(Tổ Quốc) - Ohara Hirani không sử dụng điện thoại di động, hiếm khi mua quần áo mới và có thể chấp nhận những món ăn giống nhau mỗi ngày.
Tôi tên là Ohara Hirani, năm nay tôi 33 tuổi. Tôi đã sống ở Tokyo được 6 năm và ở Đài Loan (Trung Quốc) được 2 năm. Đối với tôi, cuộc sống ẩn dật không chỉ là sống trên núi và cách xa đám đông, mà còn có thể sống "ẩn dật trong thành phố".
Cụ thể, tôi gần như chỉ có một mình, thanh đạm. Tôi không xem TV và đôi khi không biết những gì đang xảy ra bên ngoài. Đối với tôi, đây cũng là một kiểu sống ẩn dật.
Bây giờ tôi giúp các tạp chí du lịch viết bài giới thiệu về Đài Loan (Trung Quốc) và các địa điểm tham quan khác. Tôi thuê một căn phòng trọ nhỏ rộng 15 mét vuông ở ngoại ô Đài Bắc, từ trung tâm thành phố có thể đến bằng tàu điện ngầm.
Hầu hết thời gian tôi sẽ nấu ăn ở nhà, thỉnh thoảng đi dạo phố và đến các nhà hàng, quán cà phê. Tôi không có bạn bè ở Đài Loan (Trung Quốc), vì vậy tôi không cần phải giao lưu. Tôi thường đi dạo và ngắm cảnh. Tất cả dịch vụ giải trí này đều miễn phí.
Tôi học cách hạ thấp mức sống
Tôi không mua hàng xa xỉ, hiếm khi mua quần áo mới, sản phẩm điện tử... Tôi cũng hầu như không có ham muốn điều gì cả và có thể chấp nhận những món ăn giống nhau mỗi ngày. Tôi nghĩ cuộc sống sau 20 tuổi giống như một phép trừ. Tôi từ bỏ những thứ không cần thiết và học cách tiết kiệm nhiều khoản chi phí.
Tôi không sử dụng điện thoại di động
Sau khi tốt nghiệp trung học thì tôi không có bất cứ cuộc hẹn gặp với một người bạn nào. Một lần tôi kiểm tra danh bạ của điện thoại và thấy rằng 80% trong số đó là bạn học cũ. Mặc dù tôi vẫn có bạn tốt nhưng sau khi tốt nghiệp thì lại không cần liên hệ, nên tôi đã nghĩ đến lý do vì sao mình vẫn cần điện thoại di động? Vì vậy tôi ngừng dùng điện thoại và thấy cuộc sống không có nhiều thay đổi. Tôi chỉ dùng Internet khi ở nhà để nhận và trả lời tin nhắn mỗi ngày.
Mối quan tâm lớn nhất của tôi là đọc và nó miễn phí
Tôi thích đến thư viện hơn nhà sách bởi trong thư viện có nhiều sách hơn. Tôi đọc đủ thứ từ lịch sử, văn hóa, du lịch, khoa học, văn học, tài chính, thiết kế... Tôi đặc biệt thích đọc các thông tin liên quan tới nền văn hóa của một quốc gia, vùng miền nào đó để tìm hiểu về khu vực địa phương vì nó có ích cho công việc của tôi. Khi tới thư viện đọc sách tôi cũng được miễn phí.
Tại sao lại phải đi siêu thị?
Thức ăn cũng là một khoản chi tiêu lớn khi tôi sống ở Tokyo. Tôi thường đi dạo và hái cỏ dại bên đường về ăn. Tôi thấy rất nhiều loại như bạch quả, tía tô có thể ăn được cũng chẳng ai thèm hái mà chợ thì bày bán, kỳ quá. Người xưa cũng nhặt cỏ làm thức ăn, vậy tại sao người hiện đại lại phải đi siêu thị?
Tôi không có nhiều tiền nhưng tôi có nhiều thời gian, điều đó giúp tôi tiết kiệm được nhiều chi phí sinh hoạt
Nhiều người phải bỏ tiền ra để trả cho các dịch vụ làm đẹp cho mình, cắt tóc cũng là một trong số đó. Tóc tôi mọc rất nhanh nên thường xuyên phải cắt. Tôi tự làm tất cả để tiết kiệm tiền. Trên thực tế thì tôi cắt tóc cũng không tệ đâu.
Ngoài ra, tôi còn sử dụng baking soda làm chất tẩy rửa, tự giặt quần áo. Vì dành ít thời gian làm việc hơn và có nhiều thời gian để tự giải quyết các sinh hoạt của bản thân giúp tôi tiết kiệm thêm các loại chi phí phát sinh.
Bố mẹ tôi chưa chấp nhận được cách sống này!
Cách sống của tôi dường như không thể chấp nhận được đối với thế hệ lớn tuổi hơn, như bố mẹ tôi vậy. Họ cũng thường xuyên nghe lời nói ra nói vào từ bạn bè hoặc hàng xóm về tôi. Nhưng thú thật tôi không quan tâm cho lắm.
Tôi không nghĩ cách sống của mình là buông bỏ và thiếu trách nhiệm. Tôi vẫn làm những gì tôi thích và sống một cuộc sống hạnh phúc như tôi nghĩ. Tôi cũng có tiền tiết kiệm. Dù có chuyện gì xảy ra thì hiện tại tôi cũng đang tự lo được cho cuộc sống của mình mà không cần phải vay tiền của bố mẹ hay bạn bè.
Tôi rất hạnh phúc, mọi thứ vẫn ổn.
Bài viết được ghi theo lời kể của nhân vật Ohara Hirani trên Yit.com
Hồng Nhung