyến đi thiện nguyện. Những hình ảnh này ngay lập tức đã thu hút được sự quan tâm, chú ý của cư dân mạng. Bên dưới bài viết, nhiều người để lại bình luận xót xa cũng như gửi lời chúc, động viên đến MC Quyền Linh.
Có thể nói, việc trùm nilon kín đầu cũng như kín người để phòng chống Covid-19 không phải là chuyện mới mẻ. Vào năm ngoái, chúng ta từng được chứng kiến những hình ảnh của người dân trên khắp thế giới, vì quá lo sợ bị lây nhiễm virus gây bệnh Covid-19 nên đã nghĩ ra cách úp chai lên đầu, trùm nilon kín mít.
Cụ thể, tờ Mirror hôm 29/1 đưa tin các bức ảnh trên mạng xã hội cho thấy người dân và khách du lịch đã làm mọi cách mà họ cho rằng có thể hạn chế việc lây lan nCoV. Một bức ảnh cho thấy gia đình 4 người, gồm cặp vợ chồng và 2 con nhỏ dùng những túi nilon dạng nhựa cứng hơn bình thường trùm nửa người, đứng xếp hàng tại điểm làm thủ tục, được cho là thuộc sân bay quốc tế Kuala Lumpur, Malaysia.
Có thể nói, việc dùng nilon trùm kín đầu để ngăn chặn Covid-19 đã được người dân trên khắp thế giới sử dụng từ thời điểm dịch mới xuất hiện không lâu. Thế nhưng, hành động này khiến nhiều người nhìn thấy cảm thấy e ngại liệu có ảnh hưởng đến khả năng hít thở không, có bị bí quá không, liệu có thể ngăn chặn virus hiệu quả hơn những cách thông thường không…
Nói tóm lại, liệu bạn có nên sử dụng nilon trùm kín đầu khi đi ra ngoài đường trong mùa dịch Covid-19 diễn biến phức tạp?
Chuyên gia nói gì về việc dùng nilon trùm kín đầu khi đi ra ngoài trong mùa dịch Covid-19?
BS Trương Hữu Khanh (Thầy thuốc Ưu tú, Chuyên gia Dịch tễ, Nguyên Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh tại Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP.HCM) khẳng định, người dân không nên dùng túi nilon trùm kín đầu khi đi ra ngoài. Đúng là túi nilon giúp ngăn chặn giọt bắn khá tốt nên giúp giảm nguy cơ lây nhiễm hiệu quả nhưng tác hại nó đi kèm cũng cần phải bàn tới.
"Chụp túi nilon lên đầu, kéo kín toàn bộ khuôn mặt có thể khiến người dân rơi vào tình trạng ngộp thở", BS Trương Hữu Khanh cho biết. Nếu người dân trùm lên một chốc một lát thì thôi không đáng bàn nhưng tình trạng này nếu diễn ra thường xuyên, mỗi lần chụp túi nilon lại kéo dài nhiều giờ đồng hồ thì không nên.
Theo chuyên gia, lúc này bạn có thể không bị nhiễm virus gây bệnh Covid-19 nhưng có khi lại bị thiếu oxy, bị ngạt thở. Túi nilon dù là dạng siêu mỏng khi chụp lên đầu cũng gây bí khí không kém. Trong trường hợp bạn chụp túi nilon nới lỏng để có không gian hít thở hay chụp thật chặt, thật kín cũng có nguy cơ bị ngạt thở do đặc điểm của những chiếc túi này vô cùng bí khí.
Chưa kể, khi hít thở, bạn hít phải túi nilon khiến nó dính càng chặt vào mắt, mũi, miệng thì hậu quả không chỉ là ngộp thở mà còn nhiều tác hại khác bởi bản thân túi nilon - chủ yếu làm từ hạt nhựa polyetilen (PE) và polypropilen (PP) có nguồn gốc từ dầu mỏ cùng với một số hóa chất phụ gia khác gây hại cho sức khỏe không chỉ trước mắt mà còn về lâu dài.
Do đó, BS Trương Hữu Khanh khẳng định, không nên sử dụng túi nilon để trùm đầu nhằm ngăn chặn virus tấn công. Giải pháp ngăn chặn sự lây lan tốt nhất của virus gây bệnh Covid-19 vẫn là đeo khẩu trang, sử dụng dung dịch sát khuẩn liên tục khi ra bên ngoài. Ngoài ra, bạn có thể trang bị thêm kính chắn giọt bắn thay vì chụp một chiếc túi nilon bên ngoài đầu sẽ có hiệu quả tương đương mà không lo ngộp thở.
Nhiều người cho rằng, việc trùm kín túi nilon thì cả đầu, mái tóc đều được bảo vệ, sẽ giúp ngăn chặn virus tốt hơn kính chắn giọt bắn. Theo BS Trương Hữu Khanh, chỉ cần bạn đảm bảo khi đi từ bên ngoài về, thay giặt quần áo, tắm và gội đầu sạch sẽ thì không cần phải quá lo lắng chuyện virus dính vào đầu tóc nữa.
TH