TP.HCM: Điều dưỡng "kêu cứu" khi được điều động vào hồi sức cấp cứu bệnh nhân COVID-19, lãnh đạo bệnh viện lên tiếng

(Tổ Quốc) - Các điều dưỡng cho biết họ gặp nhiều khó khăn do chuyên môn không đáp ứng việc xử trí hồi sức cấp cứu cho bệnh nhân COVID-19, sức khỏe không đảm bảo cho ca trực kéo dài nhiều giờ đồng hồ nên đã gửi tâm thư tới lãnh đạo bệnh viện.

Mới đây, chúng tôi nhận được thông tin về một lá đơn kêu cứu của một số điều dưỡng tại Bệnh viện (BV) Lê Văn Việt (TP Thủ Đức), nơi vừa được chuyển công năng thành BV điều trị COVID-19.

TP.HCM: Tập thể điều dưỡng “kêu cứu” khi được điều động vào hồi sức cấp cứu tại Bệnh viện điều trị COVID-19 - Ảnh 1.

Bệnh viện Lê Văn Việt (TP Thủ Đức).

Viết đơn kêu cứu tập thể

Viết trong đơn, các điều dưỡng chia sẻ bị điều động vào khoa Hồi sức cấp cứu (HSCC) bất ngờ nên không được tập huấn về HSCC, không đảm bảo trình độ chuyên môn khi chăm sóc bệnh nhân.

Họ không được hướng dẫn kỹ về các quy trình làm việc, các thủ tục hành chính, không biết xử trí khi bệnh nhân tử vong. Trang thiết bị vật tư, thuốc không đầy đủ để điều trị.

Ngoài ra, các nhân viên y tế cho rằng thời gian làm việc liên tục 8 tiếng khiến họ không đảm bảo sức khỏe, không được ăn uống, đi vệ sinh khi mặc đồ bảo hộ. Với những trường hợp nhân viên nữ đang trong chu kỳ kinh nguyệt thì càng bất tiện.

TP.HCM: Tập thể điều dưỡng “kêu cứu” khi được điều động vào hồi sức cấp cứu tại Bệnh viện điều trị COVID-19 - Ảnh 2.

BV Lê Văn Việt vừa chuyển công năng thành nơi điều trị COVID-19.

"Ca 1 nhịn ăn trưa, ca 2 nhịn ăn tối, ca 3 nhịn ăn đến sáng hôm sau..." – tập thể nhân viên y tế viết trong đơn.

Về kiểm soát nhiễm khuẩn, các điều dưỡng cho rằng không được đảm bảo về trang phục bảo hộ và thiếu bình xịt khử khuẩn.

Cuối cùng vì tinh thần làm việc hoang mang lo lắng, tập thể điều dưỡng mong Ban lãnh đạo BV xem xét và giải quyết cho kết thúc ca sớm vì ai cũng "chán nản, mệt mỏi và rơi nước mắt".

TP.HCM: Tập thể điều dưỡng “kêu cứu” khi được điều động vào hồi sức cấp cứu tại Bệnh viện điều trị COVID-19 - Ảnh 3.

Một số nhân viên y tế ở khoa khác đang được điều động làm việc tại khoa Hồi sức cấp cứu, BV điều trị COVID-19 Lê Văn Việt.

Lãnh đạo bệnh viện lên tiếng

Trả lời chúng tôi, bác sĩ Trần Thanh Sang, Phó Giám đốc BV điều trị COVID-19 Lê Văn Việt xác nhận đã nắm được những phản ánh của các điều dưỡng về các vấn đề mà họ đang gặp phải.

Bác sĩ Sang cho biết, BV mới chuyển công năng khẩn cấp thành nơi điều trị COVID-19 từ sáng 13/7. Thời gian đầu còn cập rập nên có nhiều khó khăn.

Trong giai đoạn chống dịch nóng bỏng hiện nay, tổng số 256 nhân viên y tế của BV đang phải phụ trách ở nhiều nơi.

TP.HCM: Tập thể điều dưỡng “kêu cứu” khi được điều động vào hồi sức cấp cứu tại Bệnh viện điều trị COVID-19 - Ảnh 4.

BV Lê Văn Việt đang phải điều động lực lượng thực hiện nhiệm vụ ở nhiều nơi.

Hiện tại, BV Lê Văn Việt vừa tiếp nhận một khu cách ly ở phường An Khánh (TP Thủ Đức) dành cho người test nhanh dương tính với SARS-CoV-2.

Ngoài ra trước đó, y bác sĩ của BV cũng phải hỗ trợ cho BV dã chiến thu dung điều trị COVID-19 số 1 (tại ĐHQG TP.HCM) và khu cách ly ở Học viện Chính trị khu vực 2.

Đó là chưa kể việc phải tham gia công tác lấy mẫu COVID-19 cộng đồng và công tác tiêm ngừa.

Chính vì vậy mà nguồn lực bị thâm hụt rất nhiều.

Thời điểm BV phải đổi công năng điều trị COVID-19 với quy mô 150 giường (trong đó có 12 giường hồi sức), các nhân viên khoa HSCC đã đi hỗ trợ nơi khác, một số đang trong giai đoạn cách ly theo quy định vì tiếp xúc yếu tố nguy cơ.

Do đó để đảm bảo vấn đề đáp ứng điều trị, BV đã điều động một số nhân viên y tế khoa khác có trình độ, tay nghề sang khoa HSCC.

Ngoài ra, có 3 BV khác cũng hỗ trợ BV trong vấn đề chuyên môn, trang thiết bị điều trị là BV Lê Văn Thịnh, BV TP Thủ Đức và BV 7A.

TP.HCM: Tập thể điều dưỡng “kêu cứu” khi được điều động vào hồi sức cấp cứu tại Bệnh viện điều trị COVID-19 - Ảnh 5.

Một số người dân tìm đến khám bệnh vì chưa nắm thông tin BV Lê Văn Việt trở thành nơi điều trị COVID-19.

"Thật ra thời gian chuẩn bị chuyển công năng khá ngắn. Đứng trước tình hình chung của TP, BV cũng đã sẵn sàng từ trước, tuy nhiên khi đi vào vận hành cũng còn một số chệch choạc.

Sau 3 ngày hoạt động, tôi thấy mọi thứ từ quy trình tiếp nhận bệnh, quy trình xử lý rác thải, chăm sóc người bệnh, quy trình xử lý thi hài… đã vận hành tương đối ổn" – bác sĩ Sang nói và nhận định việc phòng chống dịch COVID-19 như hiện tại, lịch sử chưa có tiền lệ.

Về vấn đề phân kíp trực, lãnh đạo BV Lê Văn Việt cho biết trong tình hình thiếu hụt lực lượng như hiện tại, một kíp trực kéo dài 8 tiếng.

Mỗi nhóm trực sẽ làm việc trong 3 tuần, sau đó nghỉ 2 tuần và nhóm khác thay thế.

Sắp tới khi ổn định nhân sự, BV sẽ cố gắng rút ngắn thời gian một ca trực xuống còn 6 tiếng.

TP.HCM: Tập thể điều dưỡng “kêu cứu” khi được điều động vào hồi sức cấp cứu tại Bệnh viện điều trị COVID-19 - Ảnh 6.

Lãnh đạo BV cho biết, đến nay các nhân viên y tế đã tự tin và ổn định tinh thần hơn.

Ngoài ra mỗi ca trực cũng có một khoảng thời gian nghỉ giữa giờ để các nhân viên y tế nghỉ ngơi, bổ sung sức khỏe, dinh dưỡng.

Lãnh đạo BV nhận định có thể khi được điều động gấp, các nhân viên y tế đã quá lo lắng. BV ghi nhận, tiếp thu và làm công tác tư tưởng, động viên, ổn định tinh thần cho mọi người.

Bác sĩ Sang khẳng định hiện tại, công tác kiểm soát nhiễm khuẩn và vấn đề trang thiết bị, đồ bảo hộ đã đảm bảo, đầy đủ.

Ít ngày tới khi y bác sĩ khoa Cấp cứu hết thời gian theo dõi sức khỏe, BV sẽ chuyển lực lượng đang điều động trở về khoa của mình.

Hoàng Lê

Tin mới