Trẻ dậy thì sớm đa số là các bé gái, các mẹ có con gái nhất định phải biết điều này để phòng tránh cho con

(Tổ Quốc) - Trong số khoảng 10 trẻ dậy thì sớm, có đến 8 trẻ là bé gái và chỉ có 2 bé trai, một số nơi thống kê cho thấy tỉ lệ này còn chênh lệch ở mức 20 trẻ gái dậy thì sớm mới có 1 bé trai bị.

Trẻ em gái có ngực phát triển trước 8 tuổi và có kinh nguyệt trước 10 tuổi; trẻ em trai có bộ phận sinh dục phát triển, râu dài, quả táo ở cổ nhô ra và thay đổi giọng nói trước 9 tuổi... được coi là những dấu hiệu dậy thì sớm.

Hầu hết trẻ dậy thì sớm là trẻ em gái và rất ít trẻ em trai. Theo thống kê, trong số 10 trẻ dậy thì sớm thì phải có đến 8 trẻ là con gái, chỉ có 2 bé trai. Tại sao lại có sự chênh lệch lớn như vậy?

Tỉ lệ bé gái dậy thì sớm cao hơn bé trai

Sự tăng trưởng và phát triển của cơ thể con người được điều chỉnh bởi hệ thống thần kinh trung ương của não. Có một "công tắc" kiểm soát sự phát triển tuổi của trẻ trong não của chúng ta gần với vùng dưới đồi. Khi tuổi càng lớn (bé gái 11-13 tuổi và bé trai 12-14 tuổi), "công tắc" phát triển của tuổi sẽ nhận được lệnh "mở" từ hệ thần kinh trung ương.

Một khi "công tắc" phát triển tuổi được kích hoạt, vùng dưới đồi sẽ bắt đầu tiết ra hormone giải phóng gonadotropin. Hormone giải phóng gonadotropin hoạt động trên tuyến yên, sau đó nó hoạt động trên tuyến sinh dục (tinh hoàn hoặc buồng trứng), kích thích chúng sản xuất và tiết ra một lượng lớn hormone sinh dục, thúc đẩy sự phát triển của cơ thể và khiến cơ thể trẻ có những thay đổi rõ nét ở các bộ phận sinh dục, chẳng hạn như ngực phát triển, râu dài, quả táo Adam nổi rõ ở cổ...

Nguyên nhân khiến các bé gái dễ dậy thì sớm được quyết định bởi đặc điểm tâm sinh lý của trẻ. Sự phát triển trục dưới đồi - tuyến yên - tuyến sinh dục của các bé dễ bị kích thích bởi các yếu tố bên ngoài nên dẫn đến trẻ dễ bị dậy thì sớm.

Trẻ dậy thì sớm đa số là các bé gái, các mẹ có con gái nhất định phải biết điều này để phòng tránh cho con - Ảnh 1.

Tỉ lệ bé gái dậy thì sớm luôn cao hơn nhiều so vo với các bé trai (Ảnh minh họa).

Điều gì khiến càng nhiều trẻ bị dậy thì sớm?

Trong những năm gần đây, thực phẩm chiên rán nhiều dầu mỡ luôn nằm trong danh sách các loại thực phẩm nguy cơ gây dậy thì sớm. Ngoài ra, có thể kể đến một số loại thực phẩm khác như thịt gia cầm được nuôi bằng thức ăn công nghiệp chứa hormone tăng trưởng nhanh, rau củ quả trái mùa, thực phẩm chế biến sẵn và một số loại đồ uống... Như vậy có thể coi thực phẩm chính là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra tình trạng ngày càng nhiều trẻ bị dậy thì sớm.

Vì vậy, việc trẻ ăn bất cứ thứ gì vào người, dù là trẻ gái hay trẻ trai cha mẹ cũng cần lưu ý vì nó có nguy cơ dẫn đến dậy thì sớm nếu không được kiểm soát.

Đưa trẻ đi khám khi bé gái đã xuất hiện kinh nguyệt là quá muộn

Dậy thì sớm ảnh hưởng trực tiếp đến chiều cao của trẻ và mỗi giai đoạn cũng tác động lên chiều cao của trẻ khác nhau. Nói chung, nếu bố mẹ chỉ đưa con đi khám khi trẻ đã xuất hiện kinh nguyệt là quá muộn bởi chỉ 2 năm từ sau khi xuất hiện kinh nguyệt, khả năng trẻ cao hơn là rất thấp.

Vậy nên đưa trẻ đi khám khi nào? Theo các bác sĩ, khi cha mẹ phát hiện con gái mình có hiện tượng phát triển ngực trước 8 tuổi, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ kịp thời và càng sớm càng tốt.

Trẻ dậy thì sớm đa số là các bé gái, các mẹ có con gái nhất định phải biết điều này để phòng tránh cho con - Ảnh 2.

Tiêm hormone có thể trì hoãn dậy thì sớm hay không?

Một trong những biện pháp để điều trị dậy thì sớm là tiêm hormone ức chế tình trạng này. Đối với từng trường hợp, bác sĩ sẽ thăm khám và tư vấn cho phụ huynh về những mặt được - mất khi tiêm hormone kìm hãm quá trình dậy thì sớm.

Hormone này sẽ có tác dụng ức chế sự phát triển của tuyến sinh dục, làm giảm lượng hormone sinh dục được tiết ra, làm chậm quá tăng trưởng của xương và ngăn ngừa tình trạng thấp lùn của trẻ ở tuổi trưởng thành. Sau một thời gian điều trị, bác sĩ sẽ chỉ định giảm hoặc ngừng tiêm thuốc thì lúc đó tuyến sinh dục sẽ phục hồi, phát triển bình thường như các trẻ cùng tuổi khác.

Tuy nhiên, quá trình tiêm hormone trì hoãn dậy thì sớm kéo dài ít nhất 2 - 3 năm, đòi hỏi các bố mẹ tốn kém thời gian và tiền bạc. Ngoài ra, nó cũng có những ảnh hưởng nhất định như thay đổi nội tiết tố, một số tác dụng phụ như đau đầu, nhiễm trùng chỗ tiêm... Vì thế, bố mẹ cần quan tâm đến con và phát hiện thật sớm các dấu hiệu dậy thì sớm, đưa trẻ đi thăm khám kịp thời để tránh phải tiêm loại thuốc này.

Đo tuổi xương của trẻ là yếu tố quan trọng để xác định dậy thì sớm

Dậy thì sớm đồng nghĩa với việc sự phát triển của xương bị đóng lại sớm. Bình thường, tuổi thực và tuổi xương ngang bằng nhau nhưng trẻ dậy thì sớm thì tuổi xương sẽ lớn hơn tuổi thực. Thời gian đầu khi mới dậy thì, những trẻ dậy thì sớm sẽ cao lên rất nhanh, nhiều bố mẹ vui mừng vì con cao lớn hơn hẳn các bạn cùng tuổi. Nhưng chỉ 2 - 3 năm sau, sự phát triển chiều cao của trẻ dừng lại, trong khi lúc ấy các bạn cùng trang lứa mới bước vào tuổi tăng trưởng chiều cao mạnh mẽ. Tuổi xương "già" hơn, các đầu xương gần như bị đóng lại, trẻ không còn cơ hội cao lớn hơn nữa. Do vậy, trẻ dậy thì sớm thường thấp hơn các bạn cùng tuổi và không đạt được chiều cao tối đa.

Thống kê trung bình trẻ dậy thì sớm ở thể trung ương sẽ có chiều cao khi trưởng thành thấp hơn các bạn khác khoảng 12cm (ở nữ giới) và 20cm (ở nam giới). Nếu được điều trị và tiêm thuốc kịp thời, trẻ sẽ được cải thiện chiều cao từ 8 - 10cm.

Ngọc Phạm

Tin mới