(Tổ Quốc) - Nhiều khó khăn, khiếm khuyết trong vấn đề hoạt động bảo vệ trẻ em đã được để cập tại hội nghị chia sẻ thông tin và tham vấn báo chí về công tác truyền thông trong lĩnh vực bảo vệ quyền trẻ em.
Hội nghị do Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP Hồ Chí Minh phối hợp với Sở Lao động –Thương binh và Xã hội TP.HCM và Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp quốc (UNICEF) tổ chức tại TP.HCM mới đây.
Cụ thể theo thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP.HCM, từ năm 2015 đến tháng 6/2019 có 782 trẻ em bị xâm hại. Trong đó 1 trẻ bị sao nhãng, 50 trẻ bị xâm hại thể xác lẫn tinh thần, 36 trẻ bị xâm hại tinh thần và đến 695 ca bị xâm hại tình dục. Có 5.5% trong số này là bé trai.
Hiện TP.HCM có hơn 2.05 triệu trẻ em, với 48.48% là bé gái.
11.392 trẻ có hoàn cảnh đặc biệt, 2.392 trẻ được chăm sóc tại các cơ sở Bảo trợ xã hội cùng 9.000 trẻ em tại cộng đồng.
Các yêu cầu bảo vệ trẻ em cần có gồm phòng ngừa, hỗ trợ và can thiệp khi trẻ bị xâm hại. Nhà nước và TP.HCM đã có nhiều quyết định, văn bản và hướng dẫn nhằm mục đích thực hiện tốt nhất các yêu cầu trên.
Điển hình là Quyết định số 2017/QĐ-UBND ban hành Quy trình phối hợp hỗ trợ, xử lý, can thiệp các trường hợp trẻ bị bạo lực, xâm hại, xâm hại tình dục.
Các cơ sở bảo trợ, nuôi dưỡng cũng đã có các quy chuẩn an toàn cho trẻ em.
Bên cạnh những thành tích đạt được, nhiều khó khăn trong công tác bảo vệ trẻ em vẫn còn tồn tại. Như nhân sự quản lý nhà nước và nhân sự tham gia công tác bảo vệ trẻ em còn chưa đủ, nữ vẫn chiếm tỉ lệ cao.
Đáng chú ý về mặt học vấn, một số cộng tác viên tham gia công tác bảo vệ trẻ em thậm chí còn không biết đọc biết viết mà chỉ hoạt động bằng... nhiệt huyết.
Có 4.6 % cộng tác viên chưa tốt nghiệp trung học cơ sở.
Vấn đề bảo vệ trẻ em trên không gian mạng cũng còn bất cập.
Do đó, cần phải có vai trò của nhiều bên liên quan như ngành tư pháp, quản lý nhà nước, gia đình, nhà trường, nhân viên công tác xã hội, tổ chức xã hội... và đặc biệt là báo đài, mạng xã hội.
Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ, Chi hội trưởng Chi hội Luật sư thuộc Hội Bảo vệ quyền trẻ em TPHCM cho rằng cần đẩy mạnh truyền thông nhưng phải giấu kín thông tin.
Cụ thể, phải giấu tên tuổi nạn nhân nhưng phải minh bạch thẳng thừng thông tin và hành vi phạm tội của bị cáo để đủ sức răn đe.
Người đứng đầu địa phương, cơ sở nếu để xảy ra tình trạng xâm hại trẻ em thì phải chịu trách nhiệm chứ không thể sợ gánh vác, bệnh thành tích mà im lặng cho qua.
Còn bà Trần Thị Kim Thanh, Trưởng Phòng Bảo vệ chăm sóc Trẻ em – Bình đẳng giới cho rằng việc bảo vệ trẻ em đang bị tập trung vào giải quyết hậu quả đã xảy ra thay vì phòng ngừa, hỗ trợ trước để tránh việc trẻ bị xâm hại.
Do đó, trong tương lai cần phải đẩy mạnh các hoạt động can thiệp sớm.
Cơ quan chức năng cho rằng truyền thông phải có những bài viết phản biện đa chiều, có trách nhiệm với nghề và luôn đồng hành trong công tác bảo vệ trẻ em.
Hoàng Lê