(Tổ Quốc) - Trẻ chậm nói có xu hướng gia tăng trong đại dịch COVID-19. Nếu không được can thiệp và giúp đỡ sớm, trẻ sẽ gặp nhiều hệ lụy trong tương lai.
Nhiều trẻ chậm nói do ảnh hưởng của dịch COVID-19
Bé L. Anh được mẹ cho đi học từ khi mới 18 tháng tuổi. Lúc đó, bé đã có thể nói được một số từ đơn. Từ thời điểm 30/4, các trường mầm non phải tạm nghỉ học do dịch, bé L.Anh ở nhà với ông bà. Suốt mấy tháng qua, bé không nói thêm được nhiều từ, không thể nói được một câu nhiều từ cho dù đến nay bé đã được 28 tháng. Mẹ cho biết ở nhà, ông bà thường bật tivi cho bé xem, cứ bật ti vi bé mới ngồi yên.
Nhiều nghiên cứu chỉ ra, trẻ có khả năng học tới 2100 từ trong vòng 1 phút. Tuy nhiên, một điều nghịch lý là ngày càng nhiều trẻ em có biểu hiện chậm nói.
Theo dữ liệu mới nhất từ UNICEF, cứ 7 em thì có ít nhất 1 em trong tổng số trẻ em trên toàn cầu bị ảnh hưởng trực tiếp bởi các đợt phong tỏa. Hơn 1,6 tỷ trẻ em phải hứng chịu những thiệt hại nhất định về giáo dục do ảnh hưởng trực tiếp bởi các đợt phong tỏa do dịch COVID-19.
Những rối loạn tâm thần của trẻ mắc phải do dịch được chẩn đoán bao gồm: chậm nói, rối loạn tăng động giảm chú ý, lo âu, tự kỷ, rối loạn lưỡng cực, rối loạn cư xử, trầm cảm, rối loạn ăn uống, khuyết tật trí tuệ và tâm thần phân liệt.
Tại Việt Nam, dịch COVID-19 khiến một số địa phương phải đóng cửa các trường mầm non nhiều tháng qua. Trẻ phải giãn cách ở nhà không được đến trường, tiếp xúc với thiết bị điện tử như Ipad, điện thoại, tivi nhiều hơn. Theo nghiên cứu của TS. Heuvel, BV Nhi, Canada, thiết bị điện tử có thể liên quan đến khoảng 50% nguy cơ chậm nói và ít giao tiếp ở trẻ.
Chuyên gia tâm lý giáo dục Nguyễn Văn Hòa - Giám đốc một Trung tâm nghiên cứu Ứng dụng tâm lý giáo dục cho biết, tại trung tâm, mỗi ngày tiếp nhận khoảng 70 trường hợp tới khám và tư vấn qua điện thoại về rối loạn sức khỏe tâm thần thì có 90% trẻ có biểu hiện chậm nói. Số phụ huynh gọi điện tới Trung tâm tư vấn có con chậm nói rơi vào độ tuổi trung bình từ 18 tháng – 32 tháng.
Trẻ bị chậm nói có biểu hiện: Nói không rõ lời, diễn đạt khó khăn, nói nhại lời hoặc nói lắp, nói ngược, nói ngọng. Mức độ phát triển ngôn ngữ của trẻ bị chậm so với cột mốc phát triển. Trẻ tới 2, 3 tuổi mà vẫn chỉ nói được 1 hoặc 2 từ đơn.
Theo chuyên gia tâm lý giáo dục Nguyễn Văn Hòa, khi khả năng ngôn ngữ chậm dẫn tới một số kĩ năng khác cũng bị hạn chế theo (thu mình, không muốn tiếp xúc với thế giới xung quanh, nhút nhát, không tự tin) và có thể ảnh hưởng chỉ số IQ, chỉ số cảm xúc. Tình trạng này kéo dài sẽ khiến trẻ phải đối mặt với nguy cơ tăng động, giảm chú ý, tư duy logic ngôn ngữ của trẻ bị hạn chế, thậm chí tự kỷ.
Đồng quan điểm này, nghiên cứu của tác giả Maura R Mclaughlin - Trường Y thuộc Đại học Virginia, Hoa Kỳ (năm 2011) cũng chỉ ra: Chậm phát triển ngôn ngữ ở trẻ làm gia tăng những khó khăn, hạn chế hơn năng lực đọc, viết, chú ý và đặc biệt là khả năng hòa nhập xã hội của trẻ.
Kiềng "3 chân" giải quyết tình trạng chậm nói của trẻ
Để giải quyết tình trạng chậm nói của trẻ, các chuyên gia đã đưa ra giải pháp "kiềng 3 chân" gồm sinh hoạt điều độ, tăng tương tác, dinh dưỡng.
Theo chuyên gia tâm lý giáo dục Nguyễn Văn Hòa, ngay từ 4 - 6 tháng bố mẹ đã cần theo sát sự phát triển ngôn ngữ của con bởi trẻ bắt đầu ê a, thậm chí có những trẻ ở giai đoạn này nói được những từ như "bà, mẹ, ti…". Tuy nhiên đây là âm ngữ chứ không phải ngôn ngữ, trẻ không nói lại được khi có yêu cầu. Nếu thấy con chậm hơn các bạn đồng trang lứa, gia đình nên có các biện pháp để giúp đỡ con như điều chỉnh cách tương tác với bé.
Cha mẹ cần phát hiện con chậm nói trong khoảng từ 15 – 32 tháng và đưa con tiến hành các biện pháp can thiệp phù hợp. Nếu trẻ chậm nói, trước tiên, cần đưa trẻ đi khám sàng lọc cơ quan tiếp nhận, xử lý thông tin và sản sinh lời nói (thính giác, tai, mũi, hầu, họng, thanh quản, lưỡi) rồi sau đó kiểm tra về tâm lý của trẻ.
Theo chuyên gia tâm lý giáo dục Nguyễn Văn Hòa, điều quan trọng là cha mẹ cần tăng tương tác với trẻ. Thực tế 3 năm đầu đời đứa trẻ đã đạt trên 50% những kĩ năng nền móng căn bản của cuộc đời.
Cha mẹ nên tạo điều kiện để trẻ tương tác. Ở nhà bố mẹ thường đoán trước và đáp ứng hết những yêu cầu của trẻ mà không để cho trẻ có cơ hội đòi hỏi yêu cầu của mình qua lời nói. Đồng thời thay đổi những thói quen sinh hoạt xấu như xem ti vi quá nhiều, ăn ngủ không theo thời gian nhất định, ít tiếp xúc với môi trường bên ngoài…
Cùng với đó, cha mẹ cần chú ý chế độ dinh dưỡng cho trẻ. Phụ huynh không nên cho trẻ ăn nhiều thực phẩm chế biến sẵn, bữa ăn của trẻ đảm bảo cân đối các thành phần dinh dưỡng, bổ sung các thực phẩm giúp cho não bộ phát triển.
PGS.TS Trần Đình Toán - Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Lâm sàng, Uỷ viên Hội đồng Dinh dưỡng và Thuốc, Ban Bảo vệ Sức khỏe Trung ương cho biết: dinh dưỡng có vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển não bộ của trẻ nói chung và với bé chậm nói nói riêng, đặc biệt trong giai đoạn 0 – 5 năm đầu đời, bởi việc sản xuất ra tiếng nói cũng phản ánh sự phát triển và tương tác giữa não bộ với cơ quan đích.
PGS.TS Trần Đình Toán cho hay, Omega có vai trò rất quan trọng với sự phát triển não bộ của trẻ, nhất là đối với trẻ chậm nói, tăng động giảm chú ý. Omega là dưỡng chất thiết yếu mà cơ thể không tự tổng hợp được mà phải bổ sung từ bên ngoài qua thực phẩm.
Hiện nay omega có 2 nguồn là omega động vật và omega thực vật. Omega động vật chủ yếu sử dụng các axit béo chưa no có nguồn gốc động vật từ cá, mỡ của cá, cá biển… Omega thực vật chủ yếu lấy từ các dầu thực vật, chủ yếu là hạt có dầu. Một số hạt có hàm lượng dầu rất cao và omega là dầu lanh, hạt chia, hạt óc chó…
Ngày nay xu hướng sử dụng Omega thực vật ngày càng nhiều hơn bởi nguồn nguyên liệu Omega thực vật có thể kiểm soát được chất lượng, kiểm soát được quá trình từ gieo trồng đến thu hái, đảm bảo không nhiễm kim loại nặng, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc trừ sâu, không ô nhiễm đất, nước, không khí. Đồng thời, Omega thực vật lại không có vị tanh, không gây kích ứng như nôn, ói nên rất an toàn, dễ dung nạp, ngay từ khi sơ sinh, trẻ có thể sử dụng được.
"Omega thực vật có chứa ALA mà ở động vật không có. Khi vào cơ thể ALA sẽ chuyển hóa thành DHA và EPA theo nhu cầu, giúp cung cấp năng lượng và là nguyên liệu xây dựng cấu trúc não bộ ở trẻ, giúp tăng cường trí nhớ, tăng cường phản xạ thần kinh, giúp trẻ nhanh nhạy hơn, tăng khả năng bắt chước, học hỏi các từ nhanh hơn. Ngoài ra còn giúp phát triển thị giác và tăng đề kháng cho bé", GS Trần Đình Toán nhấn mạnh.
Theo PGS.TS Trần Đình Toán, dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, việc chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ khỏe mạnh cả thể chất và trí tuệ luôn cần phải chú trọng và quan tâm.
T.T