(Tổ Quốc) - "Năm 1978, đang đi học mà nghe cô Thanh Nga mất, tôi ngồi khóc tức tưởi trong lớp", NSƯT Phượng Loan kể.
Nghệ sĩ ưu tú Phượng Loan tên thật là Đặng Thị Phương Loan sinh năm 1966 tại TPHCM. Hơn 40 năm làm nghề, NSƯT Phượng Loan đạt biết bao nhiêu giải thưởng. Trong đó phải kể tới, 4 năm liền giành huy chương vàng Hội diễn sân khấu cải lương chuyên nghiệp toàn quốc năm 1990, 1995, 2000, 2002.
Tài năng sân khấu của nghệ sĩ Phượng Loan còn được khán giả và hội đồng nghệ thuật ghi nhận ở nhiều giải thưởng uy tín khác như: Diễn viên tài sắc năm 1995, huy chương vì sự nghiệp văn hóa năm 2003, huy chương vì sự nghiệp sân khấu năm 2006, giải Mai Vàng năm 2007, giải Cống hiến 2013, giải Nghệ sĩ cải lương được yêu thích nhất HTV Awards 2014, 2015...
Thế nhưng, đằng sau hàng loạt những hào quang được Tổ nghiệp, đồng nghiệp cũng như khán giả yêu thương ấy, cuộc đời nghệ sĩ Phượng Loan là những thăng trầm, vất vả.
Hơn 40 năm làm nghề, NSƯT Phượng Loan đạt không biết bao nhiêu giải thưởng và cũng hóa thân không biết bao nhiêu vai diễn. Chỉ biết rằng, tiếng hát của Phượng Loan đã chạm tới trái tim khán giả và ở mãi trong tâm trí họ suốt nhiều năm qua.
Khóc tức tưởi khi nghe tin nghệ sĩ Thanh Nga chết
Nghệ sĩ Phượng Loan sinh ra trong một gia đình chẳng những không làm nghệ thuật mà còn không thích cho con cái theo nghề này. Thế nhưng, niềm đam mê ca hát của cô bé Phượng Loan lại được chính bà nội vun đắp từ những ngày thơ bé.
Phượng Loan mê ca hát, lúc nào cũng ca hát. Thấy cháu thích hát, bà nội mua những bài ca của nghệ sĩ Lệ Thủy về cho cháu tập. Dù vậy thì lúc nào bà nội cũng đe "không đi theo cái nghề xướng ca vô loài đó nha".
Nhà của Phượng Loan gần hai rạp hát Đại Đồng và Quốc Thanh. Thế nên, mỗi lần nghe có nghệ sĩ Thanh Nga về là lại lén lấy tiền để dành đi mua vé coi hát.
"Hồi đó, tôi mê cô Thanh Nga lắm, mê không thể tưởng tượng được. Năm 1978, đang đi học mà nghe cô Thanh Nga mất, tôi ngồi khóc tức tưởi trong lớp. Cô giáo giận quá hỏi, tại sao con khóc. Tôi nói, "cô Thanh Nga chết rồi".
Tôi khóc cả buổi, tới tận lúc đi về. Hồi đó, mình còn nhỏ xíu mà tôi dám đi bộ từ nhà ở đường Trần Quý Cáp ra bệnh viện Sài Gòn chỉ để được đứng ở ngoài, để nghe được câu chuyện cô Thanh Nga bị bắn như thế nào, rồi đi về", nghệ sĩ Phượng Loan nhớ lại khi chia sẻ trong chương trình Hạnh phúc ở đâu.
Hồi bé, Phượng Loan mê hát tới độ lén trốn mẹ đi học, ẵm cả em đến lớp. (Ảnh: FB nhân vật)
Gần nhà Phượng Loan có một lò dạy hát. Thầy cô giáo là một cặp vợ chồng nghệ sĩ ở đoàn Kim Chung. Tối nào cũng thế, Phượng Loan nhận nhiệm vụ bế em, dỗ cho em ngủ. Cô bé ẵm em đi ra đường, vừa đi vừa hát, tới khi nào em ngủ mới đi về nhà.
Mỗi lần như thế, cô bé lại đi ngang qua lớp dạy hát kia, trong lớp, cũng toàn các bạn tầm tuổi mình. Phượng Loan về xin mẹ cho đi học nhưng mẹ không đồng ý.
Gần nhà, có một người chú biết Phượng Loan hát hay nên lén cho cô bé tiền đi học. Vậy là cứ buổi trưa, tranh thủ lúc mẹ đi bán hàng, Phượng Loan dỗ cho em ngủ rồi bồng qua nhà hàng xóm gửi để chạy đi học 2 tiếng rồi về.
Hôm nào em "giở chứng", không chịu ngủ thì Phượng Loan vác cả em đến lớp. Cô bé mua bánh mua kẹo cho em ăn rồi em cũng ngoan ngoãn ngồi nghe các anh chị học hát.
Được một thời gian, Phượng Loan bị mẹ... phát hiện. Để làm nản chí con gái, bà bắt cô bé ẵm em đi theo nhưng cô bé vẫn sắp xếp được hết.
Dù gia đình không ủng hộ nhưng Phượng Loan vẫn một mực theo nghề. Niềm đam mê và hết lòng với nghệ thuật của nữ nghệ sĩ đã "động lòng" Tổ nghiệp và khán giả. Tài năng của chị đã tỏa sáng trên bầu trời nghệ thuật cải lương.
Tai nạn nhớ đời: Tất cả nhập viện hết
Chính thầy cô giáo dạy Phượng Loan hát lập ra đoàn hát đồng ấu và đưa học trò đi biểu diễn. Năm đó, Phượng Loan mới 13 tuổi. Trong đoàn, lớn nhất là nghệ sĩ Bảo Trí 16 tuổi, nhỏ nhất là 8 tuổi.
Vì sợ học trò nảy sinh tình cảm khi còn quá nhỏ nếu diễn các vai đào và kép với nhau nên trưởng đoàn bắt con gái hát kép. Suốt 3 năm đầu đi hát, Phượng Loan đều được giao vai kép.
Nhớ lại cái thời một mình theo đoàn hát dù mới 13 tuổi, Phượng Loan tâm sự trong chương trình Hạnh phúc ở đâu: "Hồi đó, tôi xin má cho đi hát mà má không cho. Đã không cho mà mình vẫn cố đi thì lỡ có gặp chuyện gì cũng không dám nói.
Tôi nhớ lần đó, đoàn đi hát ở Tam Kỳ. Cả đám con nít chúng tôi ngồi ở phía sau xe cùng với rất nhiều đạo cụ. Lúc xe chạy lên đèo thì bình thường nhưng đứt thắng hồi nào không hay.
Chú tài xế sợ đám con nít hoảng hốt nên mặt tỉnh queo. Tới lúc xuống đèo, có người đàn bà thấy xe đứt phanh, lao xuống, sợ quăng cả quang gánh. Vậy mà lúc đó, mình không biết gì, thấy thế cười ré lên: "xe tuột dốc, đã quá"!
Đang cười thì nghe tiếng rầm một cái, mở mắt ra đã thấy 4 bánh xe chổng lên trời, bao nhiêu đạo cụ đè hết lên người. Lúc đó là mình cười hết nổi rồi, bắt đầu khóc. Cả đám khóc lóc quá trời. Người dân chạy lại, lôi đám con nít trong xe ra.
Vừa ra được khỏi xe, cả đám cười sặc sụa, tôi không biết vì sao thì ra cái miệng tôi sưng lên một cục như trái cam. Thầy tôi bị khiếm thị, không thấy đường. Thầy cứ lần sờ lần sờ rồi kêu "Hoa ơi, coi có đứa nào phía sau không". Hoa là tên vợ của thầy.
Thầy sờ vào cái rổ mỡ bầy nhầy xong kêu: "Trời ơi, chúng nó lòi ruột rồi Hoa ơi". Cả đám cười rồi lật áo lên xem có lòi ruột không.
NSƯT Phượng Loan chia sẻ trong chương trình Hạnh phúc ở đâu.
Về thành phố, tất cả nhập viện hết. Tôi nằm ở viện 1 tháng mới về vì ba má vẫn tưởng mình đang đi hát. Được cái, cả đám dù chỉ toàn mười mấy tuổi nhưng đứa nào đứa đó kín miệng, không hé răng với gia đình.
Cô bảo, các con về kể là ba má không cho đi hát nữa nên đứa nào cũng sợ, không nói. Vậy mà, sau này má tôi vẫn biết. Khi biết chuyện, má giận tím người nhưng chuyện lỡ rồi nên cũng phải cho qua".
Hương (TH)