(Tổ Quốc) - Đại biểu Trần Hoàng Ngân cũng cho rằng cần tiếp tục tái cơ cấu thị trường tài chính để thị trường chứng khoán trở thành kênh cung ứng vốn quan trọng trung, dài hạn cho nền kinh tế và hiện vốn hóa thị trường đã lên đến trên 100%
Sáng 31/10, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) và ngân sách nhà nước năm 2019; kế hoạch phát triển KT-XH, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2020.
Tham gia phát biểu, Đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn đại biểu TP HCM) bày tỏ đồng tình với những kết quả đạt được về KT-XH của đất nước trong bối cảnh kinh tế thế giới đang diễn biến phức tạp, khó lường, kinh tế thế giới đối mặt với nhiều rủi ro và suy giảm.
Theo đại biểu Trần Hoàng Ngân, trong lúc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) liên tục điều chỉnh tốc độ tăng trưởng kinh tế thế giới từ 3,6% xuống còn 3%, kinh tế nước ta vẫn tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng khá cao từ 6,2% năm 2016 đến 9 tháng đầu năm 2019 tăng trưởng 6,98%.
Song ông Trần Hoàng Ngân cũng cho biết cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đang tác động nhiều chiều đến kinh tế nước ta, cả thuận lợi và không thuận lợi. Trung Quốc đã phá giá đồng nhân dân tệ (NDT) khiến Việt Nam nhập siêu hàng hóa tăng cao, kéo theo nhiều vấn đề như gian lận thương mại. Từ đầu năm, Việt Nam đã nhập khẩu 62 tỷ USD từ Trung Quốc, tăng 16,1%, nhập siêu 29 tỷ USD. Tuy nhiên, hàng hóa Trung Quốc bị Mỹ áp thuế cao, hàng hóa Việt sẽ thuận lợi, xuất 49,9 tỷ USD vào Mỹ, tăng 26,6% cùng kỳ, xuất siêu 37,9 tỷ USD.
Hiện nhiều nước trên thế giới đang thực hiện chính sách bảo hộ mậu dịch, tạo nhiều rào cản thương mại. Ông Ngân đề nghị Chính phủ cần chú ý đến thị trường trong nước bằng việc triển khai hiệu quả cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, tiến đến Người Việt Nam thích dùng hàng Việt Nam và các hiệp định FTA mà chúng ta đã ký kết.
Trong các yếu tố đầu vào của tăng trưởng kinh tế như lao động, vốn và năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP) thì yếu tố vốn quyết định đến 45%-50% GDP. Ông Trần Hoàng Ngân đề nghị cần tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động ngân hàng, nâng cao chất lượng tín dụng, tránh để nợ xấu quay trở lại, đồng thời tiếp tục tái cơ cấu thị trường tài chính để thị trường chứng khoán trở thành kênh cung ứng vốn quan trọng trung, dài hạn cho nền kinh tế và hiện vốn hóa thị trường đã lên đến trên 100%.
Đại biểu cũng kiến nghị Chính phủ cần hỗ trợ để TP HCM xây dựng và phát triển thành công trung tâm tài chính của khu vực và quốc tế.
Để kinh tế nước ta tiếp tục tăng trưởng nhanh và bền vững, ĐB Trần Hoàng Ngân kiến nghị phải tiếp tục dành nguồn lực cho việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống luật pháp đồng bộ và ổn định. Cần có sự khởi động sớm cho việc xây dựng thể chế có liên quan đến sự phát triển cách mạng công nghiệp lần thứ 4, kinh tế số, kinh tế chia sẻ, quản lý có hiệu quả và hỗ trợ cho sự phát triển các mô hình kinh doanh mới, mô hình đổi mới sáng tạo; hoàn thiện pháp luật về sở hữu trí tuệ và triển khai có hiệu quả các tài sản trí tuệ do người Việt Nam tạo ra trên thế giới và tiếp tục hoàn thiện thể chế vùng giúp cho các tỉnh liên kết, hỗ trợ nhau phát triển.
P.V