(Tổ Quốc) - Rất nhiều lý do khiến việc “trồng rau làm vườn” ở nhà phố là một công việc tốn kém về tiền bạc, công sức và thời gian. Nhưng đừng vội gạt nó qua vì những phân tích của chị Phương Thảo dưới đây sẽ làm bạn phải thay đổi đó.
Vì sao lại nói trồng rau ở thành phố “tốn kém”?
Trước tiên phải có đất trồng rau, mà đất ở thành phố thì đâu có rẻ
Việc đầu tiên khi trồng rau là bạn cần có 1 mảnh đất trước. Mà đất tại thành phố thì không cần “trình bày” quá nhiều ai cũng biết là đắt đỏ tới mức nào rồi. Chẳng tự nhiên, người ta vẫn nói đất ở thành phố là “tấc đất tấc vàng”.
"Nhà mình có mảnh vườn 300 mét vuông. Ví dụ nếu hai vợ chồng mình bán đi, lấy tiền gửi ngân hàng thì mỗi tháng được bao nhiêu? Bằng ấy đủ cho cả nhà sinh hoạt trong một tháng, đầy đủ cả điện, nước, thịt, cá, rau, đường sữa. Còn nếu sử dụng mảnh đất đó để “trồng rau” thì lãi thu được đúng bằng số rau ăn hàng ngày", chị Thảo chia sẻ.
Chi phí chăm bón tính ra cũng không hề rẻ
Một mảnh vườn là biết bao tâm huyết và sức lực của 2 vợ chồng. Đá xếp luống mình phải thuê người xuống sông lấy rồi thuê xe trở về. Sỏi lối đi trong vườn cũng phải thay 2 lần để cho các con có thể dễ dàng đi lại. Đất trồng rau vì không có kinh nghiệm cũng phải thay 2 lần. Mỗi lần làm thuê nhân công rất tốn kém.
Để cải tạo đất và cung cấp dinh dưỡng thường xuyên cho cây cũng mất rất nhiều tiền. Nào là tiền vôi, tiền trấu, rồi tiền phân trâu phân bò. Riêng phân trâu phân bò phải dùng loại đã qua xử lý, nếu không không khác gì quãi cỏ vào vườn, sau 1-2 tuần sẽ không có thời gian mà nhổ cỏ. "Xem lại trong vòng từ tháng 12 tới giờ mình đã mất 2,3 triệu tiền phân trâu gồm cả phí ship, chưa kể phân trùn quế", chị Thảo chia sẻ.
Để phòng trừ sâu bệnh, ngoài ngâm tỏi ớt, dùng neem oil ra thì không dùng được bất cứ gì khác. Neem oil giá 320k/chai, dùng vèo cái là hết. Chị Thảo còn thuê 1 chị ở chợ gom lông gà lên lót luống. Rồi tiền làm khung giàn, tiền mua tre làm gièo, tiền dây buộc, tiền găng tay, tiền giấy bóng kính che luống, tiền bầu ươm, tiền chuối, trứng, sữa bột hết hạn để ủ phân, tiền cây giống, hạt giống...
Vậy mới hiểu tại sao các sản phẩm sạch, sản phẩm hữu cơ ở nước ngoài lại đắt đỏ như vậy. Bởi nếu làm vườn lấy rau sạch hữu cơ thì tính ra từ trải nghiệm của mình cũng đắt đỏ không kém.
Dù bận rộn bạn vẫn phải sắp xếp chăm sóc hàng ngày, giống “chăm con mọn” vậy đó
Làm vườn thật sự vất vả. Để duy trì một vườn rau sạch chị Thảo mất ít nhất 1,5 - 2 tiếng/ngày để chăm sóc. Vì không phun thuốc sâu nên phải chăm cây kĩ, chứ không bỏ bê được vì lơ đễnh là hỏng luôn. "Mùa cà chua vừa rồi, vì bé thứ 2 nhà mình bị ốm mà sau đúng 1 tuần hỏng cả 3 giàn cà chua đang sai trĩu quả. Từ lúc gieo hạt đến ngày đó mất bao thời gian và công sức, ai không làm vườn không thể hiểu nổi, buồn bã ngơ ngẩn cả 1 ngày đấy", chị Thảo chia sẻ.
Mặc dù chồng chị Thảo đã làm hệ thống tưới nước tự động nhưng cứ 2 ngày một lần chị phải hòa nước ngâm rau củ quả bón từng gốc. Một buổi chiều bổ sung dinh dưỡng như vậy không biết chị Thảo đã xách bao nhiêu xô nước 20 lít đi khắp vườn.
Có những hôm trời mùa đông mà vẫn đủ để toát mồ hôi. Ngoài ra cứ tầm 2 tuần/1 lần chị lại nhờ 1 bạn thanh niên đến giúp những việc nặng nhọc như chuyển đất, chuyển cây, cuốc đất, trộn đất, làm giàn... những việc như vậy nếu không nhờ thì người chân yếu tay mềm như chị Thảo không thể làm nổi.
Tuy vườn rộng, trồng được nhiều loại rau nhưng chỉ đủ cho gia đình 5 người
Như đã nói ở trên, khu vườn của gia đình chị Thảo có diện tích tới 300 mét vuông. Vườn tuy rộng trồng nhiều loại như vậy mà cũng chỉ đủ cung cấp rau ăn cho gia đình 2 người lớn và 3 trẻ con, thỉnh thoảng mới có rau để cho, biếu, tặng.
Để có nhiều loại có thể thay đổi, mỗi luống chị Thảo trồng 1 loại. Mùa đông thì không thể thiếu súp lơ, su hào, bắp cải, cải thảo... mà mấy cái loại này trồng rất lâu mới thu hoạch để ăn. Có loại trồng từ tháng 9 mà tới tận Tết mới bắt đầu được thu hoạch. Tính ra không hề nhiều, vì mỗi loại chỉ có 1 luống, ăn hết luống ấy là hết loại ấy luôn rồi.
Chuyện làm vườn tưởng vui nhưng cũng “âm thầm” phá hoại nhan sắc của người phụ nữ ra phết
Người ta chọn spa dưỡng da thì chị Thảo hàng ngày chăm sóc rau, bịt bọc, tiếp xúc với ánh nắng ngoài trời nhiều nên da đen nhẻm, nhất là những ngày hè. “Hôm mình có đăng cái ảnh xuất hiện đôi bàn tay mà cô bạn đã vào góp ý cho mình ngay”.
Thế nhưng tại sao với bao vất vả và tốn kém như vậy chị Thảo vẫn chọn làm vườn?
1. Bởi vì làm vườn có những lợi ích mà chỉ khi bắt tay vào làm chị Thảo mới nhận thấy hiệu quả vô cùng tuyệt vời của nó:
Làm vườn là bài tập thể dục hiệu quả, một hoạt động thể chất vừa phải với các động tác đa dạng như như khom lưng, nâng, kéo, bê, đứng, ngồi, quỳ.. Thay vì việc ra đường đi bộ vừa nguy hiểm vừa phải hít thở bầu không khí không mấy trong lành thì chị Thảo có thể vận động ngay trong nhà mình, với cây cối xanh tươi xinh đẹp xung quanh. Làm vườn là một cách tập thể dục nhưng lại mang đến giá trị, đó chính là nguồn rau sạch cho cả gia đình.
2. Làm vườn tăng cường hệ miễn dịch, giúp giảm bớt các triệu chứng hen suyễn, dị ứng, vảy nến…
3. Làm vườn giảm stress. Bởi khung cảnh yên bình với cây cối tốt tươi, mùi thơm cũng như màu sắc tươi tắn của những bông hoa khiến những căng thẳng của chị nhanh chóng tan biến, hơn thế nữa nó còn giúp cơ thể sản sinh ra rất nhiều hormone yêu đời (tích cực).
Làm vườn giúp cải thiện trí nhớ. Tiếp xúc nhiều với cây xanh có hiệu quả tốt trong điều trị chứng hay quên, giúp cải thiện trí nhớ đến 36%.
4. Làm vườn giúp gia đình chị Thảo có những bữa ăn chất lượng. Còn gì tuyệt vời hơn những bữa ăn với rau vô cùng tươi và sạch.
5. Có vườn vô cùng tiện lợi. Cần rau gì, đặc biệt là các loại rau gia vị, chỉ cần chạy ào ra vườn là có ngay. Buổi sáng bát mì tôm thêm nắm cải cúc vừa hái, lát bánh mì, trứng ốp la thêm vài lá mùi, xà lách cũng trở nên tuyệt hảo. Hạnh phúc nhất khi được chồng con ca ngợi món salad từ các loại rau trong vườn là món salad ngon nhất thế giới. Vì mọi người trong nhà đều biết trồng rau sạch vất vả và tốn kém như thế nào nên nhà chị Thảo không bao giờ lãng phí rau.
6. Hơn cả một vườn rau, đây chính là nơi vui chơi, nơi thư giãn của cả gia đình. Vườn cũng là nơi có thể dạy cho các con của chị Thảo rất nhiều điều, về thực vật, về động vật, về sự sống... Các con nhờ việc tham gia làm vườn cùng mẹ mà biết được những gì có lợi hay bất lợi, hình thành khái niệm nhân quả. Con chăm chút cái cây, cái cây sẽ sinh trưởng khỏe mạnh. Con chăm chỉ, con sẽ có những bữa ăn ngon. Cũng từ việc chăm sóc cây cối mà từ đó các con biết quý trọng sinh mệnh.
7. Hơn cả việc làm vườn, chị Thảo đúc rút ra được rất nhiều triết lý sống, đặc biệt là những triết lý trong việc giáo dục con cái. Làm vườn cũng giúp tớ cải thiện rất nhiều sức khỏe thể chất cũng như sức khỏe tinh thần.
Ảnh: NVCC
Hồng Nhung