(Tổ Quốc) - Tôi đã mắc khá nhiều sai lầm về tiền bạc và hệ quả là tôi lâm vào nợ nần với số tiền lên đến 46.500 USD (hơn 1 tỷ đồng).
Charis Barg là một blogger tài chính tự do, bài viết về những sai lầm trong tiền bạc bản thân từng mắc phải được cô đăng tải trên trang Buzzfeed.
Hiện tại tôi có thể tự tin nói rằng mình đã quản lý tài chính tốt thế nhưng trước đây thì không phải như vậy. Tôi đã mắc khá nhiều sai lầm về tiền bạc và hệ quả là tôi lâm vào nợ nần với số tiền lên đến 46.500 USD (hơn 1 tỷ đồng). Tôi viết ra kinh nghiệm của bản thân mình, hy vọng các bạn không đi vào vết xe đổ của tôi.
1. Không kiểm tra xem mình nợ bao nhiêu tiền trong thẻ tín dụng
Tôi đã có một quan điểm “mất trí” về tiền bạc, đó là không dám kiểm tra xem mình đã nợ bao nhiêu tiền trên thẻ tín dụng. Lý do bởi tôi quá sợ hãi khi nghĩ đến số tiền mình đã chi tiêu trong thẻ và chọn cách trốn tránh thực tại.
Sau đó tôi nhận ra việc biết con số chính xác, cho dù lớn hay nhỏ, bao giờ cũng luôn tốt hơn.
2. Tôi không thiết lập thanh toán tự động cho khoản nợ của mình
Tôi đã đánh giá thấp việc thanh toán nợ trước hạn, do đó tôi đã vài lần lỡ mất khoản thanh toán tiền mua xe.
3. Không biết điểm tín dụng là “cái quái gì”
Tôi từng kiểm tra điểm tín dụng trong thẻ của mình nhưng không hề biết nó nói lên cái gì. Sau một vài thao tác trên Google, tôi lập tức hiểu rõ và đã nâng nó lên thành vài trăm điểm bằng cách trả nợ đúng hạn.
4. Nghĩ rằng chiếc xe hơi có thể tự chăm sóc nó
Tôi hoàn toàn không biết có bao nhiêu chi phí liên quan đến xe hơi và cộng dồn chúng lại sẽ thành con số lớn thế nào, cho tới tận khi phải rút ví để trả những khoản tiền ấy.
Điều kinh khủng nhất khi sở hữu một chiếc ô tô đó là những bất ngờ có thể xảy đến. Tôi mang chiếc xe đến tiệm sửa chữa để thay dầu nhớt đơn giản, đột nhiên nó cần phải thay lốp mới. Và tôi tiêu mất ngay 200 USD mà không hề có kế hoạch trước.
5. Tôi nợ nần chồng chất mà không có kế hoạch trả nợ
Tôi có khoản nợ vay sinh viên, nợ thẻ tín dụng và nợ mua xe tính lãi mà không biết làm cách nào để trả hết.
Cuối cùng khi bắt tay vào giải quyết chúng, tôi đã thực hiện theo 2 phương pháp: Lăn cầu tuyết (trả nợ từ số tiền thấp nhất đến cao nhất) và tuyết lở (trả món nợ có lãi suất cao nhất trước).
Sử dụng các app quản lý chi tiêu là một cách tuyệt vời để theo dõi các khoản nợ, tôi thấy có động lực trả nợ hơn hẳn, các bạn có thể tham khảo nhé.
6. Mua quá nhiều quần áo chỉ vì chúng đang được giảm giá
Tôi thấy một chiếc áo sơ mi giảm giá 50% ở cửa hàng và lập tức mua nó, trong khi đã có 3 chiếc tương tự ở nhà. Vấn đề là tôi không chỉ làm điều đó một, hai lần mà lặp đi lặp lại rất nhiều lần. Kết quả tủ quần áo ở nhà chật ních đồ, thậm chí có nhiều món đồ tôi không thích nhưng vẫn mua vì chúng được giảm giá.
7. Quẹt thẻ mà không cần suy nghĩ
Tôi có thể mua một ly cà phê 5 USD, mua một combo bánh mì 10 USD cho bữa trưa, sau đó đi ngang qua cửa hàng lại mua tiếp một chiếc áo len 20 USD chỉ vì nó đang giảm giá. Tôi lại chi thêm 50 USD để đi ăn tối và uống với bạn bè, tôi làm tất cả những điều đó mà chẳng hề suy nghĩ gì khi quẹt thẻ.
Khi tôi bắt đầu theo dõi các khoản chi tiêu của mình, tôi nhận ra rằng bản thân đã lãng phí cả đống tiền cho những thứ vớ vẩn ngẫu nhiên.
8. Chi tiêu quá nhiều tiền cho thực phẩm
Tôi thường không theo dõi xem mình đã chi bao nhiêu tiền cho thực phẩm, một vấn đề nữa là tôi lại tiêu quá nhiều tiền cho đồ ăn nhanh và những đồ ăn mang đi.
Bây giờ nghĩ lại thật sự khó chịu, bởi vì tôi rất muốn đi du lịch đến Iceland nhưng lại không đủ khả năng. Nếu không đi ăn nhiều như vậy thì tôi đã có thể thực hiện chuyến đi đó rồi.
9. Chi tiêu mà không tìm kiếm các giao dịch rẻ hơn
Tôi đã từng đi mua sắm mà không hề nghĩ đến việc so sánh giá cả. Nếu tôi muốn mua một chiếc máy pha cà phê thì sẽ đến cửa hàng và mua ngay chiếc đầu tiên nhìn thấy. Nếu muốn đi xem buổi biểu diễn, tôi sẽ mua vé trực tiếp từ trang web của sự kiện mà không tìm kiếm những nơi bán vé với mức giá chiết khấu.
Bây giờ tôi đã hành động khác đi, luôn tìm kiếm những giao dịch rẻ hơn để tiết kiệm chi phí. Tất nhiên là bạn sẽ mất một chút công sức nhưng lại tiết kiệm được tiền. Tôi đã từng trả 40 USD để tham gia một sự kiện với mức giá niêm yết là 200 USD!
10. “Đua đòi” theo những người khác
Tôi đã mắc một sai lầm khá kinh điển của nhiều người đó là luôn muốn bản thân phải “bằng bạn bằng bè”. Nếu bạn bè có một chiếc điện thoại đời mới nhất, tôi cũng muốn có một cái. Nếu tôi nhìn thấy người khác mặc bộ trang phục đẹp mắt, tôi sẽ ra ngoài mua luôn một bộ.
Thói quen chi tiêu này quả thực vô cùng tốn kém mà chẳng mang lại lợi ích thiết thực.
11. Không đánh giá xem liệu tôi có sử dụng đến thứ mà mình chi tiền ra mua hay không
Ý tôi ở đây không phải là những khoản mua sắm nhỏ lẻ như một chiếc máy xay sinh tố chẳng hạn, mà là những thứ to lớn hơn như các khóa học, chương trình đào tạo cao đẳng, đại học.
Tôi đã không ý thức được học phí của mình nhiều thế nào cho đến khi phải "còng lưng" trả khoản vay sinh viên. Nhớ lại, tôi ước rằng mình đã nghiên cứu kỹ lưỡng để tìm ra ngôi trường với mức học phí rẻ hơn.
Và nữa, tôi đã học để trở thành y tá nhưng hiện tại tôi lại là một blogger tự do! Khoản tiền học phí khổng lồ mà tôi chi ra đã thành công cốc!
12. Tôi nghĩ rằng hạn mức thẻ tín dụng của tôi = tiền miễn phí
Thẻ tín dụng đầu tiên của tôi có hạn mức tín dụng là 6.000 USD. Thật không may, tôi nghĩ điều này có nghĩa là tôi có 6.000 USD để chi tiêu nên cứ “xõa tay” trong mua sắm. Và tất nhiên là tôi đã quá sai lầm, bạn sẽ phải nhanh chóng trả lại khoản tiền ấy.
13. Luôn đầu hàng bản thân trong các hành động mua sắm bốc đồng
Có một sự thật là ai cũng thích những thứ sáng bóng và mới mẻ. Tôi cũng từng là người không kiềm chế được ham muốn mua sắm của bản thân. Ví dụ đột nhiên thích vẽ tranh, tôi sẽ ngay lập tức đi mua sách dạy vẽ, giấy, bút, màu… Tốn một khoản tiền không hề nhỏ nhưng tôi chỉ vẽ được vài lần rồi không chạm đến chúng nữa.
Hiện nay tôi luôn cố gắng chờ vài ngày hoặc một tuần trước khi mua đồ. Tôi ghi chú nó lại và dành thời gian đánh giá, suy nghĩ thêm. Oái oăm thay tôi thường quyết định không mua nó nữa sau khi đã có thời gian cân nhắc.
14. Có bao nhiêu tiền lương tiêu hết bấy nhiêu
Nếu tôi có 200 USD trong tài khoản, tôi sẽ tiêu hết sạch nó thay vì nghĩ đến tiết kiệm hoặc trả nợ. Tôi đã phải vật lộn vất vả để tiết kiệm được tiền lương.
Bạn có thể thiết lập các quy tắc tiết kiệm khác nhau phù hợp với bản thân. Thế nhưng tôi nhận ra tiết kiệm cho những mục tiêu thú vị bao giờ cũng khiến chúng ta có động lực hơn hẳn. Ví dụ tiết kiệm tiền đi du lịch Bali - nghe hay ho quá nhỉ, đảm bảo bạn sẽ hào hứng hơn với nó.
15. Không đầu tư sớm
Tôi luôn nghĩ rằng để bắt tay vào đầu tư thì mình phải hiểu biết nhiều như một chủ ngân hàng ở phố Wall. Rõ ràng suy nghĩ ấy là sai lầm, bạn hoàn toàn có thể đầu tư từ những khoản tiền tiết kiệm còn khiêm tốn của mình, miễn là tìm được phương án phù hợp.
Theo: Buzzfeed
An Du