(Tổ Quốc) - Họ là những bác sĩ trẻ, những người hy sinh bản thân, thậm chí cả gia đình để ra tiền tuyến chống dịch Covid-19 tại Vũ Hán. Tuy nhiên, sau vài tuần, họ đều nằm trên giường bệnh và trở thành bệnh nhân bên cạnh máy thở oxy.
Deng Danjing và Xia Sisi là hai người mẹ tuyệt vời nhất trong mắt con của họ. Trong vòng 2 tuần, họ từ các chuyên gia y tế khỏe mạnh trong tuyến đầu của dịch Covid-19 ở Vũ Hán, Trung Quốc đã trở thành những bệnh nhân nhiễm bệnh trong tình trạng nguy kịch.
Trong bối cảnh như hiện tại, thế giới vẫn đang vật lộn với sự nghiên cứu và tìm hiểu đầy đủ về chủng virus mới này, tìm hiểu về sự lây lan và nguồn gốc của nó. Đối với một số người, nó có thể được xem như một bệnh cảm lạnh thông thường nhưng với người khác, nó lại được xem là bệnh gây chết người, có khả năng tàn phá phổi, đẩy hệ miễn dịch vào trạng thái quá tải, phá hủy các tế bào khỏe mạnh.
Bác sĩ Xia (bên trái) và bác sĩ Deng (bên phải).
Lúc này, sự khác biệt giữa sống và chết phụ thuộc vào tình trạng sức khỏe, tuổi tác và khả năng đáp ứng điều trị, mặc dù không phải lúc nào cũng vậy.
Số phận của hai bác sĩ Deng và Xia đã phản ánh bản chất khó lường của virus này. Nó đã ảnh hưởng đến mỗi người theo một cách khác nhau, đôi khi vượt ngoài phạm vi thống kê và nghiên cứu khoa học. Cả bác sĩ Deng và Xia đều là những phụ nữ có hoàn cảnh giống nhau. Họ đều 29 tuổi, đã kết hôn và mỗi người đều có đứa con nhỏ.
Bác sĩ Deng làm việc 3 năm tại Bệnh viện số 7 ở Vũ Hán. Mẹ cô cũng là một y tá công tác tại đó. Trong thời gian rảnh rỗi, hai mẹ con thường đi coi phim và mua sắm cùng nhau. Hoạt động yêu thích của bác sĩ Deng là chơi với hai chú mèo cưng.
Bác sĩ Xia là một bác sĩ khoa tiêu hóa, cô cũng xuất thân từ một gia đình có truyền thống làm y tế. Khi còn nhỏ, cô thường cùng mẹ - một nhân viên y tá đi làm. Cô bắt đầu công tác tại bệnh viện Union Jiangbei ở Vũ Hán năm 2015. Xia là một trong những bác sĩ trẻ nhất của Khoa. Các đồng nghiệp luôn yêu mến Xia vì cô luôn vui vẻ và cười rất tươi.
Khi dịch Covid-19 bùng phát tại Trung Quốc, hai bác sĩ này đã bắt đầu lao ra tiền tuyến và làm việc trong nhiều giờ, điều trị cho hàng ngàn bệnh nhân trong sự miệt mài vô tận. Họ đã đề phòng và tự bảo vệ bản thân mình, nhưng vẫn không thể chống lại nổi sự lây nhiễm.
Cuối cùng, cả hai đành phải chấp nhận cho virus này xâm nhập vào phổi, gây sốt. Tại bệnh viện, họ từ những người khỏe mạnh đã trở thành bệnh nhân nhiễm bệnh, nhưng số phận trớ trêu đã không cho họ chung đường khi một người hồi phục còn một người thì trở nặng.
Hai thiên sứ áo trắng ngã gục
Bác sĩ Xia kết thúc ca đêm của mình vào ngày 14/1 sau khi cô chăm sóc nam bệnh nhân 76 tuổi, nghi ngờ nhiễm Covid-19. Năm ngày sau, bác sĩ Xia bắt đầu cảm thấy không khỏe và dần kiệt sức. Xia ngủ trưa ở nhà 2 tiếng sau đó kiểm tra nhiệt độ thì phát hiện mình sốt 38,8 độ C và cảm thấy tức ngực.
Vài tuần sau, khoảng đầu tháng 2, bác sĩ Deng đang chuẩn bị ăn tối tại văn phòng bệnh viện thì bắt đầu cảm thấy buồn nôn. Bỏ cảm giác khó chịu ấy sang một bên, Deng nghĩ rằng mình bị mệt mỏi vì quá nhiều việc. Sau đó, cô đã nghỉ ngơi một chút rồi đến khám cho những bệnh nhân dương tính và chỉ họ cách khử trùng. Bác sĩ Deng đã ép mình cố ăn để có sức rồi về nhà tắm. Một lúc sau, cô cảm thấy chao đảo chóng mặt và thiếp ngủ đi. Khi tỉnh dậy, cô phát hiện mình sốt 37,7 độ C.
Hai thiên sứ áo trắng khỏe mạnh đột ngột ngã gục trước sự lây nhiễm của Covid-19.
Trên thực tế, sốt là triệu chứng phổ biến nhất của việc nhiễm Covid-19. Thường 90% bệnh nhân đều có dấu hiệu này. Khoảng 1/5 bệnh nhân khác sẽ có dấu hiệu khó thở bao gồm ho và nghẹt mũi. Nhiều người khác cũng cảm thấy mệt mỏi, uể oải.
Sau khi phát sốt, cả hai bác sĩ đều đến bệnh viện gặp bác sĩ để kiểm tra. Theo kết quả kiểm tra chụp CT cho thấy, họ bị tổn thương phổi, một dấu hiệu rõ ràng chứng minh có thể họ bị nhiễm Covid-19, có ít nhất 85% bệnh nhân dương tính với SARS-COV-2 xuất hiện dấu hiệu này.
Chuyện gì đến rồi cũng sẽ đến, bệnh viện không còn chỗ trống nên bác sĩ Deng được đưa vào khách sạn cách ly để tránh lây nhiễm cho chồng và con gái 5 tuổi. Cô đã đổ mồ hôi suốt đêm. Tại một thời điểm nào đó, bắp chân cô còn co giật. Đến sáng khi Deng được đưa vào bệnh viện để lấy dịch ngoáy họng làm xét nghiệm.
Bác sĩ đã kết luận, Deng bị nhiễm Covid-19. Cô được chỉ định nghỉ ngơi tại phòng dành cho nhân viên rất nhỏ, có hai chiếc giường trẻ em được đánh số. Nữ y tá nằm giường số 28, bạn cùng phòng của Deng cũng là một nhân viên y tế bị lây chéo Covid-19.
Về phần bác sĩ Xia, cô được đưa vào điều trị tại bệnh viện Union Jiangbei và phải vật lộn với máy thở. Xia được đưa vào khu cách ly, được điều trị bởi các bác sĩ và y tá mặc đồ bảo hộ. Căn phòng điều trị ấy vô cùng lạnh lẽo.
Hai người cùng nhiễm bệnh nhưng lại là hai số phận khác nhau, sự sống và cái chết được ví như điện tâm đồ
Những ngày đầu nhập viện, bác sĩ Deng cố gắng giữ tinh thần lạc quan. Cô nhắn tin cho chồng, giục anh đeo khẩu trang ngay cả khi ở nhà, nhớ rửa bát và đũa bằng nước sôi, hoặc có thể vứt chúng đi sau khi dùng xong.
Chồng cô cũng gửi lại bức ảnh của một trong những con mèo cưng của họ. "Anh sẽ đợi em trở về", anh nói.
"Em nghĩ rằng sẽ mất khoảng 10 ngày, hoặc có thể là nửa tháng. Anh nhớ chăm sóc bản thân thật tốt nhé!", cô trấn an chồng.
Hiện tại vẫn chưa có cách nào để trị virus SARS-COV-2, nên các bác sĩ chỉ dựa vào việc kê đơn hỗn hợp thuốc kháng virus và một số loại khác để làm giảm triệu chứng của bệnh nhân.
Hình ảnh tin nhắn bên trái là cuộc đối thoại giữa bác sĩ Deng và chồng, bên phải là của bác sĩ Xia và chồng.
Bác sĩ Deng được sử dụng thuốc kháng virus arbidol, một loại thuốc chống virus được sử dụng điều trị cúm ở Nga và Trung Quốc; Tamiflu, một loại thuốc cảm cúng phổ biến trên thế giới và Kaletra, một loại thuốc HIV được cho là ngăn chặn sự lây lan của virus. Bác sĩ Deng đã uống ít nhất 12 viên thuốc mỗi ngày cùng một số thuốc Đông Y.
Mặc dù rất lạc quan, nhưng sức khỏe của Deng ngày càng yếu đi. Mẹ cô thường mang đồ ăn nấu tại nhà đến nhưng cô không buồn ăn. Để chăm sóc Deng, một y tá phải đến vào lúc 8 giờ 30 sáng để tiêm dinh dưỡng vào tĩnh mạch.
Bác sĩ Xia cũng bị bệnh nặng không kém gì bác sĩ Deng, nhưng dường như sức đề kháng của cô có khả năng chống lại căn bệnh này. Cơn sốt đã giảm sau vài ngày và cô bắt đầu cảm thấy dễ chịu hơn sau khi được gắn máy thở. Tinh thần của Xia dần được cải thiện đáng kể. Vào ngày 25/1, cô nói với đồng nghiệp rằng mình đang dần hồi phục.
"Tôi sẽ sớm quay lại với mọi người", cô nhắn trong group trên WeChat. "Chúng tôi đang chờ cô quay lại đây", một trong những người đồng nghiệp trả lời.
Vào đầu tháng 2, bác sĩ Xia hỏi chồng là anh Wu Shilei, cũng là một bác sĩ, liệu anh có nghĩ rằng cô có thể thở mà không cần máy trợ thở hay không? Anh đáp: "Em hãy thả lỏng thoải mái, đừng quá lo lắng". Chồng Xia nói rằng vào tuần sau cô có thể tháo ống thở ra. "Em luôn nghĩ mình có thể khỏe mạnh", cô nói với chồng.
Trên thực tế, những gì Xia tin đều có thể xảy ra, vì có nhiều bệnh nhân nhiễm Covid-19 đều hồi phục khỏe mạnh. Sau đó, Xia đã làm xét nghiệm lần hai với Covid-19 và kết quả là âm tính. Cô nói với mẹ dự kiến sẽ xuất viện vào ngày 8/2.
Về phần bác sĩ Deng, người cố gắng lạc quan từ những ngày đầu giờ không thể giả vờ vui vẻ được nữa. Cô bị nôn mửa, tiêu chảy và không ngừng run rẩy.
Cơn sốt của Deng đã tăng vọt lên 38,5 độ C so với ngày đầu nhập viện. Sáng sớm 5/2, Deng tỉnh dậy sau một giấc ngủ và cố gắng tìm thuốc uống để hạ nhiệt nhưng không thể. Deng đã khóc. Cô ấy nói rằng mình được phân loại vào diện bệnh nhân nguy kịch.
Ngày hôm sau, Deng nôn 3 lần, cảm thấy mình bị ảo giác, cô không còn ngửi hay nếm được gì, và nhịp tim của cô chậm lại khoảng 50 nhịp một phút. Trong một cuộc điện thoại, mẹ Deng đã cố trấn an cô rằng, cô còn trẻ và có sức khỏe tốt, hãy xem đây như một bệnh cảm thông thường, cô sẽ vượt qua thôi.
Dù vậy nhưng Deng vẫn không thể thoát khỏi nỗi sợ hãi ấy, cô viết trên mạng xã hội: "Tôi cảm giác như mình đang đứng bên bờ vực của cái chết".
Bác sĩ Deng và bác sĩ Xia, người hồi phục, người không thể qua khỏi.
Trong khi đó, bác sĩ Xia dường như đang hồi phục tích cực. Cô vẫn còn sợ. Việc xét nghiệm có thể bị lỗi, kết quả âm tính không chắc chắn rằng họ thật sự khỏe mạnh. Cô đã hỏi mẹ: "Nếu như con không qua khỏi, bố mẹ có thể chăm sóc đứa con 2 tuổi của con không?”. Để trấn an lòng Xia, mẹ cô hài hước đáp trả: “Thằng bé là con của con. Con không muốn nuôi nó nữa sao?".
Bác sĩ Xia cũng lo lắng cho chồng. Qua cuộc gọi video, cô luôn thúc giục anh đeo khẩu trang ngay cả ở nơi làm việc. Cô nói rằng hãy đợi cô trở về nhà an toàn. Anh cũng đáp lại: "Anh ở lại tiền tuyến đợi em bình phục".
Kết thúc cuộc gọi với chồng, tình trạng sức khỏe của bác sĩ Xia đột ngột xấu đi. Sáng sớm ngày 7/2, chồng cô vội vã đến phòng cấp cứu, mới hay tim vợ ngừng đập. Tình trạng của Xia đã làm chấn động bệnh viện vào 3 giờ sáng. Chủ tịch bệnh viện đã triệu tập chuyên gia từ khắp nơi trong thành phố. Họ gọi cho tất cả bệnh viện ở Vũ Hán để mượn máy oxy để giúp Xia phục hồi tim phổi.
Trong quá trình cấp cứu, tim bác sĩ Xia bắt đầu đập trở lại nhưng do nhiễm trùng trong phổi quá nghiêm trọng nên việc cấp cứu đã thất bại. Não của Xia bị thiếu oxy dẫn đến tổn thương và không thể hồi phục. Chẳng mấy chốc, thận của Xia ngừng hoạt động, các bác sĩ đã phải đưa cô đi lọc máu suốt đêm.
Bác sĩ Xia đã rơi vào tình trạng hôn mê và qua đời vào ngày 23/2. Cô là người đang đợi hồi phục từng ngày đã đột ngột rời khỏi thế giới này trong sự tiếc thương của gia đình và đồng nghiệp.
Con trai của bác sĩ Xia vẫn nghĩ rằng mẹ đang làm việc. Khi điện thoại reo lên, cậu bé cố nắm lấy từ tay bà ngoại và la lên: "Mẹ ơi, mẹ ơi". Chồng cô Xia không biết phải nói gì với con trai. Anh ấy phải đối mặt với cái chết của vợ. Họ vốn gặp nhau ở trường y và là mối tình đầu của nhau. Họ hứa rằng sẽ cùng nhau già đi nhưng giờ anh ấy phải trải qua những ngày tháng sau một mình.
"Tôi yêu cô ấy rất nhiều. Cô ấy đi rồi, tôi không biết làm gì nữa. Tôi chỉ có thể cầm cự thôi", anh nghẹn ngào.
Trong hầu hết các trường hợp, có những trường hợp cơ thể có khả năng tự chữa bệnh. Hệ thống miễn dịch tạo ra đủ kháng thể để loại bỏ virus trong người và bệnh nhân sẽ dần hồi phục. Bác sĩ Deng là một trong những trường hợp đó.
Sau 17 ngày nhập viện, sức khỏe của bác sĩ Deng dần hồi phục. Cô bắt đầu cảm thấy thèm ăn những món mẹ nấu. Vào ngày 10/2, cô đã bắt đầu tìm kiếm những hình ảnh thức ăn xiên que trên mạng xã hội và đăng chúng. Ngày 15/2, bác sĩ Deng nhận xét nghiệm lần hai thì nhận kết quả âm tính. Ba ngày sau, cô xuất hiện về nhà.
Bác sĩ Deng gặp mẹ mình một thời gian ngắn tại lối vào bệnh viện. Sau đó vì Vũ Hán bị phong tỏa nên không có taxi hay phương tiện giao thông công cộng nào, nên cô đã đi bộ về nhà một mình. "Tôi cảm thấy mình như chú chim bé nhỏ, được trả lại tự do", cô nói.
Tại nhà, cô phải tự cách ly 14 ngày. Chồng và con gái ở bên nhà bố mẹ. Về đến nhà, Deng vứt quần áo của mình, thứ mà cô đã mặc suốt trong thời gian ở bệnh viện. Cô đã tự vượt qua những ngày tháng đó bằng cách chơi với mèo, xem tivi. Cô nói đùa rằng có lẽ sẽ được nghỉ hưu sớm. Cô cũng thực hiện các bài tập hít thở sâu để luyện tập cho phổi khỏe mạnh, cơn ho cũng giảm dần.
Chính phủ Trung Quốc cũng kêu gọi những bệnh nhân nhiễm Covid-19 hồi phục hiến huyết tương. Bác sĩ Deng cũng liên lạc với hội chữ thập đỏ và sẽ quay lại bệnh viện hiến huyết tương ngay khi họ cho phép.
(Nguồn: NYTimes)
Jia You