(Tổ Quốc) - Cơ quan chức năng TP.HCM cho biết đang đẩy mạnh công tác kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm các chủ tài khoản, kênh mạng xã hội có hành vi vi phạm pháp luật.
Thời gian qua, trên không gian mạng lan truyền những thông tin giả, tin sai sự thật, xuyên tạc sự thật xâm phạm tình hình trật tự - xã hội. Điều này gây hoang mang cho người dân và ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại TP.HCM.
Ông Lâm Đình Thắng, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM cho biết, để góp phần đảm bảo an toàn, an ninh thông tin trong giai đoạn cao điểm tập trung thực hiện công tác phòng, chống dịch, Sở đã phối hợp với Công an Thành phố, các Cục thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông thường xuyên kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trên không gian mạng.
Trong hoạt động quản lý thông tin trên không gian mạng, Sở phối hợp với các Cục thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông đã gỡ bỏ 112 bài viết trên tài khoản mạng xã hội, 182 videos trên kênh Youtube, 17 videos trên ứng dụng TikTok có nội dung sai sự thật, xuyên tạc sự thật liên quan đến dịch COVID-19 trên địa bàn Thành phố.
Bên cạnh đó, Sở cũng phối hợp với Trung tâm xử lý tin giả - Bộ Thông tin và Truyền thông xác minh và công bố 3 tin giả liên quan đến công tác phòng, chống dịch COVID-19 của Thành phố. Chuyển 4 trường hợp cho Bộ Thông tin và Truyền thông xử phạt theo thẩm quyền.
Từ tháng 4/2021 đến nay, cơ quan chức năng đã tiến hành xử phạt 15 trường hợp vi phạm hành chính với tổng số tiền xử phạt là 122,5 triệu đồng.
Trong đó, xử phạt về hành vi cung cấp thông tin sai sự thật, xuyên tạc sự thật là 7 trường hợp.
Có 8 trường hợp chia sẻ thông tin gây hiểu lầm, hiểu sai nội dung, gây hoang mang trong nhân dân, ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch COVID-19 bị xử phạt.
Bên cạnh công tác xử lý hành chính vừa nêu, Sở Thông tin và Truyền thông cùng với các cơ quan chức năng thuộc TP.HCM đã xử lý 2 vụ án hình sự liên quan đến đối tượng Phan Hữu Điệp Anh và đối tượng Lê Thị Kim Dung.
Theo đó vào ngày 21/7, Sở đã phối hợp với Công an TP.HCM tiến hành bắt, khởi tố đối tượng Phan Hữu Điệp Anh theo Điều 331 Bộ luật Hình sự năm 2015 về tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước; Quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
Trước đó, đối tượng Phan Hữu Điệp Anh đã lợi dụng vụ việc tẩm xăng tự thiêu của một nam thanh niên có tiền sử bệnh tâm thần tại khu vực đường số 2, phường Trường Thọ, TP. Thủ Đức để đăng tải thông tin sai sự thật về công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn Thành phố.
Đến ngày 22/8, đối tượng Lê Thị Kim Dung bị khởi tố theo Điều 366 Bộ luật Hình sự năm 2015 về tội lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi trong việc bán vắc xin trái phép.
Đối tượng Lê Thị Kim Dung sử dụng tài khoản facebook "Kim Zunf" để đăng thông tin sai sự thật về việc cung cấp "dịch vụ tiêm vắc xin COVID-19" tại TPHCM.
Từ những vụ việc trên, Sở Thông tin và Truyền thông rất mong người dân TP.HCM không cung cấp, chia sẻ, phát tán những thông tin chưa được kiểm chứng, gây hoang mang cho xã hội và ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Trong thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng để xử lý cương quyết, áp dụng các biện pháp mạnh hơn nhằm răn đe, hạn chế các trường hợp lợi dụng không gian mạng để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.
Hoàng Lê