(Tổ Quốc) - Nhân ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3, cùng lắng nghe những quan điểm của Shark Liên trong việc nuôi dạy những người con thành công và cách để trở thành một người phụ nữ hạnh phúc.
Những khán giả yêu thích chương trình Shark Tank Việt Nam (Thương vụ bạc tỷ) vẫn luôn ấn tượng với Shark Liên - nhà đầu tư mệnh danh là "Cá mập bà ngoại". Xuyên suốt chương trình, bà đã chia sẻ nhiều triết lý kinh doanh cùng những quan điểm đầu tư cực kỳ sâu sắc được người xem đài, đặc biệt là cộng đồng khởi nghiệp trẻ tấm tắc ngợi khen.
Shark Liên có tên đầy đủ là Đỗ Thị Kim Liên hay còn được mọi người gọi với cái tên thân thuộc khác là Madam Liên. Bà là nhà đầu tư, nhà ngoại giao, người làm thiện nguyện tích cực và người truyền cảm hứng cho phụ nữ và giới trẻ.
Madam Liên nhận được rất nhiều tình cảm và sự yêu quý của mọi người.
Shark Liên đảm nhiệm nhiều vị trí như Lãnh sự Danh dự Cộng Hoà Nam Phi tại TP.HCM, Nhà sáng lập ứng dụng Bảo Hiểm Lian, Chủ tịch Quỹ Môi trường Xanh Việt Nam (Green Vietnam Fund) và nhiều chức vụ ở nhiều công ty thuộc các lĩnh vực khác nhau. Hiện tại, các dự án của bà tập trung vào lĩnh vực insurtech, nước sạch sinh hoạt, bảo vệ môi trường, đầu tư khởi nghiệp, tạo cơ hội làm giàu và sống hạnh phúc cho phụ nữ và giới trẻ Việt Nam. Bà cũng là người phụ nữ Việt Nam đầu tiên xuất hiện trong chương trình Prominent! của kênh VOX Đức vào năm 2021.
Trên thương trường, nữ CEO thành công và ghi được nhiều dấu ấn cá nhân là vậy, còn với vai trò một người bà, người mẹ, người vợ, Shark Liên có những quan điểm như thế nào trong việc nuôi dạy những người con thành công và trở thành một người phụ nữ hạnh phúc, hãy cùng lắng nghe những tâm sự rất đỗi chân thành của nữ doanh nhân qua cuộc trò chuyện ngày 8/3 với chúng tôi nhé.
Giám sát, răn đe, doạ nạt chưa bao giờ là cách trong việc giáo dục con trẻ
- Chị có thể chia sẻ kinh nghiệm để có thể vừa chu toàn công việc vừa là một người phụ nữ của gia đình? Làm cách nào để có thể trở thành một người phụ nữ hiện đại ngày làm việc nhưng tối về vẫn đủ mềm dẻo để chăm sóc chồng con?
Muốn cân bằng phải công bằng. Dành thời gian cho công việc nhiều hơn dành thời gian cho gia đình thì người phụ nữ không thể đòi hỏi hai chữ "viên mãn". Biến cố luôn luôn có thể xảy ra. Do đó, để cân bằng, tôi nghĩ phụ nữ phải chủ động sắp xếp, phân chia thời gian hợp lý cho cả hai phía và cả là thời gian cho riêng bản thân để làm việc mình thích.
Xem trọng gia đình và công việc ngang nhau sẽ giúp phụ nữ có động lực để gìn giữ trách nhiệm của mình với cả hai chứ không phải viện cớ bản thân là phụ nữ hiện đại, chỉ biết đi kiếm tiền mà không quan tâm đến chuyện chăm sóc chồng con. Cưới chồng sinh con chính là một cam kết trọn đời, nhiệm vụ của người phụ nữ trên vai trò một người vợ, người mẹ là phải song hành cùng chồng gìn giữ hạnh phúc gia đình, chăm sóc, giáo dục con cái.
Shark Liên chuẩn bị cho bữa tiệc cùng gia đình.
- Khi gặp áp lực trong công việc lẫn cuộc sống chị thường giải tỏa bằng cách nào? Chị có lời khuyên gì cho những người phụ nữ vì không thể làm trọn vẹn cả 2 vị trí nên phải lựa chọn hi sinh hoặc gia đình hoặc sự nghiệp?
Đời tôi như một khu vườn có nhiều loại hoa, khi hoa này tàn héo, tôi vẫn còn những bông hoa khác để thưởng thức. Cho nên, khi một lát cắt nào đó trong cuộc sống hay công việc làm tôi áp lực, tôi vẫn còn những niềm vui khác giúp mình giải tỏa, chẳng hạn như đọc một quyển sách hay, học nấu một món ăn mới hay đơn giản chỉ là ngồi uống trà cùng gia đình, bạn bè,...
Phụ nữ khi đã chọn hy sinh hoặc vì gia đình hoặc vì sự nghiệp theo tôi suy cho cùng cũng là dũng cảm đấy chứ. Bởi cái chuyện hy sinh chỉ xảy ra khi mỗi người thật thà nhận ra mình không đủ sức để nắm lấy cả hai. Từ việc nhìn nhận được chính mình, tôi nghĩ phụ nữ sẽ dễ dàng tìm được cách cải thiện, nỗ lực thay đổi và phát triển bản thân hơn để một ngày nào đó đủ sức vừa chăm sóc gia đình, vừa ra ngoài làm việc. Tôi vẫn hay nói lựa chọn tức là đánh mất, nhưng ở trường hợp này, tôi nghĩ cơ hội của mỗi người vẫn luôn còn ở phía trước.
Shark Liên tự tay cắm hoa mừng sinh nhật con trai.
- Chị có thể chia sẻ một chút quan điểm trong việc hướng các con đến sự thành công như hiện tại?
Khái niệm "thành công" phụ thuộc vào quan điểm riêng của mỗi người. Với riêng tôi, thành công của một đứa trẻ trước tiên phải trở thành người tử tế, sống thiện, hành thiện và biết san sẻ tình yêu thương đến mọi người xung quanh. Tôi giáo dục con tôi "thành công" như vậy và khi các con làm được, tôi cũng cảm thấy mình là một người mẹ thành công. Giáo dục con cái sống tử tế có khó không? Tôi nghĩ không.
- Ba người con ở nước ngoài thường xuyên nên cách mà chị có thể tâm sự, chia sẻ và định hướng các con có điều gì khác biệt?
Không có gì khác biệt. Các con tôi được định hướng sống tự lập từ sớm và bây giờ các con cũng đang rất hạnh phúc với cuộc sống riêng tư của mình dù thường thiếu vắng ba mẹ kề bên. Tôi thường xuyên gọi điện hỏi thăm các con hoặc cùng ông xã bay ra nước ngoài ở với các con vài tuần hoặc vài tháng. Dù gần hay xa con, tôi vẫn cho các con tự do sống theo cách chúng muốn, hoàn toàn không giáo dục con bằng cách giám sát hay răn đe. Tôi nghĩ đôi khi sự tin tưởng phụ huynh trao cho con lại là chính là lề thói giữ cho các con không sa ngã và trưởng thành hơn. Giám sát, răn đe, doạ nạt chưa bao giờ là cách trong việc giáo dục con trẻ.
Shark Liên và con trai lớn.
Shark Liên và con trai nhỏ.
Không can thiệp vào cuộc sống hôn nhân riêng của các con
- Cảm xúc khi trở thành bà ngoại như thế nào? Chị có hướng dẫn con trong việc làm thế nào để trở thành một người mẹ - người vợ tốt và vẹn toàn như mình không?
Có cháu đầu lòng, hạnh phúc lắm chứ. Tôi nghĩ đây là cảm giác chung của bất kỳ người ông người bà nào. Riêng việc hướng dẫn con gái thì không, nguyên tắc của tôi là không can thiệp vào cuộc sống gia đình riêng của các con một khi chúng đã bước vào cánh cửa hôn nhân. Ngay khi con gái vừa sinh con, vợ chồng tôi đã thống nhất quan điểm với vợ chồng con cái, theo cách vui vẻ nhưng nghiêm túc: Con ai người ấy nuôi. Thời của tôi khác thời của con gái tôi, môi trường sống, hoàn cảnh cũng khác, làm sao tôi biết và hiểu hết để nói với con rằng "làm thế này, thế nọ mới là người vợ tốt và vẹn toàn"?
Tuy nhiên, nói thế không có nghĩa là tôi mặc kệ con mình. Nếu con gái có chuyện gì cần xin ý kiến, tôi vẫn sẽ đưa ra lời khuyên dựa trên góc độ cá nhân, việc quyết định nằm ở con. Với tôi, có lẽ cách tốt nhất để hướng con gái trở thành một người mẹ, người vợ toàn vẹn là bản thân tôi phải làm gương. Từ lối sống, cách hành xử đều có thể trở thành một bài học cho con gái quan sát, học hỏi và điều chỉnh sao cho phù hợp với cuộc sống hôn nhân của riêng mình.
- Mỗi khi xảy ra mâu thuẫn với các con, chị giải quyết thế nào? Làm sao để các con luôn tin tưởng và tâm sự với mẹ mỗi khi có chuyện?
Dù là ruột thịt, đôi khi cách biệt thế hệ vẫn trở thành rào cản khiến cho mối quan hệ giữa phụ huynh và con cái trở nên xa cách, thậm chí là mâu thuẫn leo thang. Cách giải quyết của tôi là ngồi lại tự bóc tách chính mình, xem nguyên nhân cốt lõi của mâu thuẫn nằm ở đâu.
Nếu cảm thấy tôi đúng, bởi vì có những sự việc con chưa trải đời nên chưa hiểu, tôi sẽ nhẹ nhàng ngồi lại giải thích, chỉ ra cho con thấy kết quả của việc này sẽ như thế này, hỏi con muốn trải qua thử hay không, hậu quả con có tự gánh lấy được hay không. Lúc đó, các con sẽ hiểu ra vấn đề. Tôi hoàn toàn không giải quyết mâu thuẫn bằng bạo lực, kể cả bạo lực lời nói. Làm mẹ, chúng ta không nên áp đặt trí khôn của một người trưởng thành lên cho một đứa trẻ, hãy hiểu rằng với điều kiện tâm lý của con, có những việc con cần phải được giải thích nhẹ nhàng chứ không phải là câu nói "con sai rồi" hoặc đòn roi.
Nếu cảm thấy tôi sai, tôi sẽ xin lỗi con và xem như đó là một bài học để hoàn thiện hơn vai trò và "sự nghiệp" làm mẹ của mình. Chúng ta đâu có ai hoàn hảo, sai lầm vẫn có và hãy thẳng thắn đối diện với sai lầm đó bằng sự hối lỗi chân thành. Dám nhận mình sai và chủ động xin lỗi là cách để tôi luôn nhận được sự tin tưởng của các con.
Giây phút bình yên của Shark Liên bên gia đình.
Bạn sẽ là người mẹ hạnh phúc khi bạn là một người phụ nữ, một người vợ hạnh phúc
- Chị có thể bật mí một chút bí quyết để anh chị luôn hạnh phúc, giữ được lửa hôn nhân ở độ tuổi này?
Bí quyết hạnh phúc của vợ chồng tôi rất đơn giản, đó là tương kính đối đãi với nhau dựa trên nền tảng tin tưởng, tôn trọng và ủng hộ. Chúng tôi tâm niệm không ai là hoàn hảo và chấp nhận sự thật rằng năm tháng qua đi, rất có thể chúng tôi sẽ thay đổi ít nhiều về cả tâm lý lẫn thể lý, đặc biệt là ở giai đoạn bước qua triền dốc bên kia của cuộc đời. Ví dụ như thay đổi cách ăn mặc, thay đổi các sở thích, sức khỏe không cho phép một trong hai duy trì các hoạt động như thời còn trẻ cả hai cùng làm,... (những sự thay đổi này có lẽ là nguyên nhân chính làm đổ vỡ hạnh phúc của các cặp vợ chồng ở cùng lứa tuổi với tôi).
Từ sự chấp nhận và chuẩn bị tâm thế đón nhận nên khi đối phương có chút gì đó khang khác, chúng tôi đón nhận, lắng nghe nhau và sẵn sàng tiếp tục học hỏi, gọt giũa vì nhau thay vì khó chịu bảo "tại sao anh/em không còn giống như trước?", hoặc tệ hơn là đẩy gia đình rơi vào mâu thuẫn.
Sự thay đổi diễn ra cùng lúc với thời gian. Đối phương thay đổi, bạn cũng sẽ thay đổi, muốn được đón nhận trước tiên hãy học cách đón nhận.
Cặp đôi luôn khiến mọi người ngưỡng mộ vì những khoảnh khắc tràn đầy hạnh phúc.
- Chị có cảm thấy mình là một người mẹ hạnh phúc? Chị có muốn thay đổi điều gì không?
Chắc chắn rồi, tôi là một người mẹ hạnh phúc. Hạnh phúc của tôi đến từ việc nuôi dạy được những đứa con hạnh phúc, tử tế, hiểu chuyện và còn đến từ trước đó nữa. Bạn sẽ trở thành một người mẹ hạnh phúc khi mà trước đó, bạn là một người phụ nữ, một người vợ hạnh phúc. Tôi hài lòng với cuộc sống hiện tại và hạnh phúc mình đang có đủ để không mong muốn thay đổi bất kỳ điều gì nữa.
- Xin cảm ơn chị vì cuộc trò chuyện gần gũi, chân thành này!
San San