(Tổ Quốc) - 48 trường hợp sàng lọc phát hiện nhiễm COVID-19 khi đi khám tại BV vì có triệu chứng. Do đó, TP quyết định chọn giãn cách theo Chỉ thị 15 tiếp tục 2 tuần nữa.
Chiều 14/6, tại buổi họp báo cung cấp thông tin về công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn TP.HCM đã diễn ra tại Trung tâm Báo chí TP.HCM, báo chí đã đặt ra câu hỏi liệu thêm 2 tuần giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 nữa có chắc chắn khống chế được dịch hay không.
Trả lời câu hỏi trên, bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) cho biết, không có nhà chuyên môn nào dám đảm bảo chắc chắn thêm 2 tuần giãn cách nữa sẽ dập dịch thành công.
Điều này phụ thuộc vào 2 yếu tố. Một là mầm bệnh trong cộng đồng đã phát tán như thế nào. Hai là chuyện tuân thủ giãn cách có thực hiện chặt hay không. Mầm bệnh hiện tại được đánh giá là âm thầm trong cộng đồng.
Bằng chứng là TP đã truy vết gần như hết chuỗi lây nhiễm liên quan điểm nhóm truyền giáo Phục Hưng.
Kể cả F3, F4 bị lây nhiễm cũng phát hiện được, hầu hết phát bệnh trong khu cách ly.
Tuy nhiên ngoài chuỗi này, đã có 48 trường hợp sàng lọc phát hiện nhiễm COVID-19 khi đi khám tại BV vì có triệu chứng.
Qua truy vết, tổng số trường hợp nhiễm liên quan đến các trường hợp này nhiễm COVID-19 cũng song song và nhiều gần như tương đương số ca của chuỗi lây nhiễm.
Không thể biết còn những trường hợp âm thầm nào bên ngoài, khi gia tăng mật độ tiếp xúc thì chắc chắn mầm bệnh sẽ có cơ hội bùng phát.
Do đó, TP quyết định chọn giãn cách theo Chỉ thị 15 tiếp tục 2 tuần nữa.
"14 ngày là thời gian tối đa để virus có thể phát triển thêm chu kỳ mới. Nếu chúng ta thực hiện giãn cách tốt, qua 14 ngày thì cơ hội lây lan sẽ rất thấp.
Tuy nhiên không có nghĩa là trong 2 tuần sẽ kết thúc mà sẽ đủ thời gian để đánh giá lại tình hình.
Người dân có triệu chứng nghi ngờ nhiễm COVID-19 phải khai báo và được xử lý kịp thời" - bác sĩ Dũng nói.
Báo chí đặt vấn đề trong việc có cho người dân, nhà thuốc tự xét nghiệm bằng test nhanh hay không, bác sĩ Dũng cho biết về kỹ thuật test nhanh không khó làm.
Tuy nhiên đến nay Chính phủ vẫn chưa chưa ban hành quyết định, hướng dẫn cho phép nên cần chờ chỉ đạo.
Về hiệu quả của vắc xin, ông Dũng cho biết trong tình hình dịch bệnh cấp bách, vắc xin hiện tại được đánh giá khi thử nghiệm giai đoạn 3, thời điểm chưa có biến chủng delta ở Ấn Độ.
Lúc này đánh giá khi tiêm mũi 1 thì hiệu quả chống virus là 76% và mũi 2 là trên 82%.
Tuy nhiên với biến chủng delta, hầu hết các vắc xin đều giảm tác dụng.
Với vắc xin AstraZeneca, mũi 1 chỉ có hiệu quả 33.5%, mũi 2 có thể đạt trên 80% hiệu quả.
Dù giảm hiệu quả nhưng điều quan trọng là người tiêm vắc xin dù nhiễm sẽ không nặng, giảm tỉ lệ tử vong xuống thấp, giảm nguy cơ nhiễm trùng.
Với các trường hợp ở BV Bệnh Nhiệt đới đã tiêm đủ 2 mũi, gần như toàn bộ các nhân viên không có triệu chứng và nồng độ tải lượng virus rất thấp.
Nếu tiêm vắc xin được đủ 80% trong cộng đồng thì sẽ bảo vệ được cộng đồng.
Để đánh giá sâu hơn, bác sĩ Dũng cho rằng phải chờ thời gian xa hơn nữa.
Chiều 14/6, HCDC cho biết TP.HCM đã ghi nhận thêm 26 ca dương tính SARS-CoV-2.
Tính từ 18 giờ ngày 13/6 đến 18 giờ ngày 14/6, Thành phố ghi nhận 82 trường hợp nhiễm mới, bao gồm: 8 trường hợp liên quan đến điểm nhóm truyền giáo Phục Hưng đã cách ly hoặc nằm trong khu phong tỏa.
11 trường hợp liên quan đến chuỗi lây nhiễm BV Bệnh Nhiệt đới.
53 ca là tiếp xúc gần của các bệnh nhân đã được công bố trước đó và 10 trường hợp đang điều tra dịch tễ.
Hoàng Lê