(Tổ Quốc) - Câu chuyện "thoát nợ, thoát nghèo" của cô gái ở Hà Nội có tên Trần Huyền sẽ truyền động lực tích cực rất lớn tới các bạn trẻ hiện nay.
Chị Trần Huyền (sinh năm 1990) hiện đang sống tại Hà Đông, Hà Nội. Chị Huyền hiện tại đang làm chuyên viên tư vấn tài chính của một công ty lớn của Việt Nam.
Với chị, khoản tiền nợ lớn nhất trong cuộc đời chính là khoản vay ngân hàng để đi du học Nhật. Số tiền này gia đình chị Huyền phải thế chấp sổ đỏ vay ngân hàng với số tiền khoảng 380 triệu, có phát sinh lãi.
Sang Nhật du học sống "tằn tiện", tập trung kiếm tiền để trả nợ
Chị Huyền nhớ lại khi sang Nhật du học, chị có đi làm thêm để kiếm tiền trang trải cuộc sống và gửi về gia đình để trả nợ. Công việc làm thêm có tiền lương tính theo giờ, thường là 1000 yên/h, tương đương khoảng 200k/h.
Số tiền tuy không quá lớn nhưng là động lực để chị Huyền cố gắng hơn. Ngoài việc xin chủ nhiều lịch làm, thì ai có việc đột xuất, bận đi chơi, mệt nên muốn nghỉ thì chị Huyền đều xin đi làm thay người đó. Chị làm nhiều hơn gấp 2, gấp 3 lần người khác.
"Mình chỉ dành đúng 1 ngày nghỉ/tuần để dọn dẹp nhà cửa, mua đồ ăn trữ tủ. Thu nhập chăm chỉ làm 1 tháng được tầm 25 man, tương đương 50 triệu. Số tiền này mình gửi về khoảng 20 man (40 triệu), chỉ giữ lại tầm 5 man (10 triệu) để lo tiền vé tàu tháng, tiền ăn, tiền nhà.
Số tiền chi tiêu này khá ít ỏi đối với cuộc sống sinh hoạt đắt đỏ tại Nhật nhưng vì muốn trả hết nợ sớm nên mình vẫn rất cố gắng. Ngoài ra khi Tết đến tiền lương mình vẫn trích ra gửi biếu bố mẹ để lì xì các cháu, hay mẹ bị ốm thì gửi tiền mẹ đi chữa bệnh".
Chị Huyền chia sẻ, khoảng thời gian đó là cảm xúc hụt hẫng chiếm phần nhiều. Bởi trong suy nghĩ của chị, rõ ràng đã mình đi làm rất vất vả, nhưng lại phải đem trả nợ gần hết. Chị Huyền vẫn biết có vay là có trả, nhưng tiền vào tay thì thấy thích chứ rời khỏi tay thì không có ai là muốn cả. Đây cũng là lý do mà sau này chị Huyền rất hạn chế vay tiền người khác. Được khoảng 2 năm hơn là chị Huyền trả hết nợ.
Tới sở hữu "khoản tiết kiệm" gần 700 triệu
Đến khi lấy chồng là chị Huyền đã không còn nợ nần nữa và chỉ tập trung vào việc tiết kiệm. Chị Huyền cho biết, cách tiết kiệm của chị là cứ đến ngày nhận lương sẽ chia thành các khoản rành mạch gồm tiền sinh hoạt phí, tiền ăn uống, tiền nhà, tiền học,… Chị thường ấn định con số cụ thể và bỏ riêng vào từng phong bì. Phần còn lại thì bỏ vào tài khoản tiết kiệm, không được đụng tới.
Các khoản chị chia tiền cụ thể như sau:
- Tiền điện, phí chung cư, tiền nhà, tiền học phí của con chuyển khoản thanh toán luôn khi nhận lương.
- Tiền ăn, tiền mua sắm đồ dùng gia đình, tiền xăng xe, tiền cafe khi gặp khách hàng, tiền tiêu vặt,... áng chừng được con số cụ thể sẽ rút ra tiền mặt rồi để trong nhà, không để lẫn chung trong tài khoản ngân hàng.
- Tiền đóng bảo hiểm thì đóng theo năm nhưng chị Huyền vẫn chia mỗi tháng cần bỏ ra bao nhiêu thì trích ra chuyển vào tài khoản tiết kiệm Savy. Như vậy tới kì đóng sẽ không bị dồn gấp, đồng thời tạo thói quen tiết kiệm có kỉ luật.
- Phần tiền còn lại chị Huyền sẽ phân chia bỏ vào các tài khoản đầu tư như quỹ mở, chứng khoán,...
Trước đó thì chị Huyền đã dành phần tiết kiệm để bỏ vào quỹ khẩn cấp tương đương 6 tháng chi phí thiết yếu của gia đình.
Chị để quỹ này vào tài khoản tiết kiệm của ngân hàng để rút ra bất cứ lúc nào khi cần gấp bởi không quan trọng sinh lời.
Bảo vệ tài sản bằng cách mua bảo hiểm nhân thọ
Kiếm tiền, chủ động chi tiêu hợp lý là tốt nhưng nếu không bảo vệ tài sản trước những rủi ro khách quan thì cũng khá là nguy hiểm. Nó ít xảy ra nhưng xảy ra rồi thì như lỗ đen hút sạch số tiền mình kiếm và tiết kiệm. Vì thế chị Huyền luôn trích 1 khoản nhỏ mỗi tháng bỏ vào quỹ khẩn cấp và bảo hiểm nhân thọ. Khi tài sản được bảo vệ rồi thì việc kiếm tiền và tiết kiệm sẽ hiệu quả và chị cũng an tâm hơn.
"Gia đình mình hiện tại đang tham gia 4 gói bảo hiểm cho hai vợ chồng. Như mình chia sẻ ở trên thì mình đã từng là “con nợ”, đã trải qua khoảng thời gian phải chắt chiu để trả được hết nợ nên mình không muốn vì những rủi ro sức khỏe không lường trước được trong cuộc sống mà số tiền mình vất vả tiết kiệm sẽ đội nón ra đi vì tiền viện phí, thậm chí có thể đưa mình trở lại làm “con nợ”.
Trường hợp rủi ro lớn nhất xảy ra là mình hoặc chồng đột ngột không thể đồng hành cùng con trong cuộc đời này nữa, thì bảo hiểm cũng sẽ bù đắp tài chính cho con mình, tương lai của con vẫn được đảm bảo, ước mơ của con vẫn được chắp cánh. Do đó việc tham gia bảo hiểm nhân thọ đối với gia đình mình là chi phí thiết yếu, đảm bảo cho tài chính gia đình bền vững", chị Huyền chia sẻ thêm.
Hiện tại, hai vợ chồng chị tham gia mỗi người hai gói bảo hiểm. Lý do là vì sau 2-3 năm thì nhu cầu bảo vệ cao hơn, viện phí tăng lên, lạm phát khiến giá trị đồng tiền giảm nên cần phải tăng giá trị sinh mệnh lên. Và chị Huyền thấy các sản phẩm bảo hiểm mới ra đời cũng nhiều điểm ưu việt hơn. Do đó, cứ khoảng sau 2-3 năm chị Huyền sẽ lại bổ sung thêm hợp đồng bảo hiểm mới cho gia đình.
"Bé nhà mình cũng có hợp đồng bảo hiểm, mục đích để tạo quỹ dự phòng y tế cho con bao gồm đầy đủ thẻ chăm sóc sức khỏe, trợ cấp y tế, tai nạn, bệnh tật,... Ngoài ra đây là sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư, phần đầu tư sinh lời khá tốt.
Mình có tham khảo trong báo cáo thường niên của công ty, kết quả đầu tư của các quỹ bảo hiểm liên kết đơn vị đạt tỷ suất sinh lời trung bình là 10-12%/năm, nên ngoài số tiền đóng đều đặn hàng năm, thì hàng tháng mình bỏ thêm 1 khoản vào phần đóng thêm ủy thác cho công ty đầu tư hộ, đảm bảo 15-18 năm sau là con mình có 1 khoản tiền để ăn học hoặc khởi nghiệp mà không lo lạm phát".
Thời điểm hiện tại gia đình chị Huyền đang có 5 hợp đồng bảo hiểm, bố mẹ sở hữu 4 chiếc và con là 1 chiếc. Chi phí đóng bảo hiểm hàng năm là 105 triệu đồng/5 hợp đồng bảo hiểm. Mệnh giá bảo vệ sinh mạng là 3 tỷ/người, kèm đầy đủ quyền lợi sống như tai nạn, bệnh hiểm nghèo, thẻ chăm sóc sức khỏe, trợ cấp y tế,...
Bài viết ghi theo lời kể của nhân vật - Ảnh: NVCC
Hồng Nhung