(Tổ Quốc) - 5 năm đầu đời của trẻ là thời điểm cực kỳ quan trọng, khi những kết nối não bộ đang phát triển vô cùng nhanh chóng.
Trẻ xem nhiều tivi điện thoại, trí não chậm phát triển
Theo một nghiên cứu được công bố trên tạp chí y khoa JAMA Pediatrics, các nhà khoa học Hoa Kỳ đã sử dụng kỹ thuật chụp não và phát hiện thấy, chất trắng trong não của những trẻ dành hàng giờ trước màn hình không phát triển nhanh như những đứa trẻ khác. Chất trắng của não chính là nơi phát triển ngôn ngữ, các kỹ năng đọc viết khác và quá trình kiểm soát tinh thần cũng tự điều chỉnh.
"Theo chúng tôi, sự phát triển của những kỹ năng này thực sự phụ thuộc vào chất lượng của trải nghiệm, chẳng hạn như tương tác giữa trẻ với mọi người, với thế giới và việc vui chơi", Tiến sĩ John Hutton - trưởng nhóm nghiên cứu kiêm giám đốc Trung tâm Khám phá Đọc và Đọc viết, Bệnh viện Nhi Cincinnati (Hoa Kỳ) - giải thích.
Ông khẳng định thêm, 5 năm đầu đời là thời điểm cực kỳ quan trọng, khi những kết nối não bộ này đang phát triển vô cùng nhanh chóng.
"Một số thiết bị màn hình có thể cung cấp sự kích thích không phải tối ưu để củng cố sự kết nối của các sợi trong não và các kỹ năng mà chúng hỗ trợ, như kỹ năng ngôn ngữ và khả năng đọc viết sớm".
Mặc dù tivi đã xuất hiện từ nhiều thập kỷ nay, Tiến sĩ Hutton chỉ ra rằng, sự bùng nổ gần đây của các thiết bị màn hình cầm tay đã làm tăng đáng kể thời gian trẻ em dành cho chúng.
Tiến sĩ Hutton và các đồng nghiệp đã thực hiện chụp cộng hưởng từ não bộ của 47 trẻ, độ tuổi 3-5. Các em đồng thời thực hiện các bài kiểm tra để đánh giá kỹ năng nhận thức, tư duy của mình.
Trong khi đó, phụ huynh được yêu cầu hoàn thành bảng câu hỏi xác định ScreenQ. Đây là chỉ số cho biết con cái họ đã dành bao nhiêu thời gian xem màn hình và mức độ tuân thủ các khuyến nghị của Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ AAP đến đâu.
Các nhà nghiên cứu nhận thấy, điểm số ScreenQ càng cao, khả năng nhanh chóng gọi tên các đối tượng (đơn vị đo tốc độ xử lý thần kinh) của trẻ càng thấp và kỹ năng đọc viết phát triển của trẻ càng thấp.
Ngoài ra, điểm số ScreenQ cao hơn gắn liền với sự chậm trễ trong quá trình phát triển chất trắng, cụ thể là quá trình cho phép các xung thần kinh di chuyển nhanh hơn trong toàn bộ não.
Tuổi càng lớn, não trẻ càng khó thay đổi
Tiến sĩ Hutton tin rằng, bộ não đang phát triển của trẻ cần các kích thích của người khác và thế giới thực để phát huy hết tiềm năng. "Trẻ nhỏ thực sự phụ thuộc vào mối quan hệ với mọi người, vào việc tương tác với thế giới và vận dụng tất cả các giác quan của mình. Cha mẹ càng giữ cho trẻ tránh xa màn hình thuở nhỏ và để chúng tương tác với mọi người trong thế giới thực thì càng tốt".
Tuổi càng lớn thêm thì não càng khó thay đổi hơn. Reshma Naidoo, giám đốc khoa học thần kinh nhận thức tại Bệnh viện Nhi Nicklaus (Miami), bày tỏ, xem màn hình mang tính thụ động không tốt cho việc phát triển não bộ: "Từ quan điểm của tôi, vấn đề lớn nhất mà chúng ta đang gặp phải là trẻ em thiếu rất nhiều sự gắn kết xã hội. Chúng ta bắt đầu chứng kiến ngày càng nhiều trẻ có biểu hiện rối loạn hành vi và chúng đặc biệt nhạy cảm với những gì xem được từ các phương tiện truyền thông".
Điều quan trọng là cha mẹ cần làm gương cho con cái: "Chúng ta cần chuyển hướng sự tập trung của trẻ và kết nối với con nhiều hơn. Những bậc phụ huynh cho con xem màn hình nên kết hợp tương tác với trẻ thay vì làm cho hoạt động này trở nên thụ động. Tuy nhiên, tôi vẫn thực sự khuyên các bạn nên hạn chế thời gian cho các thiết bị này", Naidoo nhấn mạnh.
Viện Nhi khoa Hoa Kỳ (AAP) khuyến nghị:
- Trẻ em dưới 18 tháng tuổi không nên tiếp xúc với màn hình.
- Từ 18 đến 24 tháng, nếu cho trẻ xem, cha mẹ cần lựa chọn những chương trình chất lượng cao phù hợp với lứa tuổi và cha mẹ phải xem cùng con.
- Đối với trẻ từ 2 đến 5 tuổi, thời gian xem màn hình nên được giới hạn ở mức 1 giờ mỗi ngày và cha mẹ nên xem các chương trình cùng trẻ. Ngoài ra, cha mẹ nên quy định những khoảng thời gian tắt các thiết bị này và không để chúng trong phòng ngủ.
Nguồn: WebMD, HealthDay
Huyền Nguyễn