(Tổ Quốc) - Thay vì trách phạt, cha mẹ nên áp dụng các biện pháp dạy dỗ khoa học nhưng tràn đầy tình cảm, khiến con nhận ra được chỗ sai của mình.
Khi con làm sai điều gì đó, nhiều cha mẹ thường có xu hướng đưa ra những biện pháp trừng phạt để khiến con sợ hãi không dám tái phạm hành vi xấu. Những biện pháp trừng phạt có thể kể đến như quát mắng, đánh đòn, bắt úp mặt vào tường…
Theo các chuyên gia Tâm lý, trừng phạt không khiến con cái ngoan hơn mà còn kích động những cảm xúc ức chế, nổi loạn. Thậm chí, con có thể nghịch phá hơn để chọc tức cha mẹ.
Nếu muốn con ngoan ngoãn, các chuyên gia khuyên cha mẹ không nên trừng phạt, mà thay vào đó sử dụng các biện pháp dạy dỗ đơn giản nhưng hiệu quả sau:
1. Sử dụng chiến lược để đánh lạc hướng sự nổi loạn của con
Nếu biết rằng con thường xuyên quậy phá hay khóc lóc mè nheo khi đi siêu thị thì cha mẹ hãy thử mang theo một ít đồ ăn nhẹ để đánh lạc hướng của con.
Cha mẹ cũng có thể dùng đồ chơi để "nhử mồi" con.
2. Thể hiện tình yêu với con
Thỉnh thoảng khi con nổi cơn thịnh nộ, tất cả những gì cha mẹ cần làm không phải quát mắng, đòn roi mà là hãy trao một cái ôm nhẹ nhàng, ấm áp. Cái ôm đó sẽ khiến con biết, cha mẹ yêu mình như thế nào và dần dịu tâm trạng.
3. Cho con thời gian bình tĩnh lại
Khi con nổi nóng, cha mẹ hãy cứ mặc kệ và cho con một vài phút để bình tĩnh lại. Số phút để giúp con bình tĩnh lại sẽ tương ứng với độ tuổi.
Chẳng hạn con 3 tuổi thì sẽ có 3 phút. Trong quãng thời gian đó, tâm trạng con thì dịu xuống mà cha mẹ cũng nghĩ ra cách giải quyết vấn đề.
4. Tìm hiểu lý do khiến con cư xử sai trái
Những khi con đang trong tâm trạng tốt, cha mẹ hãy nói chuyện, tâm sự với con về những lần nổi loạn. Nếu con có lý do chính đáng sẽ sẵn sàng chia sẻ với bạn, trong trường hợp bạn thực lòng muốn lắng nghe.
5. Cùng nhau đặt ra các quy tắc
Khi tranh cãi về những việc vặt mà con quên làm, cha mẹ đừng mất bình tĩnh và cư xử một cách độc đoán, không chịu nghe lời con nói.
Thay vào đó, hãy để con tự thiết lập các quy tắc. Con sẽ được tự lập biểu đồ việc vặt sẽ phải làm hay đặt giới hạn về thời gian được phép xem tivi mỗi ngày. Điều này sẽ khiến con tự giác hơn.
6. Dạy con cách xin lỗi
Khi con hư, cha mẹ rất dễ nổi nóng và thốt ra một số câu nặng nề. Nếu cảm thấy mình đã phản ứng quá mức, cha mẹ hãy hít một hơi thở thật sâu và xin lỗi con.
Điều này sẽ dạy con nhiều điều, bao gồm biết sửa sai và xin lỗi người khác. Hãy dạy cho con biết, bất kỳ ai cũng có thể mắc sai lầm và biết nhận lỗi là điều quan trọng nhất.
7. Dạy con chịu trách nhiệm về hành động của bản thân
Phạt con vì tội làm vỡ cốc nước không phải là một cách hay ho để giải quyết vấn đề. Dạy cho con cách lấy khăn lau nước bị đổ mới là cách làm đúng đắn.
Theo đó, khi một việc xảy ra, thay vì nhấn mạnh, chì chiết hậu quả thì cha mẹ nên chỉ cho con biết, làm thế nào để chịu trách nhiệm, giải quyết vấn đề.
Thanh Hương