(Tổ Quốc) - Từng dòng chữ khiến người mẹ day dứt, hối hận không nguôi.
Những đứa trẻ là tình yêu, là điều kỳ diệu nhất đối với tất cả các ông bố, bà mẹ trên thế giới này. Thế nhưng, có đôi lúc vì mệt mỏi, vì mưu sinh, vì rất nhiều lý do mà người lớn vô tình làm tổn thương con bằng hành động hay lời trách mắng. Những điều này về lâu dài sẽ gây ảnh hưởng lớn tới tính cách và suy nghĩ của bé trong tương lai.
Trẻ lúc nhỏ vốn rất ngoan ngoãn, nghe lời bố mẹ. Thế nhưng khi bước vào độ tuổi 3, 4, khủng hoảng tuổi hay tuổi dậy thì, sẽ có những giai đoạn con thay đổi tính cách, cãi lại bố mẹ, thậm chí làm những việc khiến người lớn cáu gắt. Đặc biệt là khi một đứa trẻ có thêm em, sự phân biệt đối xử giữa 2 con sẽ làm nảy sinh sự đố kị, khó chịu ở con lớn.
Khi một gia đình chào đón thành viên mới, việc quan tâm, chăm sóc và dành nhiều thời gian hơn cho em bé là lẽ đương nhiên. Thế nhưng nếu không biết cách cân bằng, trẻ lớn sẽ cảm thấy tổn thương, bị em "giành" mất điều quý giá nhất cuộc đời là bố mẹ. Từ đó có những hành động phản kháng, chống đối lại bố mẹ mình.
Mới đây, trên mạng xã hội, các phụ huynh liên tục chia sẻ mẩu giấy ghi lại những dòng tâm sự của bé gái khi thấy mẹ quá chiều chuộng em mà bỏ rơi mình. Nguyên văn bức thư của cô con gái vỏn vẹn như sau: "Mẹ ghét con lắm à, trước mẹ có thế đâu, mẹ chỉ yêu em trai thôi, con sống trên đời này có ý nghĩa gì".
Theo tìm hiểu, người mẹ trong câu chuyện có con gái lớn học lớp 2 và con trai út mới sinh được vài tháng. Từ ngày bé trai ra đời, gia đình ngày nào cũng ngập tràn tiếng cười vì thành viên mới. Thế nhưng, vì mải chăm sóc con út mà người mẹ vô tình bỏ bẵng con gái lớn cũng luôn cần mẹ yêu thương, chăm sóc.
Bà mẹ này nghĩ rằng vì con đã lớn nên không cần quan tâm nữa, người cần chăm sóc bây giờ là em bé sơ sinh. Chính vì thế mà mẹ ngày nào cũng nặng lời mắng nhiếc con gái từ những điều nhỏ nhất, con hát to, con hét, con đùa nghịch làm em tỉnh giấc là lại bị mắng. Thậm chí, khi bé gái đòi ngủ cùng nhưng bà mẹ này nhất quyết không đồng ý, đuổi thẳng con ra ngoài.
Càng ngày bé gái càng cảm thấy tổn thương và buồn bã vì sự thiên vị của mẹ, cho rằng vì sự xuất hiện của em nên tình cảm mẹ dành cho mình bị thay đổi. Mẹ không còn yêu thương mình như xưa và điều này khiến cô bé vô cùng tủi thân, buồn rầu. Bé dần trở nên khép mình, ngại tâm sự với người lớn và không còn quấy mẹ để gây sự chú ý như xưa nữa.
Thấy con thay đổi bất ngờ, người mẹ có chút lấn cấn và lo lắng. Tình cờ, chị lên phòng của con thì đọc được mẩu giấy trên. Từng dòng chữ khiến người mẹ đau thắt lòng, tự trách bản thân vì những suy nghĩ và hành động với con gái, cảm thấy day dứt, hối hận khôn nguôi vì những hành động của chính mình.
Và cũng thật may mắn khi chị đã phát hiện kịp thời trước khi mọi chuyện đi quá xa. Bà mẹ này lập tức thay đổi cách đối xử với con mình. Chị dành thời gian cân bằng giữa hai con, nhờ ông bà, chồng chăm con nhỏ để dành thời gian cho con gái lớn. Chị cũng không còn cáu giận, tỏ ra khó chịu mà luôn nhẹ nhàng, thương yêu con gái. Dần dần bé đã không còn ghét mẹ, ghét em, tính cách cũng trở nên dịu dàng, nền nã hơn.
Qua câu chuyện trên, chúng ta có thể nhận ra rằng hoàn cảnh sống quyết định rất nhiều đến tính cách của một đứa trẻ, việc được cha mẹ yêu thương, đối xử công bằng sẽ giúp đứa trẻ lớn lên trong hạnh phúc, vô tư, vô nghĩ. Ngược lại, khi một đứa trẻ phải chịu những bất công, tổn thương trong chính gia đình của mình thì đứa trẻ ấy sẽ dần đi sai hướng, thiếu tự tin, không còn quan tâm đến người khác hay tình cảm gia đình.
Thực tế, không chỉ phụ huynh kể trên mà còn rất nhiều bậc cha mẹ khác vẫn đang thiên vị con cái hoặc so sánh điểm mạnh yếu giữa trẻ với các anh, chị, em của mình. Nuôi dạy con cái là cả một quá trình, không dễ dàng, không phải ngày 1, ngày 2 là có thể học được nghệ thuật "cân bằng".
Những đứa trẻ luôn là niềm tự hào và hạnh phúc của cả gia đình, đặc biệt cách đối xử của bố mẹ với các con sẽ quyết định rất lớn đến tính cách và tương lai của chúng. Bố mẹ cần đặc biệt chú ý, không phân biệt đối xử giữa các con, quan tâm cả 2 con như nhau và không nên so sánh giữa các con với nhau.
San San