(Tổ Quốc) - Trong khi sinh mổ lần 2, chị Phương Linh đã quyết định triệt sản để tránh thai.
Triệt sản là phương pháp tránh thai chưa phổ biến ở Việt Nam, thậm chí có nhiều cái nhìn sai lệch nên mọi người còn khá e dè. Nhưng cách đây ít hôm, câu chuyện vị Giám đốc 3 con đi triệt sản nam đã nhận được đông đảo sự chú ý và khiến nhiều người quan tâm hơn về phương pháp tránh thai này, thậm chí còn trở thành đề tài nóng sốt trên MXH.
Bên cạnh vấn đề triệt sản của cánh mày râu, nhiều chị em đã triệt sản nữ cũng hăng hái chia sẻ cảm nhận của bản thân để các mẹ bỉm sữa có cái nhìn cụ thể hơn về phương pháp này. Một trong số đó là chị Ngô Phương Linh (32 tuổi hiện đang sống ở Hà Nội), một bà mẹ 2 con đã triệt sản cách đây 10 tháng.
Chia sẻ những lý do dẫn đến quyết định triệt sản của bản thân, chị Linh đưa ra những gạch đầu dòng:
- Sức khỏe mình yếu, lắm bệnh tật. Bé đầu từ lúc bầu đến lúc mổ đẻ tăng có 2kg. Bé sau còn thảm hại hơn, không tăng cân nào, nghén đến tận lúc lên bàn mổ.
- Gia đình không có điều kiện kinh tế, mỗi lần bầu bí là lại nghỉ làm ở nhà, bao nhiêu gánh nặng kinh tế đều do một mình chồng lo.
- Mình dễ dính bầu. Sau bé đầu mình đặt vòng nhưng vẫn dính, phải bỏ vì đẻ mổ không thể bầu gần nhau quá được. Đến bé thứ 2 thì đã uống thuốc tránh thai rồi mà vẫn "dính".
- Tuổi tác cũng ngoài 30 rồi nên nếu lỡ có vấn đề gì thì cũng đành chịu, vì cứ để lỡ thì không có sức mà đẻ, và đâu phải cứ đẻ ra là xong.
- Mọi người hay lo triệt sản xong sẽ thành "đàn ông", nhưng bản thân mình bình thường cũng không mặn mà chuyện "chăn gối", nên cũng không phải đắn đo nhiều.
- Tiện thể sinh mổ lần 2 nên mình triệt sản luôn trong lúc mổ, còn nếu không thì ông xã của mình sẽ là người đi triệt sản.
Khi đã tìm hiểu và thống nhất với chồng, hôm mổ đẻ lần 2, chị Linh đăng ký triệt sản luôn. Các bác sĩ khá bất ngờ khi nghe chị nói muốn triệt sản và còn hỏi đi hỏi lại xem có thay đổi quyết định hay không. Sau đó, hai vợ chồng chị Linh ký vào giấy xác nhận.
Quá trình triệt sản diễn ra cùng lúc với việc mổ đẻ nên chị Linh không có cảm nhận gì nhiều, chỉ thấy ca mổ lâu hơn bình thường một chút và không đau đớn. Cũng vì triệt sản cùng lúc với sinh mổ nên chị không mất thêm chi phí nào.
Hiện tại, bé thứ 2 nhà chị Linh đã được 10 tháng tuổi, đồng nghĩa với việc chị đã triệt sản được 10 tháng. Khoảng thời gian đó đủ dài để bà mẹ 2 con cảm nhận được những ưu, nhược điểm của việc triệt sản.
Kể về những sự thay đổi của cơ thể sau khi triệt sản, chị Linh thẳng thắn cho hay: "Thứ nhất về vấn đề tinh thần, có lẽ do không lo chuyện "dính" bé nữa nên mình cảm thấy thoải mái, vui vẻ hơn. Thứ 2, chuyện vợ chồng của mình được cải thiện, đỡ "khô hạn" hơn trước, cũng đỡ bị viêm nhiễm, lông nách mọc ít hơn. Tuy nhiên có một nhược điểm là không biết có phải thoải mái quá không mà mình đang bị tăng cân khá nhiều".
Cuối cùng, chị Linh khẳng định chị thấy quyết định triệt sản của mình là đúng, và nếu biết trước thế này thì đã triệt sản sớm hơn.
Trên đây chỉ là những cảm nhận cá nhân của chị Linh về vấn đề triệt sản nữ để chị em tham khảo. Triệt sản nữ không phải là phương pháp dành cho tất cả mọi người. Biện pháp này không có chống chỉ định tuyệt đối, nhưng trước khi thực hiện triệt sản nữ, chị em cần xem xét, suy nghĩ kỹ càng và thận trọng.
Trước câu hỏi "đã thắt ống dẫn trứng thì có tháo được không?", các bác sĩ cho rằng vẫn có cách tháo ống dẫn trứng đã thắt và thủ thuật này được gọi là tái thông tai vòi của buồng trứng. Trong đó, vòi trứng sẽ được nội soi tháo nút thắt hoặc vi phẫu nối liền lại để phụ nữ có thể mang thai và sinh con thêm lần nữa.
Tuy nhiên, các bác sĩ sẽ phải dựa vào một số yếu tố sau đây trước khi đồng ý chỉ định ca phẫu thuật tái thông ống dẫn trứng cho nữ bệnh nhân: Tuổi tác, phương pháp thắt ống dẫn trứng đã thực hiện trước đây, sức khỏe tổng thể, tình trạng chung của buồng trứng, tử cung, ống dẫn trứng, chiều dài của vòi trứng còn lại, tiền sử thai kỳ...
Minh Phương