(Tổ Quốc) - Cơn mưa lớn bất ngờ đổ xuống khiến các bác sĩ tại Trung tâm hồi sức COVID-19 do Bệnh viện Trung ương Huế phụ trách (đóng tại quận Tân Phú, TP.HCM) mất cả ngày trời để dọn sạch nước, bùn đất nhằm sớm tiếp nhận bệnh nhân nặng vào chữa trị.
Chiều 19/8, PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) đã dẫn đầu đoàn công tác Bộ Y tế đến Trung tâm để động viên tinh thần các y bác sĩ cũng như kiểm tra, đôn đốc việc khắc phục mọi khó khăn, nhanh chóng đưa bệnh nhân nặng vào điều trị được tốt nhất.
Giáo sư Phạm Như Hiệp, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế cho biết, tất cả nhân viên y tế đều làm việc với tinh thần cao nhất.
Hiện Trung tâm đã có gần 300 người, trong đó Bệnh viện Trung ương Huế là chủ lực.
Bên cạnh đó còn có Bệnh viện C Đà Nẵng, Bệnh viện Việt Nam - Cuba Đồng Hới, Bệnh viện Đa khoa trung ương Quảng Nam…
"Đáng ra Trung tâm đã nhận bệnh và điều trị tốt rồi nhưng gặp sự cố thiên tai. Việc khắc phục sự cố đang được tức tốc thực hiện. Vậy nên chỉ trong vài ngày tới là bệnh nhân sẽ được đưa vào điều trị, chăm sóc tốt nhất.
Bệnh viện Trung ương Huế đã kết nối với quận 10, quận 12, quận Tân Phú… để kịp thời hỗ trợ chuyên môn về hồi sức tích cực người bệnh COVID-19 cho cơ sở y tế ở các quận này theo sự phân công của Bộ Y tế", GS Phạm Như Hiệp nói.
Theo ThS Huỳnh Phúc Minh, Trưởng phòng Quản lý phòng bệnh và Cơ sở vật chất, BV Trung ương Huế, Trung tâm hồi sức COVID-19 đóng tại Bệnh viện dã chiến số 14 (quận Tân Phú) có 90 giường Hồi sức tích cực (ICU); 162 giường bệnh nhân chuyển biến nặng phải thở oxy; 252 giường bệnh nhân chuyển nhẹ và hơn 100 giường bệnh nhân theo dõi chuẩn bị ra viện.
Trước sự cố khách quan do thời tiết ập đến, cả hệ thống nhân lực đều tiết kiệm thời gian ăn, ngủ để khắc phục.
Có khi đêm khuya, cả Giáo sư Hiệp cũng trực tiếp trèo lên mái nhà kiểm tra hệ thống mái lợp. Đến nay, các sự cố cơ bản đã được khắc phục.
PGS.TS Lương Ngọc Khuê nhận định mưa lớn, nước dâng, triều cường là điều ngoài mong muốn.
Tuy nhiên tinh thần, ý chí của đội ngũ y bác sĩ cùng nhà đầu tư xây dựng phải luôn luôn nỗ lực nên hy vọng sự cố được khắc phục nhanh nhất.
Để điều trị bệnh nhân nặng thì oxy là yếu tốt quan trọng, phải đảm bảo. Bồn oxy lớn bị nước ngập phần chân thì phải tôn cao lên. Hệ thống máy thở và các máy móc khác phải test lại cẩn thận để khi điều trị cho người bệnh sẽ được thuận lợi nhất.
"Cuộc chiến này cần rất nhiều sự nỗ lực của nhiều lực lượng, nhất là y bác sĩ. Mỗi sự góp sức đều đáng trân trọng, tất cả đều hướng đến điều trị, chăm sóc tốt nhất cho người bệnh" - PGS.TS Lương Ngọc Khuê động viên các thầy thuốc.
Hoàng Lê