(Tổ Quốc) - Lý do đưa ra khiến hội chị em gật đầu lia lịa vì không thể hợp lý hơn.
Thông thường, trẻ hay bắt chước và nói theo những từ đơn giản như ''ba'', ''bà'', ''măm''... Thấy con nói được từ đầu tiên hẳn bố mẹ nào cũng mừng vui khôn xiết. Bà mẹ trong đoạn clip dưới đây cũng vậy, tuy nhiên hai mẹ con lại có sự tranh cãi trong việc cháu biết nói từ gì trước.
Trong khi người mẹ quả quyết ''con sinh ra nó, nuôi dưỡng nó. Nửa đêm dậy thay tã là con, cho ăn cho bú cũng là con, thằng bé gọi mẹ trước thì đã sao ạ'', thì mẹ chồng khăng khăng ''nó phải biết gọi ba trước, như thế mới đúng đạo lý. Gọi bố trước là truyền thống của nhà này rồi''.
Cách giải thích của mẹ chồng khiến không chỉ con dâu mà ai nấy nghe xong đều bực tức, ''đạo lý'' này không biết từ đâu mà ra. Tuy nhiên, cậu bé thấy từ này có vẻ dễ gọi nên liên tục ''ba, ba'' khiến mẹ chồng cực kỳ mừng.
Trẻ con sinh ra phải biết gọi ba trước
Thế nhưng bước ngoặt của câu chuyện là đây. 2h sáng bỗng dưng bé trai tỉnh dậy và liên tục gọi ba. Thế là cực chẳng đã, cả nhà lăn ra ngủ còn người bố thì phải dậy cho con ăn. Màn quay xe khét lẹt khiến ai nấy ôm bụng cười. Hoá ra người mẹ chồng này rất thương con dâu chứ không phải ghét bỏ như nhiều người đã hiểu lầm.
''Nghe thì vô lý nhưng lại rất thuyết phục'', ''con dâu còn non lắm, phải nghe lời vì mẹ chồng nhiều kinh nghiệm hơn mà'', ''mẹ chồng đỉnh quá, phải bắt chước mới được'', ''hợp lý vô cùng, lại còn đáng yêu''... cư dân mạng chia sẻ.
Dĩ nhiên đoạn clip trên chỉ là vui vẻ một chút thôi, còn trên thực tế, nhiều bé thường sẽ biết gọi ''ba, bà'' trước mẹ bởi từ này dễ phát âm hơn. Từ mẹ khá khó nên khoảng ngoài 1 tuổi trở đi bé mới bắt đầu nói được. Dẫu vậy thì dù con nói được từ nào cũng vẫn đáng yêu phải không các mẹ.
Trên thực tế, bước vào tháng thứ 6, bé bắt đầu bập bẹ với những âm thanh khác nhau. Ví dụ, trẻ có thể nói "ba-ba" hoặc "da-da." Đến cuối tháng thứ 6 - 7, các bé có thể phản hồi khi được gọi tên của chính mình, nhận ra ngôn ngữ mẹ đẻ và sử dụng giọng nói để bày tỏ cảm xúc vui hay buồn. Nhiều bậc phụ huynh thường háo hức diễn giải một số tiếng mà trẻ đang bập bẹ, ví dụ như “ma-ma” chính là từ "mẹ ơi". Tuy nhiên bé tập nói bập bẹ ở độ tuổi này thường tạo ra những từ ngẫu nhiên bởi các âm tiết đơn giản mà không có ý nghĩa hoặc thực sự hiểu.
Hầu hết các bé sẽ nói một vài từ đơn giản như "ma-ma", "ba-ba" khi được 1 tuổi và đã hiểu biết những gì mình đang nói. Trẻ sẽ trả lời - hoặc ít nhất là hiểu, các yêu cầu ngắn của bạn (có thể tuân theo hoặc không), chẳng hạn như "Không! Bỏ cái đó xuống".
San San