(Tổ Quốc) - Cặp vợ chồng trẻ quyết định "liều" để sở hữu được bất động sản ở Thủ đô khi trong tay chỉ có 200 triệu.
Ngôi nhà là biểu tượng của mái ấm gia đình, là niềm mơ ước của biết bao con người. An cư thì mới lạc nghiệp nên nhiều người và đặc biệt là các cặp vợ chồng trẻ luôn đặt chuyện mua nhà là đích đến phấn đấu trong suốt cả cuộc đời.
Câu chuyện mua nhà của anh chị Minh Nguyệt (hiện đang sống và làm việc tại Hà Nội) cũng có nhiều điều đặc biệt.
Hai vợ chồng anh chị có mức thu nhập trung bình mỗi tháng khoảng 30 triệu đồng. Đây là mức thu nhập vừa đủ để chi tiêu cho cuộc sống của hai vợ chồng và một con nhỏ ở Hà Nội. Thế nhưng nung nấu ý định mua nhà, anh chị vẫn quyết tiết kiệm "thật chặt" để sớm sở hữu bất động sản cho riêng mình.
"Ngôi nhà mình mua vào tháng 12 năm 2020 ở ngoại ô huyện Tam Hiệp, Thanh Trì. Diện tích của ngôi nhà là 46 mét vuông với giá 1,6 tỷ đồng. Hai vợ chồng mất khoảng 6 tháng trời đi tìm mới chọn được ngôi nhà ưng ý cả về vị trí và giá tiền.
Lúc mua nhà vợ chồng mình cũng chỉ mới tiết kiệm được khoảng 200 triệu đồng. Toàn bộ số tiền còn lại được nội ngoại hỗ trợ một ít và vay thêm ngân hàng theo hình thức trả góp hàng tháng", chị Minh Nguyệt chia sẻ.
May mắn làm việc trong ngân hàng, vợ chồng anh chị được hỗ trợ vay với gói vay 25 năm lãi suất 7,1% cho cán bộ nhân viên. Đây là mức lãi suất ưu đãi nếu so sánh với lãi suất cố định hay thả nổi tại các ngân hàng ở thời điểm hiện tại. Theo đó, với mức lãi suất này mỗi tháng vợ chồng anh chị cần trả cho ngân hàng là 10 triệu đồng.
"Việc trả góp ngân hàng thực ra cũng làm vợ chồng mình khó khăn đôi chút trong việc chi tiêu và quản lý tài chính. Biết trước số tiền cần phải trả hàng tháng nên hai vợ chồng lúc nào cũng xác định cần sắp xếp tài chính, nhận lương là trích ngay 10 triệu để trả nợ. Kế hoạch tài chính trong gia đình cũng từ việc trừ đi khoản nợ phải trả rồi mới điều tiết các khoản chi tiêu khác.
Hiện để cân bằng được chi tiêu trong gia đình hai vợ chồng mình phải thực hiện chi tiêu thật khoa học. Thậm chí còn đặt mục tiêu tiết kiệm hơn nữa cho các khoản chi tiêu hàng ngày để tích lũy trả nợ trước hạn.
May mắn là ngôi nhà mình mua là nhà người ta đang sống rồi bán lại nên đồ đạc nội thất bên trong cũng cơ bản đầy đủ hết. Hai vợ chồng mình chỉ sửa sang thêm một số đồ vụn vặt theo ý thích nữa thôi nên tiết kiệm được chi phí và không có thêm khoản nợ phát sinh. Hiện tại, vợ chồng mình chỉ phải trả khoản nợ cho ngân hàng hàng tháng", chị Minh Nguyệt chia sẻ.
Nội ngoại hai bên, bạn bè đều nói hai vợ chồng chị Nguyệt quá "liều" khi quyết định mua nhà trong thời điểm trong tay chỉ có số tiền tiết kiệm ít. Và chính bản thân hai anh chị cũng nhận thức được sự rủi ro lớn khi đưa ra quyết định này.
"Mình biết là mình liều đấy nhưng vì muốn sở hữu nhà và tính toán thấy khả thi nên vẫn quyết làm. Hiện tại thì cuộc sống của mình thấy ổn, vì được ở nhà mình, không phải nhà thuê. Tinh thần và các mối quan hệ vì thế mà thoải mái hơn nhiều. Người ta cứ bảo ôm cục nợ trên đầu mất ăn mất ngủ nhưng với vợ chồng mình cũng là một động lực, giúp hai vợ chồng phấn đấu.
Hiện tại, cuộc sống hàng ngày của vợ chồng mình là tiết kiệm theo đúng nghĩa đen để có đủ tiền trả nợ nhưng hai vợ chồng cũng đã quen và thích nghi được với nó. Chưa kể ngôi nhà mà mình mua hiện tại cũng nằm không quá xa để di chuyển về quê hay đi làm hoặc tới các tiện ích xung quanh nên với mình như vậy là quá hài lòng rồi", chị Minh Nguyệt chia sẻ.
Lời khuyên từ cặp vợ chồng trẻ, có nên "liều" mua nhà như vậy hay không?
Từ trải nghiệm mua nhà "liều lĩnh" của mình, chị Minh Nguyệt cũng muốn đưa ra một số lời khuyên cho các cặp vợ chồng trẻ.
"Cặp vợ chồng trẻ có thể liều mua nhà nhưng phải trên cơ sở trả nợ được. Không phải chuyện liều mà không có sự tính toán, mà không trả được đến lúc đó lại rủi ro phải bán nhà thì quá mất công.
Theo mình, trước khi quyết định mua nhà cặp vợ chồng nên lên kế hoạch cụ thể, kỹ càng, càng chi tiết thì càng tốt. Đặc biệt là với số tiền mà mình sẽ trả nợ nếu vay ngân hàng. Đặt mục tiêu tài chính ra sao, tích lũy hàng tháng bao nhiêu và trả nợ trong bao lâu sẽ xong.
Và lời khuyên của mình là nếu gia đình có con nhỏ thì nên mua nhà và lên kế hoạch mua nhà càng sớm càng tốt để ổn định chỗ ở", chị Minh Nguyên chia sẻ.
Mua nhà trả góp hay vay tiền ngân hàng mua nhà không còn là vấn đề xa lạ đối với nhiều người trẻ và đặc biệt là các cặp vợ chồng trẻ. Đằng sau đó là những câu chuyện khác nhau còn phụ thuộc nhiều vào tài chính, cách tính toán và bất động sản của mỗi gia đình muốn sở hữu.
Ghi theo lời kể của nhân vật - Ảnh: NVCC
Hồng Nhung