(Tổ Quốc) - Tiền lương vất vả làm ra được nhưng nhiều người lại mua sắm một cách bốc đồng thiếu khôn ngoan. Bạn hoàn toàn nên nói lời xin lỗi với ví tiền của mình nếu năm qua còn mua sắm theo những cách thiếu suy nghĩ dưới đây.
1. “Nhưng nó đang được giảm giá”
Đó là một lời biện hộ không hiếm lạ gì, là nguyên nhân khiến nhiều người quyết định mua hàng. Nhưng bạn không biết rằng các nhà bán hàng đã nắm chắc tâm lý của người mua là thích mua được giá rẻ, mong được lợi.
Một, chúng chỉ là những khoản giảm giá giả. Hai, giảm giá không có nghĩa bạn cần món hàng đó, nếu cố mua về thì sẽ trở thành lãng phí.
Trước khi mua hàng, bạn hãy cân nhắc xem mình có thực sự cần nó hay không và liệu giá cả đã phù hợp với ngân sách. Nếu nó không đáp ứng hai tiêu chí đó thì dù giảm giá nhiều đến đâu, bạn cũng không nên mua.
2. “Nhưng tôi đã làm việc rất chăm chỉ, tôi xứng đáng được thưởng”
Thực tế là tất cả mọi người đều làm việc chăm chỉ, trừ một vài trường hợp mà thôi. Bạn cũng cần tận hưởng cuộc sống nhưng đó không phải là cái cớ để chi tiêu quá đà.
Dù thế nào thì những khoản mua sắm của bạn cũng phải phù hợp với ngân sách. Bởi vì ngoài hưởng thụ cuộc sống thì bạn còn rất nhiều mục tiêu tài chính khác cần thực hiện cơ mà.
3. “Tôi sẽ sớm nhận được mức tăng lương/số tiền thưởng ấy”
Đây là một lời ngụy biện thật thiếu trách nhiệm và ngốc nghếch cho những quyết định mua sắm quá tay. Cho dù bạn nghĩ rằng khoản tiền đó chắc chắn mình sẽ nhận được thì thực tế là bạn vẫn chưa có trong tay. Điều tồi tệ vẫn có thể xảy ra lắm chứ.
Bởi vậy hãy mua sắm khi bạn đã thực sự nhận được khoản tiền lương tăng thêm hoặc số tiền thưởng đó. Nếu không bạn sẽ dễ lâm vào nợ nần.
4. “Nhưng đồng nghiệp của tôi đều có”
Chúng ta rất dễ bị ảnh hưởng và thuyết phục bởi những người gần gũi xung quanh như bạn bè, đồng nghiệp, hàng xóm. Sức ảnh hưởng của họ thực sự gây tác động lớn đến thói quen chi tiêu của bạn.
Khi bạn bè đang mua sắm quần áo mùa thu, đi du lịch hoặc có lối sống hưởng thụ hơn, bạn sẽ có xu hướng muốn “bằng bạn bằng bè”. Tuy nhiên điều quan trọng là bạn và ngân sách của bạn chứ không phải ai khác. Những người xung quanh sẽ không thể bảo lãnh khi chúng ta gặp khó khăn về tài chính.
5. “Nhưng đó là đám cưới/sinh nhật chị họ tôi”
Đám cưới, sinh nhật là những dịp đặc biệt cần trang phục đặc biệt hơn. Nhiều người có thói quen vin vào cái cớ đó để vung tiền mua sắm, tạo cho bản thân một diện mạo thật hoàn hảo. Điều đó không sai nếu như ngân sách của bạn cho phép.
Tuy nhiên để an toàn nhất thì bạn hãy lập trước ngân sách cho những dịp đặc biệt trong năm và bám sát nó. Nếu cần, chúng ta hoàn toàn có thể thuê lễ phục thay cho mua để tiết kiệm chi phí.
6. “Dạo này tôi đã tiết kiệm rất tốt”
Giữ vững ngân sách và tiết kiệm chi tiêu là một điều tốt nhưng nếu bạn không chú ý bảo vệ thành quả của mình thì tất cả sẽ trở thành công cốc.
Cách tốt nhất là bạn hãy đặt ra các mục tiêu cụ thể và mỗi khi đạt được nó thì dành ra số tiền nhỏ làm quà đãi ngộ cho bản thân. Vậy là bạn vừa bảo vệ được thành quả của mình mà vẫn vui mừng khi được tự thưởng.
7. “Thời gian qua tôi đã phải chịu nhiều điều tồi tệ rồi”
Bạn vừa trải qua một khoảng thời gian khó khăn và muốn dùng việc mua sắm để lấy lại tâm trạng? Thực tế cảm giác vui sướng khi mua sắm mang lại chỉ là nhất thời, đến lúc kiểm tra tài khoản thậm chí bạn còn cảm thấy tồi tệ hơn.
Bạn hãy tìm kiếm một liệu pháp truyền cảm hứng khác thay vì vung tiền mua sắm.
8. “Tôi mua nó để đi bộ đường dài mùa thu tới”
Khi mua một đôi giày không dùng trong hiện tại mà dành cho những kế hoạch tương lai chưa biết bao giờ mới xảy ra, đó không phải một quyết định mua sắm tốt.
Hãy mua sắm cho cuộc sống hiện tại của bạn chứ không phải là cuộc sống mà bạn mong muốn trong tương lai. Bởi vì rất có thể kế hoạch ấy sẽ không trở thành hiện thực.
Theo: realsimple
An Du