(Tổ Quốc) - Để trẻ mẫu giáo có thể tiếp thu phương pháp Montessori hiệu quả, bố mẹ nên chuẩn bị trước cho trẻ những kỹ năng mềm dưới đây.
Montessori là tên phương pháp giáo dục hiện đại do Tiến sĩ, nhà Giáo dục học Maria Montessori sáng lập vào thế kỷ 20. Hiểu một cách đơn giản thì đây là phương pháp giáo dục trẻ bằng việc học tập thông qua các giáo cụ trực quan như tranh ảnh, biểu đồ, sơ đồ lớn, loa, phim ảnh,…
Khác với phương pháp giáo dục truyền thống, phương pháp Montessori lấy trẻ làm trọng tâm và chú trọng vào việc khai thác tiềm năng sẵn có.
Theo Tiến sĩ Maria Montessori, độ tuổi thích hợp nhất cho trẻ học phương pháp Montessori là từ 2 tuổi rưỡi đến 3 tuổi. Theo đó, đây là khoảng thời gian trẻ có thể dễ dàng tiếp thu thông tin từ môi trường xung quanh và bắt đầu hình thành trí thông minh.
Đây cũng chính là độ tuổi trẻ đi học mẫu giáo. Để trẻ có thể tiếp thu phương pháp Montessori hiệu quả, bố mẹ nên chuẩn bị trước cho chúng những kỹ năng sau:
1. Học các kỹ năng cơ bản
Các nhà giáo dục Montessori khuyến khích trẻ nên học các kỹ năng phát triển cơ thể trước khi đi mẫu giáo. Chẳng hạn như nói chuyện, đi bộ, đi xe đạp, bơi lội,… Về thời điểm thì bố mẹ có thể cho trẻ học ngay từ khi mới sinh hoặc mới biết đi. Tất nhiên, ở độ tuổi quá nhỏ, trẻ chưa thể nhận thức rõ ràng về những thứ được học.
Nhưng việc lặp đi lặp lại các kỹ năng sẽ hình thành thói quen cho trẻ. Bên cạnh đó, bố mẹ có thể quan sát lúc trẻ chơi để tạo cơ hội tiếp xúc và xây dựng các kỹ năng, phát triển sở thích.
2. Cho trẻ số lượng đồ chơi phù hợp
Bố mẹ không nên mua cho trẻ quá nhiều đồ chơi, mà thay vào đó, chỉ đưa số lượng ít dưới 8 món để trẻ có thể lựa chọn những gì thực sự thích. Những món đồ chơi của trẻ nên được lựa chọn với mục đích rõ ràng.
Khi tham gia chơi cùng, bố mẹ nên yêu cầu trẻ trân trọng món đồ chơi. Điều này có thể góp phần xây dựng thái độ kiên trì, tính hòa đồng và gắn kết ở trẻ.
Các nhà giáo dục Montesssori cho rằng, những món đồ chơi cần sự tư duy, lắp ghép sẽ giúp trẻ học được nhiều điều hơn là những món đồ chơi chỉ có vẻ hào nhoáng bên ngoài, hay đơn thuần chỉ phục vụ mục đích giải trí.
Các món đồ chơi yêu cầu sự tư duy sẽ giúp trẻ hình thành các kỹ năng giải quyết vấn đề, trải nghiệm xã hội và khám phá được nhiều hơn.
3. Luyện tập các kỹ năng mềm
Các kỹ năng mềm là những điều vô cùng thiết yếu trong cuộc sống mỗi chúng ta và việc cho trẻ học những kỹ năng này từ khi còn nhỏ là vô cùng cần thiết.
Bố mẹ có thể dạy cho trẻ về sự tự tin, độc lập, tự chăm sóc bản thân,… Tất cả những điều này sẽ giúp quá trình học tập ở trường lớp của trẻ sau này suôn sẻ hơn.
Điều quan trọng là khi dạy các kỹ năng mềm cho trẻ, bố mẹ cần kiên nhẫn và tạo không gian thoải mái để trẻ học tập.
4. Dạy trẻ tự ăn uống
Bố mẹ nên dạy trẻ cách tự ăn uống trước khi đi học. Để trẻ tập trung ăn, bố mẹ nên loại bỏ những vật gây phiền nhiễu như điện thoại, tivi, máy tính bảng,… Bố mẹ cũng không nên cáu giận khi trẻ ăn cơm lâu mà phải tạo một bầu không khí thoải mái trong bữa ăn.
Điều này sẽ giúp trẻ hấp thụ chất dinh dưỡng tốt hơn. Khi trẻ lớn hơn, bố mẹ hãy dạy chúng cách cầm đũa, và cả tiết tấu nhai thức ăn. Bên cạnh đó, bố mẹ có thể cho trẻ tham gia vào quá trình dọn mâm bát, sắp xếp đũa và dọn dẹp sau khi ăn.
5. Dạy trẻ ngôn ngữ
Bố mẹ có thể dạy ngôn ngữ cho trẻ bằng cách đọc sách, hát và trò chuyện với trẻ. Ngay từ khi còn nhỏ, bố mẹ nên cho trẻ tiếp xúc với ngôn ngữ càng nhiều càng tốt. Điều này không chỉ giúp trẻ học ngôn ngữ nhanh hơn mà còn xây dựng vốn từ phong phú và sự tự tin.
Trong quá trình dạy, bố mẹ hãy để ý dùng từ cho thật chuẩn và đúng chính tả. Khi trẻ nói sai, bố mẹ không nên bắt lỗi vì điều đó có thể khiến trẻ mất tự tin, nhụt chí khi học. Thay vào đó, bố mẹ nhắc lại từ đó thật tự nhiên trong câu trả lời để trẻ nghe thấy và tự điều chỉnh.
Bên cạnh đó, các thành viên trong nhà nên sử dụng từ ngữ nhất quán để giúp trẻ dễ dàng kết nối khi học ngôn ngữ.
6. Khuyến khích trẻ học tập bằng cách trải nghiệm
Trước khi trẻ vào mẫu giáo, việc học tập sẽ được trẻ thực hiện, trải nghiệm thông qua các giác quan. Vì thế nên bố mẹ hãy chủ động tạo ra các tình huống cho con học tập.
Chẳng hạn bố mẹ đưa con đi ra công viên chơi để nhìn thấy cỏ cây, hoa lá thật sự, thay vì chỉ nhìn thấy trên sách vở, tranh ảnh.
7. Tạo thói quen sinh hoạt cho trẻ ở nhà như khi đi học
Ở nhà, bố mẹ cũng hãy lập thời gian biểu ăn, ngủ, nghỉ, chơi giống như khi ở trường mẫu giáo mà trẻ theo học. Trẻ có khả năng thích nghi nhanh chóng nên khi đã luyện tập ở nhà nhiều lần, chúng sẽ sớm quen với môi trường mẫu giáo. Tốt nhất, bố mẹ hãy dành ra một vài tuần rèn cho trẻ thói quen này trước khi cho trẻ đi học.
Thanh Hương