(Tổ Quốc) - Tưởng rằng sẽ được phấn khích vì gặp một đối thủ xứng tầm, ai dè... trùm cùi quá.
Thường thì những kẻ phản diện ấn tượng nhất trong game là những nhân vật được nhà phát triển tạo dựng rất kì công và độc đáo. Ngoài ra thì diễn xuất, tính cách của những nhân vật này cũng được đầu tư công phu, tỉ mỉ, nên khi người chơi có được cơ hội ra tay nghĩa hiệp thì sẽ rất là háo hức và thích thú.
Nhưng không phải game nào cũng chừa thứ tốt nhất cho phần cuối. Thay vào đó là quyết định cho những nhân vật phản diện này "chết yểu", và đôi lúc điều này sẽ phản tác dụng. Có thể nhà phát triển đã đánh giá sai về sức hấp dẫn, độ ngầu của những nhân vật này. Và sau khi giết xong thì game trở nên nhạt nhõe, vô nghĩa, rỗng tuếch, khiến fan tìm mọi cách để đem nhân vật phản diện trở lại.
Sau đây là danh sách 10 con trùm ấn tượng nhưng lại "chết yểu" khiến game thủ tiếc nuối vô cùng.
Jul ‘Mdama – Halo 5: Guardians Jul ‘Mdama là một Elite với chức vụ Chỉ huy tối cao (Supreme Leader) của tụi Covenant, từng xuất hiện lần đầu trong truyện Halo: Glasslands và sau đó là trong phần chơi chiến dịch Spartan Ops của Halo 4. Và cũng vì chỉ xuất hiện ít lần nên Jul ‘Mdama được xem như là một chiến lược gia vô cùng nguy hiểm. Do đó, khúc đầu game Halo 5: Guardians, khi nhân vật này xuất hiện thì người chơi chắc mẩm hắn ta sẽ là một đối thủ đáng gờm về sau đây.
Tuy nhiên, chỉ sau 20 phút trong phần chơi chiến dịch là Jul ‘Mdama đã bị nhân vật chính Locke tiêu diệt trong vòng 1 nốt nhạc. Thậm chí, đó cũng chỉ là một cảnh cutscene thôi chứ cũng chẳng phải là màn chơi nữa. Vì nhân vật này chết quá nhanh nên bạn cũng chẳng kịp biết được hắn là người như thế nào, mặc dù theo phần lore (tạm dịch: truyền thuyết) thì có cả một câu chuyện rất thú vị để kể về nhân vật này. Đáng lý ra thì Jul ‘Mdama nên bị đánh bại trong một trận chiến hoành tráng mới phải.
Jack Baker – Resident Evil 7 Jack Baker là một trong những nhân vật phản diện đáng sợ nhất trong dòng game Resident Evil, đặc biệt là trong phần Resident Evil 7 VR (nếu bạn đủ can đảm để chơi). Jack thường xuyên xuất hiện trong game, khiến người chơi nghĩ rằng nhân vật này là con trùm cuối trong game. Tuy nhiên, trước khi cốt truyện trong Resident Evil 7 kết thúc thì Jack đã bị bắn hạ trước đó vài tiếng rồi. Đó là sau khi Jack biến thành một con ác quỷ khổng lồ và sau đó bị nhân vật chính Ethan giết chết.
Phần game sau đó bắt đầu nhàm chán hẳn: những trường đoạn "shoot ‘em up" thì kéo dài liên miên, khúc vượt qua bãi mìn thì cũng chả có gì hấp dẫn, và màn đấu trùm cuối Eveline tất nhiên là "nhạt như nước ốc". Mặc dù câu chuyện đằng sau nhân vật Jack nghe rất là bi thương, và theo lý thuyết thì hắn ta có quay trở lại trong phần mở rộng End of Zoe, Resident Evil 7 lại bắt đầu có dấu hiệu tẻ nhạt sau khi Ethan tiêu diệt hắn. Lẽ ra đây phải là con trùm cuối mới đúng.
Shang Tsung – Mortal Kombat 9 Đây là một đấu sĩ vô cùng hung tàn với khả năng biến hình và hút linh hồn của đối phương, và cũng chính vì thế mà fan rất yêu thích nhân vật này. Tuy nhiên, Shang Tsung lại phải bỏ mạng khi phần chơi theo cốt truyện (story mode) mới đi được 2/3 đoạn đường, khiến game thủ vô cùng bực tức.
Để tăng sức mạnh cho Sindel, "sếp" của Shang Tsung là Shao Kahn đã đem anh ta ra làm vật tế, lấy tất cả linh hồn mà Shang đã thu thập được suốt hàng thế kỉ qua để nhập vào Sindel, giúp Shao Kahn hoàn thành mục tiêu nhanh hơn.
Tất nhiên là không có nhân vật nào trong Mortal Kombat là chết vĩnh viễn, nhưng khi nhìn thấy Shang Tsung bị giết ngay trước đoạn cao trào của game thì rất là cụt hứng. Đã thế, Mortal Kombat X còn không có sự xuất hiện của nhân vật này, và Shang chỉ tái xuất trong phần 11 khi mua thêm gói mở rộng (DLC).
Psycho Mantis – Metal Gear Solid Dòng game Metal Gear Solid có rất nhiều nhân vật phản diện đáng nhớ, và đầu bảng là Psycho Mantis (cùng với The Boss và The End) xuất hiện trong phần Metal Gear Solid đầu tiên. Mặc dù lúc đầu game thì nhà phát triển đã rất thành công trong việc tạo dựng Mantis với hình tượng là một kẻ vô cùng nguy hiểm và là một đối thủ đáng gờm, khi người chơi chỉ mới đi được 1/3 phần chiến dịch thì Mantis đã xuất hiện và đối đầu với nhân vật chính Snake.
Đồng ý rằng màn đấu trùm này rất là hoành-tá-tràng: Mantis dùng kỹ năng của mình để ném đồ vật vào Snake, chiếm quyền kiểm soát người bạn đồng hành Meryl, ấn tượng hơn nữa là hắn ta có khả năng đọc thẻ nhớ của người chơi và chiếm luôn quyền điều khiển tay cầm. Đây là một trong những con trùm sáng tạo nhất trong lịch sử gaming, nhưng vì hắn ta "chết yểu" nên 2/3 còn lại của game người chơi sẽ có cảm giác hụt hẫng, thiếu vắng một điều gì đó. Cũng may mắn là những phần game sau này cũng an ủi người chơi, cho Mantis xuất hiện lại trong phần 4 và phần 5 (tiền truyện).
Professor Nakayama – Borderlands 2 Khác với những nhân vật trên kia, Giáo sư Nakayama khá hài hước trong Borderlands 2 lại có phần… đáng chết. Nhân vật này có thân hình gầy nhom, xuất hiện trong bản mở rộng Sir Hammerlock’s Big Game Hunt, và luôn có ý định giết các Vault Hunters để trả thù cho thần tượng của mình là Handsome Jack.
Và vì thế, Nakayama có vẻ như là một con trùm cuối rất là thử thách và "khó xơi", nhưng khi hắn ta mới vừa xuất hiện, chuẩn bị giao chiến thì lại trượt chân té xuống cầu thang và bị gãy cổ, chết ngay tắp lự mà người chơi chả kịp làm gì cả. Nakayama chết quá nhanh và quá sớm, chỉ vừa mới "lên đỉnh" thôi là đã tuột cầu thang gãy cổ cái rắc, khiến game thủ hơi bị cụt hứng. Đã thế, nhiệm vụ này còn chơi chữ với cái tên "The Fall of Nakayama" ("Fall" trong câu ngày vừa có nghĩa là "hạ bệ", vừa có nghĩa là "té"). Tuyệt vời!
Stefano Valentini – The Evil Within 2 Đây ắt hẳn là nhân vật phản diện thú vị nhất trong The Evil Within 2. Hắn ta là một nhiếp ảnh gia bị điên và thực chất là một kẻ sát nhân hàng loạt, rất thích thú với việc chụp lại cảnh mà nạn nhân bị giết chết. Bên cạnh vẻ ngoài hào nhoáng, lòe loẹt và màn đấu trùm đầy tính siêu thực với nhân vật chính Sebastian, thì phải công nhận Stefano có phong cách và tính cách phong phú hơn hẳn so với những nhân vật phản diện còn lại trong game.
Vì thế, lúc Stefano bị Sebastian giết khi mới chơi được ½ cốt truyện thì game thủ đã tỏ ra vô cùng tiếc nuối, nhất là khi nửa phần còn lại của game vô cùng nhàm chán và có cảm giác dài lê thê. Lẽ ra nên để Stefano vào phần hạ màn mới phải.
Sherudo Garo – Time Crisis Sherudo Garo là một cựu độc tài của quốc gia Sercia. Hắn ta đã bắt cóc con gái của tổng thống để cố gắng lấy lại vị thế độc tài của mình trong xã hội. Mặc dù cốt truyện của Time Crisis không có gì quá phức tạp, những đoạn cutscene ngắn trong game đã giúp làm nổi bật lên sự ngớ ngẩn của nhân vật này: cách ăn mặc của hắn nhìn rất là buồn cười với bộ suit màu trắng và áo sơ-mi màu cam, có xu hướng hay phóng dao bừa bãi, và rất thích cường điệu hóa trong lúc nói chuyện.
Mặc dù Garo có vẻ như là con trùm cuối trong game, thực chất hắn ta đã bị bắn hạ trước đó khá lâu, cụ thể là trong phần cuối của màn thứ 2, và đây cũng chính là khúc giữa của cốt truyện trong game. Cái chết của Garo rất là ngoạn mục: bị bắn chết khi đang cố gắng phóng dao vào người bạn (đây cũng là một minh chứng điển hình cho câu nói "đừng mang dao đến cuộc đấu súng"), nhưng sau khi tên này chết thì "cánh tay phải" của hắn là Wild Dog lên nắm quyền, và đây lại chính là con trùm cuối trong Time Crisis.
Higgs – Death Stranding Nhân vật Higgs bí ẩn trong Death Stranding cũng khá là thú vị, với sự kết hợp tài tình giữa tạo hình vô cùng tinh tế và khả năng diễn xuất tuyệt vời của Troy Baker. Cứ ngỡ đây là con trùm cuối trong game, nhưng chỉ mới đến chương thứ 9 (trong 14 chương) là nhân vật chính Sam đã phải solo với Higgs rồi. Higgs thất thế trong trận đấu này, và hắn ta quyết định tự sát để không bị mắc kẹt lại bãi biển (The Beach).
Màn đấu trùm này diễn ra trước khi Death Stranding kết thúc khoảng 4-5 tiếng, và mặc dù game có thời lượng ít nhất là 30 tiếng, Higgs tự sát cũng đồng nghĩa với việc 5 chương còn lại trong game sẽ không có sự hiện diện của nhân vật đặc sắc này nữa.
Vaas – Far Cry 3 Vaas Montenegro trong Far Cry 3 thường được nhắc đến như là một trong những nhân vật phản diện ấn tượng nhất trong làng game từ trước đến nay. Ubisoft cũng làm rất tốt khâu marketing, tập trung nhấn mạnh và khắc họa rõ nét nhân vật này trước khi game ra mắt.
Và cũng chính vì thế mà fan tỏ ra khá là thất vọng, hụt hẫng khi Vass bị giết chết khi chỉ mới đi được 2/3 chặng đường trong game. Thậm chí, màn "đấu trùm" Vass cũng rất là cụt hứng, tụt mood, khi người chơi không được trực tiếp ra tay mà bị ép buộc phải nhìn Vass bị đâm chết trong một đoạn… cutscene.
Bởi vì Vass là một nhân vật đã thổi hồn cho Far Cry 3, nên cũng không quá khó hiểu khi phần chơi sau đó trở nên vô hồn, thiếu cảm xúc. Ngay cả màn đấu trùm cuối Hoyt Volker cũng chả bù đắp được khoảng trống mà Vass đã để lại sau khi bị sát hại. Vass là một kẻ phản diện, một kẻ ác nhân đúng nghĩa, và nên có được đặc quyền sống sót đến cuối game để trở thành con trùm đúng nghĩa.
Kronya – Fire Emblem: Three Houses Mặc dù khâu marketing tập trung tâng bốc cho Kronya rất nhiều, đến khi vào trong game chơi rồi thì mới vỡ lẽ ra là nhân vật này đóng vai trò không quá to lớn như người chơi nghĩ. Trong chương 9, Kronya đã giả dạng thành Monica để ra tay sát hại cha của nhân vật chính một cách vô cùng tàn nhẫn. Đây cũng chính là lúc mà người chơi nghĩ rằng Kronya là một trong những đối thủ đáng gờm trong Fire Emblem: Three Houses.
Nhưng ngay trong chương sau, ả ta đã bị đánh bại trong một màn đấu trùm, sau đó bị Solon lấy đi trái tim. Và đó cũng là tất cả những gì mà nhà phát triển muốn truyền đạt cho game thủ thông qua nhân vật này – một yếu tố phụ để thu hút người chơi bên cạnh cốt truyện chính.
Tạo hình của Kronya là một nhân vật khá là sexy với xu hướng bạo lực, và game thủ cũng sẽ vô cùng thỏa mãn khi đánh bại được kẻ phản diện này về sau game. Nhưng chưa chơi được nửa game là Kronya đã bị kẻ khác moi tim chết queo luôn rồi, khiến game thủ bất ngờ đến sững sờ, và cũng chả có gì gọi là thỏa mãn ở đây cả.
Nguồn What Culture biên dịch Gearvn
Axium Fox