(Tổ Quốc) - Trong những ngày xuân sắc nhất của tuổi trẻ, cặp đôi Thành An và Mỹ Thuận đã rủ nhau bỏ đô thị, về vùng quê Đắk Nông để xây dựng “vườn địa đàng” hạnh phúc.
Trong bộ quần áo dính đầy đất đỏ, người ướt mồ hôi bên ngôi nhà gỗ xinh đẹp cạnh sườn đồi, đôi vợ chồng trẻ đang nhặt phân bò để bón cho bơ, chuối, bồ kết. Đó là hình ảnh thường nhật của Mỹ Thuận và Thành An, cặp đôi 9x đã có 3 năm bỏ nơi phồn hoa để lên rừng làm ''đại gia chân đất''.
“Ngày cuối cùng ở Sài Gòn trước khi về hẳn vườn sống, em mặc một chiếc váy đỏ thật xinh, đi đôi giày cao gót, xịt thêm chút nước hoa tham dự tiệc cuối năm của công ty. Và sau đó bắt đầu những chuỗi ngày chân mang ủng, đầu đội nón lá, tay cầm cuốc xẻng, người lúc nào cũng đầy mồ hôi…”, Mỹ Thuận nhớ lại khoảnh khắc định mệnh của tuổi trẻ.
Thành An và Mỹ Thuận quyết tâm lên rừng làm nông dân, bỏ lại sau lưng Sài Gòn náo nhiệt và công việc văn phòng lương cao.
"Hai đứa lớ ngớ lắm chẳng biết gì đâu…"
Cặp đôi Thành An - Mỹ Thuận cùng sinh năm 1995. Tốt nghiệp Đại học, An và Thuận đều có công việc ổn định ở Sài Gòn với mức lương tốt. So với nhiều sinh viên mới ra trường thì thu nhập của đôi trẻ này còn trên mức trung bình. “Mình đợt đó làm sale lương 10 triệu, Thuận làm lương 15 triệu, cả hai lại nhận việc tự do nên mỗi tháng kiếm thêm 8 triệu nữa”, Thành An chia sẻ.
Cặp đôi "trai xinh, gái đẹp" quyết định làm nông trại để tự chủ nguồn nguyên liệu.
Tuy vậy, giấc mơ xây dựng nông trại vẫn luôn được ấp ủ trong lòng An và Thuận. Cả hai từng thử sức làm bất động sản nhưng không thuận lợi. May mắn là có người bạn thân hợp tác bán hạt mắc ca cùng cặp đôi, từ đó công việc kinh doanh nông sản ngày càng phát triển.
Đôi vợ chồng trẻ quyết định tìm đất trồng phù hợp, thành lập nông trại tự chủ để kiểm soát chất lượng và nguồn nguyên liệu.
Nhớ lại thời gian ban đầu, đôi trẻ dự định về làm nông phát triển nguyên liệu mắc ca chứ không định về ở luôn. Nhưng rồi chính vùng đất Tây Nguyên xinh đẹp, màu mỡ đã níu kéo đôi chân ở lại. Từ không gian thoáng đãng, không khí trong lành đến môi trường thân thiện, những trái tim yêu nghề nông như An và Thuận thật không thể nào nói không với "miền đất hứa" Đắk Nông.
"Khi mới bỏ phố về quê cọc đất xong thì lo lắng nhiều lắm, dần dần mình lên kế hoạch thiết kế vườn, dấn thân vào thế là không còn sợ hay lo gì nữa, cứ thử thách đến là vượt qua thôi", Thành An tâm sự. Anh cho rằng, nếu không phải vì yêu thiên nhiên chân thành thì hai vợ chồng không thể nào quyết định nhanh đến thế.
Từ trung tâm xã Quảng Sơn vào đến nơi ở của An và Thuận là hơn 10km. Nhận xét về khu đất rộng 10 hecta này, cặp đôi cho hay: "Ngay khi nhìn thấy ngôi nhà gỗ nhỏ xinh cạnh hồ nước, hai đứa mình đã cảm thấy đó chính xác sẽ là nơi mình ở nên quyết định mua luôn".
Kể từ năm 2018, Mỹ Thuận và Thành An chính thức tạm biệt Sài Gòn đông đúc. Hành lý khi bỏ phố về quê của họ chỉ là vài bộ đồ đơn giản, kèm kiến thức nghề nông cơ bản và chú chó cứu được từ bãi rác.
Nhờ tính cần mẫn, sự đam mê và tình yêu dành cho nông sản, cặp đôi không chỉ đồng lòng biến nông trại của mình thành “vườn địa đàng” ở xã Quảng Sơn, Đắk Glong, Đắk Nông; mà còn gặt hái thành công bất ngờ, khiến ai nấy trầm trồ khi nhìn vào hành trình 3 năm ròng trồng cây, cuốc đất.
Cho đến giờ, vợ chồng An vẫn khẳng định cuộc sống “về quê trồng rau nuôi cá” không có màu hồng, mà ngập tràn màu xanh do xung quanh bạt ngàn cây cối.
Trải lòng về những ngày đầu gian nan, Thành An thừa nhận: “Hai đứa lớ ngớ lắm chả biết gì đâu! Kinh nghiệm làm nông thì không có, làm tới đâu hỏng tới đó, tiền ra chứ chẳng vào, hàng xóm nhìn bọn mình làm vườn thấy chẳng giống ai”.
Đã vậy, việc chuyển đổi từ nhân viên văn phòng về làm công việc chân lấm tay bùn cũng là thách thức có một không hai.
“Có rất nhiều lúc cảm thấy không còn gì thảm hại hơn trong bộ quần áo dính đầy đất đỏ, người ướt mồ hôi ngồi bên đống phân bò, nước mắt rơi lã chã vì không biết mình có lựa chọn sai hay không?”, cô nông dân trẻ Mỹ Thuận nhớ lại quãng thời gian khởi nghiệp đầy chông gai.
Theo Mỹ Thuận, những năm đầu về vườn chính là khoảng thời gian bận rộn và vất vả nhất, đặc biệt với những ai đi theo hướng nông nghiệp không hóa chất.
Từ trung tâm xã Quảng Sơn vào đến nơi ở của An và Thuận là hơn 10km. Nhận xét về khu đất rộng 10 hecta này, cặp đôi cho hay: "Ngay khi nhìn thấy ngôi nhà gỗ nhỏ xinh cạnh hồ nước, hai đứa mình đã cảm thấy đó chính xác sẽ là nơi mình ở nên quyết định mua luôn".
Thời gian đầu, ý muốn mạo hiểm của Thuận và An đã vô số lần lần va phải sự phản đối của gia đình. Vợ chồng trẻ phải mất rất nhiều thời gian mới gọi vốn thành công được từ bố mẹ.
Sau khi mua đất, số tiền gia đình hỗ trợ chỉ còn vỏn vẹn hơn một trăm triệu đồng nhưng phải trồng và chăm gần 2 hecta mắc-ca. “Đợt đó, mình trồng xong một đợt hàng là hết tiền luôn, phải tự đi tìm cách chạy tiền mà sống tiếp”, Thành An nói.
Bên cạnh các cây dài ngày như bơ, mắc ca thì Thành An và Mỹ Thuận còn trồng rất nhiều rau để ăn, nếu thừa thì đem cho bà con hàng xóm.
“Có lần Tết tới, 2 đứa không có một xu dính túi, phải mượn bạn 10 triệu để vừa sống cầm chừng vừa ăn Tết. Thử thách lớn nhất đợt đó là vốn, mặc cho ý tưởng thì nhiều, thời gian thì có. Muốn trồng cây này, cây kia thì tốn tiền giống, tiền phân bón. Trồng mà không biết chăm lại công cốc…”
Vì nông trại nằm cạnh bìa rừng, bao quanh bởi dòng suối mát lành, nên hai vợ chồng canh tác theo hướng vườn rừng sinh thái. Theo Mỹ Thuận, đây là cách làm đa tầng tán, không độc canh một loại cây trồng nào và không sử dụng hoá chất nông nghiệp. Khu vườn hiện trồng cây rừng, bồ kết, cà phê, bơ, mắc-ca, sachi, mít ta và rất nhiều loại thảo mộc khác.
Theo Mỹ Thuận, những năm đầu về vườn chính là khoảng thời gian bận rộn và vất vả nhất, đặc biệt với những ai đi theo hướng nông nghiệp không hóa chất.
"Những quả ngọt của hai trái tim vàng”
Thời mới làm quen ở đại học Tài chính - Marketing, chuyện tình của Thành An và Mỹ Thuận cũng dễ thương như bao kỷ niệm thời sinh viên khác. Sau cơn “cảm nắng” nhớ đời trong kỳ học quân sự, Thành An lấy hết sức can đảm nhắn tin làm quen với Mỹ Thuận song không được cô nàng trả lời.
Mãi tới 3 năm sau, duyên phận mới chính thức kết nối họ với nhau khi bất ngờ chạm mặt trên sân trường. Trong lúc Mỹ Thuận ngồi một mình ngắm cảnh thì Thành An vô tình bước tới trò chuyện. Và cứ như vậy, tình cảm giữa đôi bạn ngày càng tiến triển.
Trong khi “đàng trai” gây ấn tượng bởi nụ cười tươi rạng ngời, thì “đàng gái” lại rung động dần sau nhiều lần hẹn hò leo núi.
Ước mơ từ thuở mới yêu của An và Thuận là “một ngôi nhà gỗ, hai trái tim vàng”. Cả hai cùng nhau chia sẻ sở thích trồng trọt, khám phá thiên nhiên.
Ước mơ từ thuở mới yêu của An và Thuận là “một ngôi nhà gỗ, hai trái tim vàng”. Cả hai cùng nhau chia sẻ sở thích trồng trọt, khám phá thiên nhiên.
Giờ đây, sau nhiều năm gây dựng sự nghiệp, cặp nông dân 9X bỗng được mệnh danh là đại gia… chân đất. Thành quả hiện tại của An và Thuận khiến ai nấy trầm trồ, mỹ mãn hơn hẳn thuở “chân ướt chân ráo” lên Tây Nguyên.
Nhờ phong cảnh thiên nhiên tươi đẹp, kết hợp với gu thẩm mỹ ấn tượng mà cặp vợ chồng đã lan tỏa được tinh thần sống đẹp thông qua hàng trăm bức ảnh sống động. Với 2 trang page trên Facebook, An và Thuận liên tục chia sẻ và lan tỏa tình yêu nghề nông đến cộng đồng mạng.
Dần dà, thương hiệu “cây nhà lá vườn” được nhiều người biết tới hơn, đặc biệt ở 3 thành phố lớn là Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng.
Trong thời gian Covid-19 vừa qua, công việc làm nông của An và Thuận may mắn không bị ảnh hưởng nhiều, thậm chí còn "lên hương" với số lượng đơn hàng online tăng chóng mặt.
Những sản phẩm bước ra từ nông trại của An và Thuận đều xuất xứ 100% thiên nhiên
Doanh thu mỗi tháng khoảng 50 triệu đồng từ sản phẩm chủ lực dầu gội đầu bồ kết cà phê. Đôi lúc, có khách quen còn đặt để chuyển ra nước ngoài. Giờ đây, lợi nhuận ở mức đủ mức chi tiêu cho gia đình nhỏ và tái đầu tư vào vườn cây.
Ở tuổi 27, họ có trong tay 10 ha đất vườn, 2 ha cà phê, 2 ha mắc ca, cùng 2 thương hiệu nông sản. Bên cạnh việc canh tác cây ăn quả, hoa màu, bán cà phê rang xay, thì cặp đôi còn nghiên cứu dầu gội đầu, xà bông handmade.
Cặp đôi dự định trồng thêm nhiều loại cây ăn quả trong vườn rừng, qua đó phát triển 2 thương hiệu nông sản sạch của riêng mình.
Nhịp sống thôn quê khiến ngoại hình đôi trẻ thay đổi nhiều, nhưng dù da ngăm hay tay chân lấm lem đất bùn thì họ vẫn nở trên môi nụ cười thanh bình, không hối hận khi đầu tư hết sức lực vào “nông trại hạnh phúc”.
Hiện tại, cặp đôi còn vừa chào đón sự ra đời của em bé đầu lòng, hứa hẹn có thêm anh nông dân nhỏ phụ giúp ba mẹ trong những mùa đồng áng tới. Với thiên chức người cha mới mẻ, Thành An không khỏi vui mừng và lấy đó làm động lực: “Thêm bé nhỏ nên chủ yếu bây giờ vợ phụ chồng làm, đôi khi chúng mình bận một chút nên hy vọng khách hàng thông cảm”.
Gia đình nông dân của An và Thuận vừa đón thêm một thành viên mới.
Sắp tới, hai vợ chồng cũng hy vọng phủ kín vườn rừng với nhiều loại cây hơn, đồng thời cải tạo lại cơ sở hạ tầng ở nông trại và chuẩn bị vườn rau củ quả mới. Sau khi duy trì ổn định nguồn hàng kinh doanh, nông trại của họ có thể bán thêm ít trái cây theo mùa. Cùng với đó, An và Thuận tiếp tục trồng thảo mộc và hương liệu để chế biến các sản phẩm làm đẹp từ thiên nhiên.
Linh Chi