(Tổ Quốc) - Hà Nội tận dụng "thời gian vàng" giãn cách toàn xã hội để tiêm vaccine cho người dân, giám sát những trường hợp nguy cơ cao, đặc biệt đẩy mạnh xét nghiệm diện rộng toàn thành phố để bóc tách F0 khỏi cộng đồng.
Ngày 19/8, Hà Nội bước vào ngày giãn cách thứ 26, chỉ còn 4 ngày nữa kết thúc thời hạn (6h ngày 23/8). Trong sáng nay, thành phố ghi nhận thêm 5 ca Covid-19, đều trong khu cách ly, nâng tổng số ca mắc trong đợt dịch thứ 4 tính từ ngày 29/4 đến nay lên 2.364. Trong số này, 1.234 ca ngoài cộng đồng và 1.130 ca đã được cách ly.
Số ca Covid-19 giảm nhưng "không bền vững"
Ngày đầu giãn cách toàn xã hội, thành phố ghi nhận số ca thấp nhất với 23 trường hợp. Các ca dương tính SARS-CoV-2 tăng dần lên, đỉnh điểm ngày 30/7 có tới 119 ca, cao nhất tính đến nay.
Số ca trung bình trên 60 ca/ngày. Trong đợt giãn cách lần 2, F0 trong cộng đồng giảm dần; đến nay, trung bình khoảng 30 ca trong cộng đồng/ngày. Đặc biệt, chiều 15/8, thành phố không ghi nhận trường hợp dương tính và hôm qua (18/8) trong tổng 51 ca, chỉ 1 trường hợp ngoài cộng đồng.
Các F0 có xu hướng tăng giảm thất thường, khoảng một tuần trở lại đây bắt đầu giảm, nhưng các chuyên gia nhận định là "giảm không bền vững".
Dịch lan ra 30/30 quận, huyện, thị xã, nhiều nhất là huyện Đông Anh (311 ca), sau đó huyện Thanh Trì (261 ca) và quận Đống Đa (257 ca). 3 huyện có số ca nhiễm thấp nhất là Phú Xuyên (8 ca), Ba Vì (8 ca) và Chương Mỹ (9 ca).
Hà Nội có nhiều chùm ca bệnh chưa rõ nguồn lây, nhiều ổ dịch diễn biến phức tạp. Giai đoạn từ ngày 1/8 đến nay, thành phố ghi nhận 1.190 ca, trong đó, 68 ca sàng lọc ho sốt ngoài cộng đồng; 961 ca ho, sốt thứ phát. 26 ca sàng lọc ở khu vực nguy cơ cao, 3 F0 sàng lọc thuộc nhóm đối tượng nguy cơ cao và 132 F0 thuộc các nguồn lây khác.
Giai đoạn trước đó (từ ngày 24 đến 31/7), thành phố ghi nhận 1.174 F0, gồm các ca ho, sốt ngoài cộng đồng (49), nguồn lây thứ phát (269), khác (856).
Hà Nội phong tỏa cứng nhiều điểm có số ca mắc Covid-19 cao (Ảnh: Đinh Huy)
Ông Chu Ngọc Anh, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội nhận định sau hơn 20 ngày giãn cách, thành phố cơ bản kiểm soát được tình hình và đang xét nghiệm diện rộng để bóc tách triệt để F0 khỏi cộng đồng, tuy nhiên nguy cơ dịch bệnh luôn ở mức cao.
GS.TS Nguyễn Anh Trí, Chủ tịch Hội đồng Cố vấn Bệnh viện Medlatec nhận định, tình hình dịch ở Hà Nội đã có chiều hướng giảm trong 2 tuần vừa qua, đặc biệt những ngày gần đây, số lượng ca mắc bắt đầu giảm. Ông đánh giá cao việc Hà Nội tổ chức xét nghiệm diện rộng với số lượng mẫu rất lớn.
"Hà Nội xét nghiệm nhiều, nhưng số lượng F0 giảm xuống. Điều này chứng tỏ dịch đang có xu hướng đi xuống, tuy nhiên chưa thực sự bền vững. Do đó, thành phố phải tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch như hiện nay", GS.TS Nguyễn Anh Trí nói.
PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Cố vấn Cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, đánh giá Hà Nội không thể đưa số ca bệnh về không ngay lập tức, nhưng đã hạn chế, cắt đứt được nguồn lây. Ông cho rằng nguy cơ của Hà Nội vẫn rất cao. Qua việc sàng lọc cho thấy vẫn có các F0 rải rác, lẩn khuất trong cộng đồng, do đó việc giãn cách, thực hiện nghiêm 5K là biện pháp vô cùng quan trọng để cắt đứt nguồn lây.
Bên cạnh đó, những nguy cơ lây nhiễm từ các chuỗi như ngân hàng, bưu điện, shipper, đơn vị cung cấp hàng hóa vào siêu thị,… cũng cần phải được tập trung có biện pháp, không để lây lan. Ngoài ra, vẫn còn hiện tượng phong tỏa chưa chặt, người dân trong khu vực phong tỏa vẫn gặp gỡ, đi chợ trong khu vực.
Để quyết liệt phòng dịch hơn nữa, PGS.TS Trần Đắc Phu kiến nghị thành phố cần tiếp tục xét nghiệm diện rộng có chỉ định, tập trung các đối tượng, địa bàn nguy cơ.
Hà Nội tổ chức xét nghiệm diện rộng để bóc tách F0 khỏi cộng đồng (Ảnh: Đinh Huy)
Xét nghiệm thần tốc, bóc tách hết F0 ngoài cộng đồng
Đêm 10/8, Hà Nội ban hành kế hoạch, quyết định mở mặt trận thứ 2, xét nghiệm Covid-19 diện rộng quy mô lớn nhất từ trước đến nay với 3,3 triệu mẫu. Đợt cao điểm trong tháng 8/2021 từ ngày 9/8 đến 15 - 17/8, với khoảng 1.300.000 mẫu bằng kỹ thuật RT-PCR và 2.000.000 mẫu test nhanh.
Bà Trần Thị Nhị Hà, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội khẳng định cùng với chiến dịch tiêm chủng vaccine lớn nhất trong lịch sử Thủ đô, đây cũng là đợt lấy mẫu xét nghiệm lớn nhất từ trước đến nay trong công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19.
Bà Hà cho biết ngành y tế Thủ đô quyết tâm thực hiện nhanh nhất kế hoạch để đạt được mục tiêu phát hiện, khoanh vùng ổ dịch, bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng, truy vết triệt để F1, khoanh vùng và giảm "vùng đỏ", không để phát sinh chùm ca bệnh mới và bảo đảm an toàn, giữ vững "vùng xanh" hiệu quả, từng bước đẩy lùi dịch bệnh.
Từ ngày 9/8 đến 15/8, Hà Nội đã lấy được 313.010 mẫu xét nghiệm khu vực nguy cơ và người dân nguy cơ cao, phát hiện 29 ca Covid-19.
Chiến dịch tiêm chủng được thực hiện song song với xét nghiệm sàng lọc (Ảnh: Đinh Huy)
Thành phố tiếp tục lấy mẫu xét nghiệm diện rộng đợt 2 từ ngày 18/8 đến 20/8, quyết tâm bóc tách hết F0 tại các vùng đỏ, nguy cơ cao, khu vực trọng điểm.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội khuyến cáo 13 nhóm người nguy cơ cao cần được xét nghiệm ngay, gồm người giao hàng (shipper); người bán hàng tại các chợ truyền thống; nhân viên bán hàng tại siêu thị, trung tâm thương mại; người bán hàng tạp hóa tại nhà; nhân viên bán xăng; lái xe khu công nghiệp, đường dài; bảo vệ chung cư, khu công nghiệp, nhà máy, xí nghiệp, cơ quan, đoàn thể; công nhân xây dựng đang mắc kẹt tại Hà Nội; nhân viên bán thuốc tại các quầy; người làm tại các kho hàng bán lẻ; người trực chốt kiểm dịch; lực lượng hỗ trợ chống dịch; nhân viên công ty môi trường đô thị trực tiếp thu gom rác (lái xe, lao công).
"Từ lâu chúng tôi rất lo ngại nhóm đối tượng này vì họ hay tiếp xúc và thường tiếp xúc nhiều người, rất dễ nhiễm bệnh. Qua các đợt dịch trước, không hiếm những ổ dịch bùng phát từ 13 nhóm người này. Hà Nội nên ưu tiên xét nghiệm và tiêm vaccine cho họ", GS.TS Nguyễn Anh Trí nói.
Theo GS.TS Nguyễn Anh Trí, trước câu hỏi "Hà Nội có cần kéo dài thời gian giãn cách nữa không?", thì phải đợi theo dõi tình hình dịch bệnh 2, 3 ngày tới. Ông nói, trong bối cảnh thành phố xét nghiệm diện rộng như hiện nay mà tỷ lệ F0 giảm đi, có thể cân nhắc tạm thời kết thúc giãn cách. Tuy nhiên, đợt lễ 2/9 sắp tới, thành phố cần xem xét thận trọng.
"Nếu số lượng F0 tăng và tăng nhiều hơn sau chiến dịch xét nghiệm diện rộng lần 2, Hà Nội có lẽ phải tiếp tục giãn cách", vị giáo sư nhấn mạnh.
Tiếp tục kêu gọi người dân khai báo y tế
Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố (CDC) Hà Nội Lã Thị Lan cho biết, một số khu phong toả như xã Liên Ninh (Thanh Trì), phường Văn Chương (Đống Đa) hay huyện Đông Anh,… vẫn phát hiện những ca dương tính. Bà Lan nhận định, giãn cách là biện pháp hiệu quả nhất để tránh lây lan, cần phải giám sát chặt các khu vực để không bùng phát dịch.
"Một kênh thông tin rất hiệu quả để phát hiện ca bệnh là khai báo ho, sốt qua Bluezone, tờ khai y tế điện tử. Thực tế trong thời gian qua, từ tổng hợp của Sở Thông tin và Truyền thông hàng ngày, các trường hợp khai báo ho, sốt đã được lấy mẫu xét nghiệm và đã phát hiện nhiều ca F0", bà Lan nói và kêu gọi người dân hãy tích cực khai báo y tế, đặc biệt khi có các biểu hiện như ho, sốt, khó thở để được lấy mẫu xét nghiệm, phát hiện sớm, sàng lọc kịp thời.
Ông Khổng Minh Tuấn, Phó Giám đốc CDC Hà Nội cho hay, sau một tháng tăng cường giám sát các trường hợp người dân có biểu hiện ho, sốt trong cộng đồng, tính đến ngày 18/8, toàn thành phố đã giám sát và lấy mẫu xét nghiệm cho 18.637 người, kết quả đã ghi nhận 117 ca dương tính với SARS-CoV-2, chiếm tỷ lệ 0,63% trên tổng số người được xét nghiệm.
Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 có diễn biến phức tạp, xuất hiện nhiều ca mắc không rõ nguồn lây và không có yếu tố dịch tễ, CDC Hà Nội nhận định việc giám sát và lấy mẫu xét nghiệm cho những trường hợp ho, sốt đóng vai trò hết sức quan trọng, góp phần vào việc bóc tách F0 để cắt đứt chuỗi lây nhiễm ra khỏi cộng đồng.
Thành phố tiếp tục kêu gọi người dân nếu có biểu hiện ho, sốt cần khai báo để được xét nghiệm (Ảnh: Phương Thảo)
Trong thời gian tới, song song với việc tổ chức lấy mẫu xét nghiệm cho 13 nhóm người có nguy cơ và những người trong khu vực nguy cơ cao trên địa bàn toàn thành phố, việc giám sát và lấy mẫu xét nghiệm cho những trường hợp ho, sốt cần được tiếp tục triển khai. Đặc biệt là những người đang cư trú trên các địa bàn như quận Đống Đa, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Hà Đông; huyện Thanh Trì, Thường Tín, Đông Anh, Quốc Oai, đây là những khu vực có nhiều người ho, sốt có tỷ lệ xét nghiệm dương tính cao.
"Để hoạt động này triển khai đạt hiệu quả, ngoài việc tăng cường giám sát của cơ quan y tế, cần phải có sự tự giác khai báo của người dân mỗi khi có biểu hiện ho, sốt; các tổ Covid-19 cộng đồng, đội phản ứng nhanh của các địa phương tích cực rà soát, tuyên truyền đến từng hộ gia đình", ông Tuấn nói.
Người dân trên địa bàn Hà Nội khi có một trong các biểu hiện như: sốt, ho, đau họng, khó thở, đau người, mệt mỏi, ớn lạnh, giảm hoặc mất vị giác hoặc khứu giác, cần thực hiện ngay một trong các hình thức sau để được hướng dẫn và làm xét nghiệm SARS-CoV-2 miễn phí:
- Khai báo y tế trên website www.tokhaiyte.vn hoặc trên ứng dụng Bluezone.
- Liên hệ CDC Hà Nội (0969.082.115 hoặc 0949.396.115);
- Liên hệ đường dây nóng của Sở Thông tin và Truyền thông: 0889.55.66.55 và 0889.55.77.55.
- Liên hệ Trạm y tế phường, xã nơi cư trú.
Sự kiệnCập nhật NaN-NaN-NaN NaN:NaN:NaN12 tin bài
Minh Nhân